Trong những năm qua, thực hiện chủ trương trên, công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ Đảng ở khu dân cư..., được các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt quan tâm, có nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền vững mạnh từ cơ sở.
Vùng Tây Nguyên có dân số hơn 5,6 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 36,3%, người có đạo chiếm gần 38%. Trao đổi với chúng tôi về công tác phát triển đảng viên, đồng chí Lê Thị Thanh Minh, Phó vụ trưởng Vụ Xây dựng hệ thống chính trị (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên), khẳng định: Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên xác định quan tâm phát triển đảng viên người DTTS, người có đạo, bởi từ năm 2001 trở về trước, nhiều thôn, buôn vùng DTTS, vùng có đạo còn “trắng” đảng viên tại chỗ và “trắng” chi bộ Đảng; tỷ lệ đảng viên người DTTS và đảng viên có đạo đạt thấp. Năm 2005, trong tổng số 102.458 đảng viên toàn vùng chỉ có 17.134 đảng viên người DTTS, chiếm 16,72% và 1.730 đảng viên người có đạo, chiếm 1,69%.
Thêm chu toàn “việc đời, việc đạo”
Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong đồng bào DTTS, vùng đồng bào có đạo. Đồng chí Trần Duy Thọ, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Nông, cho biết: “Năm 2005, toàn Đảng bộ tỉnh chỉ có 69 đảng viên là người có đạo thì đến cuối năm 2016, con số này là 662 đảng viên, chiếm 2,82%”.
Từ năm 2005 đến 2016, toàn tỉnh Đắc Lắc kết nạp được 599 đảng viên là người có đạo. Là địa phương làm tốt nhất phần việc này ở tỉnh Đắc Lắc, kinh nghiệm của Thị ủy Buôn Hồ là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để quần chúng cũng như cộng đồng giáo dân thay đổi nhận thức, qua đó từng bước xóa bỏ định kiến về tư tưởng. Đồng chí H’Blă Mlô, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Buôn Hồ, cho biết: Khoảng 10 năm trước, ở các địa bàn công giáo toàn tòng, như xã Cư Bao, phường Bình Tân và phường Thống Nhất, có tình trạng quần chúng sau khi được kết nạp Đảng là bỏ đạo, dẫn tới đảng viên xa rời quần chúng, thậm chí còn bị cô lập trong cộng đồng giáo dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay khi phát triển được đảng viên, cấp ủy đều quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đảng viên tham gia các hoạt động của giáo họ, giáo xứ, góp phần làm cho phong trào của giáo dân nơi đó phát triển mạnh hơn, theo đúng tinh thần: “Sống tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”.
Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương (thứ hai, từ trái sang), trao đổi với Chi bộ thôn 1 về phát triển đảng viên vùng đồng bào có đạo.
Từ năm 2012 đến 2016, thị xã Buôn Hồ phát triển được 894 đảng viên mới; hằng năm đều vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên. Nếu như trước tháng 12-2011, Đảng bộ thị xã có 49 tổ chức cơ sở đảng với hơn 2.110 đảng viên; có 95,3% thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên người tại chỗ, trong đó 73,8% thôn, buôn, tổ dân phố có đủ đảng viên người tại chỗ (còn 7 thôn, buôn, tổ dân phố “trắng” đảng viên tại chỗ), thì đến cuối năm 2016, Đảng bộ thị xã có 35 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 3.116 đảng viên; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ Đảng và có đảng viên là người tại chỗ, trong đó 115/149 thôn, buôn, tổ dân phố có đủ đảng viên người tại chỗ để thành lập chi bộ.
