leftcenterrightdel
Minh họa: Phạm Hà 
Sở dĩ có tình cảm đặc biệt ấy, là bởi hơn ba chục năm quân ngũ thì tôi có 3 năm đầu làm nhân viên Phòng Chính trị Sư đoàn 342 đóng gần thị trấn Cam Lộ-Quảng Trị. Chính từ nơi đây, sau ba năm nghĩa vụ, tôi được chuyển ra Hà Nội học hành và trở thành người làm báo, viết văn mang áo lính đến nay. Sư đoàn 342 của tôi giải tán sau đó ít lâu, toàn bộ doanh trại được giao cho Sư đoàn 968 tiếp quản. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 342 sau khi giải thể cũng được biên chế về các cơ quan, đơn vị thuộc Sư đoàn 968. Thế nên, nhiều giai thoại vui, buồn của “lính 342” cũng được “biên chế” về Sư đoàn 968, trong đó có 4 câu thơ này:

Xăm xăm toan vượt hàng rào

Vệ binh tóm được, nhốt vào nhà ghi

Nhà ghi thì mặc nhà ghi

Hồ Khâm, Nam Thắng mấy khi được ngồi…

Hồ Khâm là tên chú liên lạc của Phòng Chính trị Sư đoàn 342 hồi ấy. “Nhà ghi” là ngôi nhà kỷ luật ngay trước cổng sư đoàn bộ. Nhà này được làm bằng những tấm ghi lát sân bay dã chiến của Mỹ, nên anh em quen gọi là “nhà ghi”. Bữa đó là chủ nhật, tôi và Hồ Khâm rủ nhau vào làng xin tre về rào vườn tăng gia. Hai thằng khiêng cây tre mà diễu dương ngoài Đường 9, nhỡ gặp mấy em trường sư phạm Đông Hà thì ngượng chết. Chúng tôi băng tắt qua hàng rào phía sau khu vệ sinh cơ quan, thế là bị tóm. Ngồi trong nhà ghi, tôi lấy mẩu gạch non viết lên cánh cửa 4 câu thơ tức cảnh, rồi nằm dài lên tấm ghi đánh một giấc ngon lành. Gần tối, Trung tá Hoàng San, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn, phải cho người ra bảo lãnh về. Từ đó, tôi không bị nhốt nhà ghi lần nào nữa, nhưng 4 câu thơ trên thì được lưu truyền từ thời 342 sang 968 cho đến nay…

Sau 35 năm rời xa Miền đất lửa, hôm nay trở về mảnh đất ân nghĩa ân tình, trong khung cảnh đất trời đang chuyển sang xuân, lòng tôi trào lên bao kỷ niệm vui buồn của những ngày “lính tráng”. ấn tượng nhất vẫn là cái nắng, cái nóng của nơi này. Cam Lộ-Đường 9-Khe Sanh-Lao Bảo… là “vương quốc” của gió Lào khét tiếng. Sau chiến tranh, đất đai xơ xác, cây cỏ cỗi cằn, đạn bom vương vãi… nên cái nắng, cái nóng càng khủng khiếp. Nóng đến nỗi buổi trưa nằm nghỉ trong nhà, hắc ín sơn vì kèo, xà dọc, xà ngang chảy ra, nhỏ xuống khiến nhiều anh mặt mũi tay chân lem luốc hệt thợ lò…

ám ảnh cái nắng, cái nóng trên đây, nên hôm nay tôi thực sự bị “choáng” ngay từ khi bước chân vào cổng Trung đoàn 19, nơi trước đây là sư đoàn bộ mà tôi từng gắn bó, bây giờ “xanh, sạch, đẹp” như một khu du lịch sinh thái. Sang các trung đoàn và đơn vị trực thuộc khác cũng đều như vậy.

