Phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ
Những năm đầu triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW, Tỉnh ủy Kon Tum xây dựng kế hoạch phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ. Khi thấy đạt kết quả, ngày 4-9-2008, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về đẩy mạnh công tác phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ. Tiếp đó, cuối năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum có Kết luận số 322-KL/TU về tiếp tục đẩy mạnh công tác phân công đảng viên ở chi bộ thôn, làng, tổ dân phố phụ trách hộ, nhóm hộ. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định: Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh Kon Tum có 14.887 đảng viên sinh hoạt ở khu dân cư, trong đó gần 10.700 đảng viên được phân công phụ trách 112.723 hộ, đạt tỷ lệ 71,82% về số đảng viên và hơn 94% về số hộ. Điều đáng mừng là hầu hết đảng viên được phân công phụ trách hộ, nhóm hộ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh vạch trần hành động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, nhất là âm mưu kích động đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép, theo "tà đạo Hà Mòn”; tích cực hướng dẫn các hộ dân phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhiều đảng viên đã chủ động trong xây dựng lực lượng cốt cán ở cơ sở, làm tốt công tác phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu quần chúng ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp được hơn 2.000 đảng viên mới.
Đảng viên Công ty Cao su Kon Tum (phụ trách nhóm hộ người dân tộc thiểu số thôn 1, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) hướng dẫn người dân kỹ thuật cạo mủ cao su.
Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ khu dân cư, đầu năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai có Công văn số 781-CV/TU về việc phân công cấp ủy viên cấp huyện về dự sinh hoạt chi bộ trực thuộc cấp ủy cơ sở, qua đó nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở, trực tiếp xử lý, giải quyết những công việc thuộc thẩm quyền, hoặc thu nhận ý kiến, đề đạt cấp có thẩm quyền giải quyết. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh Gia Lai có 730 đồng chí huyện ủy viên tham dự hơn 26.500 buổi sinh hoạt với hơn 2.150 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo mỗi huyện, thị, thành ủy chọn xây dựng từ 1-2 chi bộ kiểu mẫu. Ban Tổ chức Tỉnh ủy có Văn bản số 08-HD/BTCTU, hướng dẫn tiêu chí xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố kiểu mẫu. Theo đó, để đạt chi bộ kiểu mẫu, trước hết chi bộ phải thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ, nội dung sinh hoạt theo đúng Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương; tổ chức tốt các buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung phù hợp; trong sinh hoạt có sổ biên bản ghi chép đầy đủ, rõ ràng nội dung và kết luận của đồng chí chủ trì; phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thôn, làng, tổ dân phố; làm tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên và công tác phát triển đảng viên mới; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đảng viên; lãnh đạo các đoàn thể ở cơ sở duy trì nền nếp sinh hoạt và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã xây dựng được 38 chi bộ kiểu mẫu.
Cán bộ sâu sát cơ sở, gắn với chi bộ khu dân cư
Phân công cấp ủy cấp trên dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư cũng là cách làm hiệu quả của Huyện ủy Cư M’gar (tỉnh Đắc Lắc). Đồng chí Lê Nam Cao, Phó bí thư Huyện ủy cho biết: Huyện ủy phân công các đồng chí lãnh đạo ban, cơ quan trực thuộc huyện ủy dự sinh hoạt định kỳ tại chi bộ khu dân cư. Đảng bộ các xã, thị trấn cũng phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn theo dõi, kiểm tra nền nếp, nội dung sinh hoạt của các chi bộ.
Tháng 2-2017, Huyện ủy Cư M’gar ban hành Kế hoạch số 35-KH/HU về triển khai nhiệm vụ “năm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Theo đó, hằng quý, các đồng chí huyện ủy viên, chuyên viên các ban, cơ quan thuộc huyện ủy, cấp ủy cơ sở trực tiếp tham dự, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đóng góp ý kiến đối với việc sinh hoạt chi bộ tại địa bàn được phân công.
Năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng ở khu dân cư chỉ được phát huy tốt khi chất lượng các buổi sinh hoạt chi bộ được nâng lên. Từ đầu năm 2016, Tỉnh ủy Đắc Nông thực hiện việc phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh ủy viên phụ trách địa bàn; các đồng chí trong Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các ban chuyên môn… trực tiếp tham dự sinh hoạt tại chi bộ Đảng ở khu dân cư, để làm rõ 3 vấn đề: Vai trò của các đồng chí bí thư, phó bí thư trong tổ chức sinh hoạt; việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của chi bộ và thực hiện nhiệm vụ của từng đảng viên; việc ra nghị quyết lãnh đạo tháng sau và phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên. Đồng chí Trần Duy Thọ, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Nông khẳng định: “Khi làm rõ để khắc phục khuyết điểm qua 3 vấn đề trên thì chất lượng sinh hoạt chi bộ nhất định sẽ được nâng lên”.
Đồng chí Phi Srỗn Ha Nràng, Phó bí thư Đảng ủy xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), cho rằng: Năng lực lãnh đạo của chi bộ thôn ở vùng có đạo trên địa bàn xã được nâng lên còn bởi một số đồng chí bí thư chi bộ thôn nằm trong “Ban hành giáo của giáo họ”. Với lợi thế này, trong sinh hoạt chi bộ cũng như trong điều hành công việc chung của giáo họ, các chi bộ Đảng có điều kiện gắn kết việc “đời” với việc “đạo”; kết hợp tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, kế hoạch của địa phương đến bà con.
Từ năm 2014 đến 2016, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phân công đảng viên các vụ chuyên môn tham dự sinh hoạt tại 55 chi bộ khu dân cư, qua đó nhận xét: Những năm gần đây, chất lượng sinh hoạt chi bộ thôn, buôn có nhiều chuyển biến tích cực; vai trò, trách nhiệm của chi ủy, bí thư chi bộ được nâng lên; công tác chuẩn bị chương trình, nội dung sinh hoạt được xây dựng theo đúng trình tự quy định. Tinh thần tự phê bình và phê bình của đảng viên có chuyển biến tích cực; tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt cao. Dựa trên kết quả tham gia sinh hoạt, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên định hướng cấp ủy các cấp bổ sung, điều chỉnh, có hướng dẫn phù hợp về nội dung sinh hoạt, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ Đảng ở khu dân cư vùng Tây Nguyên.
Có thể nói, tuy chưa đạt được mục tiêu “Đến năm 2013, tất cả các buôn làng đều có đảng viên; đến năm 2015, tất cả các buôn làng đều có tổ chức Đảng” theo Kết luận số 12- KL/TW ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI), nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả của tỉnh ủy các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, đến cuối năm 2016, toàn vùng có 99,92% thôn, buôn có chi bộ và 98,01% thôn, buôn có đảng viên tại chỗ. Qua đó cho thấy sự nỗ lực cao của cấp ủy Đảng các cấp vùng Tây Nguyên trong việc nâng cao chất lượng xây dựng Đảng, làm cho chi bộ Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, góp phần quan trọng củng cố hệ thống chính trị, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Bài và ảnh: TIẾN DŨNG - BÌNH ĐỊNH