Lâm Đồng là địa phương dẫn đầu vùng Tây Nguyên về công tác phát triển đảng viên trong đồng bào có đạo. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đinh Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, phân tích nguyên nhân đạt được. Theo đó, đặc thù của Lâm Đồng là đồng bào có đạo đông (chiếm 64%). Công tác phát triển đảng trong vùng đồng bào có đạo được tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc bằng những kế hoạch, nghị quyết, chương trình cụ thể cho từng năm. Các cấp chính quyền cũng tranh thủ sự ủng hộ tích cực của giới chức sắc, chức việc các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động, giúp đỡ quần chúng ưu tú trong vùng đồng bào có đạo phát triển đảng. Từ năm 2005 đến 2016, toàn tỉnh phát triển được 2.523 đảng viên trong vùng đồng bào có đạo, nâng tỷ lệ đảng viên người có đạo so với tổng số đảng viên từ 5,81% (năm 2005) lên 9,25% (năm 2016).
Chúng tôi về xã Đưng K’nớ-xã khó khăn nhất của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Đồng chí Đoàn Quang Giao, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã được thành lập năm 1999, người đồng bào DTTS chiếm 98% và hơn 91% dân số theo đạo Công giáo, Tin lành. Khi thành lập, xã chỉ có 1 chi bộ Đảng; 4/4 thôn đều “trắng” đảng viên. Nhờ làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên người DTTS, người có đạo nên đến năm 2008, xã thành lập được Đảng bộ với 38 đảng viên, 4/4 thôn có chi bộ Đảng; đảng viên các thôn là người DTTS, người có đạo chiếm tỷ lệ cao. Năm 2016, Đảng bộ xã Đưng K’nớ phát triển được 14 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên lên 72 đồng chí, sinh hoạt tại 8 chi bộ trực thuộc, trong đó có 4 chi bộ thôn, 100% đảng viên chi bộ thôn là người DTTS và tham gia sinh hoạt tôn giáo. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Đưng K’nớ đề ra chỉ tiêu mỗi năm phát triển 8 đảng viên mới, đến cuối nhiệm kỳ xây dựng 100% chi bộ thôn có cấp ủy.
Tạo chuyển biến về nhận thức, chủ động “gỡ khó”
Đến cuối năm 2016, Kon Tum là địa phương ở Tây Nguyên có tỷ lệ đảng viên người DTTS cao nhất vùng, với 7.941 đảng viên, chiếm 30,09% so với tổng số đảng viên. Đồng chí Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Ban Tổ chức tỉnh ủy, khẳng định, địa phương tập trung giải quyết tốt hai vấn đề: Tạo chuyển biến về nhận thức và linh hoạt tháo gỡ khó khăn. Theo đó hằng năm, Đảng ủy các cấp giao chỉ tiêu cụ thể đối với các chi bộ thôn, buôn có ít đảng viên. Các cấp ủy viên phân công đảng viên chính thức có kinh nghiệm, có uy tín, am hiểu về phong tục tập quán của đồng bào DTTS về sinh hoạt tại thôn, buôn để xây dựng lực lượng nòng cốt. Tỉnh ủy coi trọng phát triển đảng viên người DTTS, nhất là phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở để vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó lựa chọn những quần chúng ưu tú, là con em đồng bào DTTS phấn đấu tốt giới thiệu vào đảng.
Từ năm 2005 đến 2016, toàn vùng Tây Nguyên kết nạp được hơn 22.000 đảng viên người DTTS và gần 5.100 đảng viên người có đạo. Tổng số đảng viên người DTTS toàn vùng tăng từ 17.134 đồng chí (năm 2005) lên 39.134 đồng chí (năm 2016), tăng 2,28 lần; đảng viên người có đạo từ 1.730 đồng chí (năm 2005) lên 6.823 đồng chí (năm 2016), tăng gần 4 lần.
Những kết quả đạt được trong phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS và người có đạo thời gian qua góp phần quan trọng xây dựng và củng cố tổ chức đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của chi bộ Đảng ở khu dân cư, qua đó từng bước thu hẹp, giảm nhanh số thôn, buôn chưa có đảng viên và xóa thôn, buôn “trắng” về chi bộ Đảng theo tinh thần Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị.
(còn nữa)
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH - TIẾN DŨNG