Sáng sớm, họ vừa kiểm soát người qua lại, vừa dựng lại lán trại, nấu những bữa ăn vội trên nền đất nhão do nước ngập đã rút. Từ vùng biên giới Việt-Lào xa xôi-xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, bác sĩ Lò Thị Hồng Thúy, cán bộ Phòng Y tế huyện Sốp Cộp, người đang làm nhiệm vụ tại Mường Lạn, đã gửi đến tôi những dòng tin nhắn đầy cảm xúc. Bác sĩ Thúy cũng chia sẻ thêm những hình ảnh khó khăn, vất vả của các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Để lại đằng sau những nhọc nhằn, họ đã bước đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một số mặt hàng thiết yếu được Công đoàn Bệnh viện Quân y 103 trao tặng các lực lượng phòng, chống dịch ở chốt bảo vệ biên giới xã Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La). Ảnh: LÒ THỊ HỒNG THÚY.

Bác sĩ Lò Thị Hồng Thúy là một “người thân” của Bệnh viện Quân y 103. Chị không chỉ nhiều năm gắn bó với việc khám, chữa bệnh (KCB) ở vùng cao mà còn là “cầu nối” để bệnh viện có nhiều hoạt động KCB, cấp thuốc miễn phí và tặng quà đồng bào nơi vùng cao biên giới này. Trong tin nhắn gửi cho tôi, chị viết: “Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về PCD Covid-19, ở xã biên giới Mường Lạn, đã nhiều ngày nay, cán bộ, chiến sĩ biên phòng cùng lực lượng y tế địa phương phải căng mình làm việc. Họ gác lại tất cả những riêng tư, tạm xa gia đình để ngày đêm canh trực ở đường mòn, lối mở tại các chốt đường biên. Đồng bào Sốp Cộp luôn cần sự chung tay, động viên kịp thời để chiến thắng dịch bệnh”.

Nhiều ngày qua, từ các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta càng hiểu hơn những vất vả trong công tác PCD. Ở miền xuôi khó khăn một thì ở vùng cao, biên giới khó khăn gấp nhiều lần. Không chỉ thiếu thốn về điều kiện vật chất, nhân lực, nơi đây còn luôn bị cách trở bởi đường sá đi lại, trình độ dân trí còn hạn chế, các phong tục, tập quán lạc hậu vốn đã ăn sâu khiến người dân không thể một sớm một chiều thay đổi về nhận thức trong PCD bệnh.

Thực hiện Chương trình 12 (quân-dân y kết hợp), được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ, 10 năm liên tục, Bệnh viện Quân y 103 đã tổ chức các đoàn công tác về với Sơn La để khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tặng quà bà con, đặc biệt là đồng bào nghèo. Riêng địa bàn huyện Sốp Cộp, đoàn công tác của bệnh viện đã 3 lần về KCB giúp bà con. Các thầy thuốc quân y từng về công tác hiểu hơn ai hết sự vất vả của người dân Sốp Cộp. Đây là huyện biên giới, kinh tế phát triển chậm, đời sống nhân dân còn nghèo khó. Tại các bản làng, người dân vẫn chủ yếu sống theo tư duy tự cấp, tự túc. Cũng trong những lần về KCB giúp bà con, ngoài phần trích kinh phí của bệnh viện, các y sĩ, bác sĩ, cán bộ, nhân viên trong đoàn công tác đều tự nguyện tổ chức quyên góp để đến thăm, tặng quà thầy và trò các điểm trường dân tộc nội trú, những người dân nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. Lần nào cũng vậy, tận mắt chứng kiến những hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi đều không cầm được nước mắt.

Nhận được thông tin từ bác sĩ Lò Thị Hồng Thúy, tất cả cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Quân y 103 đều có chung suy nghĩ phải làm điều gì đó chia sẻ khó khăn với các lực lượng nơi tuyến đầu. Chỉ trong một thời gian ngắn, bước đầu cán bộ, đoàn viên công đoàn bệnh viện đã tự nguyện tham gia quyên góp được số tiền 25,8 triệu đồng. Vì cung đường quá xa, hơn nữa, toàn bệnh viện cũng đang tập trung cao độ thực hiện nhiệm vụ PCD nên không thể trực tiếp tới trao tặng đồng bào. Sáng 23-4, số tiền trên đã kịp thời được chuyển đến huyện Sốp Cộp để mua những mặt hàng thiết yếu gửi đến các điểm chốt biên giới. Cùng với hàng hóa là lời động viên, chia sẻ của các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 103 gửi lên vùng biên giới này. Hy vọng món quà sẽ như một lời động viên, tiếp thêm nghị lực cho các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế trên tuyến đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng cả nước chung tay đẩy lùi và chiến thắng đại dịch.

TRẦN VĂN BẢN, Thượng tá, Phó chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y)