Những ngày về thăm doanh trại sư đoàn cũ, tôi còn được nghe, được thấy nhiều kỳ tích của thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay. Ví như chuyện “lính 968” trồng được bắp cải ngay giữa mùa hè, khó tin đến nỗi tháng Tư năm ngoái, đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phải đích thân vào tận nơi kiểm tra và ghi nhận. Rồi chuyện gần 10 năm nay, sư đoàn không có quân nhân bỏ ngũ. Chương trình “Quà tặng trái tim” mừng sinh nhật chiến sĩ và “Tổ tư vấn tâm lý” của Đoàn Thanh niên Sư đoàn 968 cũng đang là một mô hình mới, sinh động và hấp dẫn cả lính trẻ lẫn… “lính già”. Hàn huyên với anh em Phòng Chính trị, nghe kể về việc sắp xuất bản cuốn “Người tốt, việc tốt” phát hành nội bộ, do chiến sĩ viết về chiến sĩ trong đơn vị, lại nhớ về cái thời làm “phóng viên sư đoàn” phụ trách tờ tin… Thấy anh em đang hào hứng chuẩn bị chương trình văn nghệ đón Xuân Đinh Dậu 2017, lại nhớ bài thơ “Quà Xuân sư bộ” tôi viết và đọc trong đêm Giao thừa đón Xuân Nhâm Tuất 1982:

Thủ trưởng sư đoàn mái tóc hoa râm

Xuân mang đến tặng thêm vài sợi bạc

Sư phó hậu cần ba mươi năm đánh giặc

Bài thơ tình vẫn chan chứa lời yêu

Chủ nhiệm Chính trị tuổi năm mươi

Mùa xuân nay có chàng rể mới

Phó chủ nhiệm con đầu chín tuổi

Đón Xuân về sắp sửa có thằng cu

Chú Trữ, anh Phồn, cậu Phước, chàng Huân

Nhà văn hóa Xuân về thêm rối rít…

“Mái tóc hoa râm” là Chính ủy Phan Nguyên Chất, chứ Sư đoàn trưởng Trương Đình Thanh hồi ấy là một trong những sư trưởng trẻ nhất toàn quân, mái tóc còn xanh mượt. Bác Chất quê Nghệ An, có cuốn sổ ghi chép cá nhân đôi khi viết bằng tiếng Pháp, hoặc tiếng Nga, không biết nay con cháu còn lưu giữ được không. Chính bác là người ủng hộ việc “thừa biên chế” là tôi ở Phòng Chính trị, vì liên lạc thì đã có cậu Khâm, còn Nhà văn hóa thì đã có “Chú Trữ, anh Phồn, cậu Phước, chàng Huân” người nào việc nấy. Đầu năm 1983, tôi được chuyển ra Hà Nội, hôm chia tay, Đại úy Trần Tiến Son, quyền Trưởng ban Tổ chức, chúc mừng tôi và bảo học xong nhớ ghi nguyện vọng về lại sư đoàn nhé! Bác Son quê ở Thanh Hóa, hình như huyện Triệu Sơn thì phải. Công việc của Ban Tổ chức chẳng liên quan gì đến một Hạ sĩ nhân viên tuyên huấn như tôi, vậy mà không ngờ bác vẫn để ý đến tôi. “Chủ nhiệm Chính trị tuổi năm mươi” là bác Hoàng San, Tết năm ấy chuẩn bị cưới chồng cho cô con gái cả. Bác San người cao gầy, tóc bạc trắng như để đối lập với nước da mai mái thâm niên, dấu ấn những năm sốt rét Trường Sơn…

Ngôi nhà cấp 4 của thủ trưởng Sư đoàn 342 năm xưa, nay vẫn được bảo quản, tôn tạo làm nhà tiếp khách của Trung đoàn 19-trung đoàn điển hình về xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nhiều năm liên tục là “lá cờ đầu” trong khối các trung đoàn chủ lực đủ quân của Bộ tư lệnh Quân khu 4. Hơn ba chục năm qua, từ ngôi nhà này đã có đến 9 cán bộ được phong quân hàm cấp tướng. Được chìm đắm trong bâng khuâng thổn thức khi trở về với mảnh đất gắn bó những ngày đầu quân ngũ, đã là niềm hạnh phúc tuyệt vời đối với tôi. Vậy mà còn hơn cả tuyệt vời là về đây tôi được “gặp lại” các thủ trưởng năm xưa, những người trong thâm tâm tôi luôn hàm ơn và thấy mình thật may mắn trong những năm tháng đầu đời quân ngũ. ấy là Đại tá Hà Thọ Bình, khi nghe tôi tự giới thiệu, đã gần như reo lên quên cả sự “giữ ý” của một Sư đoàn trưởng: “ồ, bác Son mấy lần nhắc tôi tìm kiếm anh. Bác bảo nhất định học xong anh sẽ về lại Cam Lộ”… Thì ra Đại úy Trần Tiến Son là anh trai của mẹ anh Bình. Còn Đại tá Hoàng Văn Vinh, Phó chính ủy Sư đoàn, vừa nhận ra tôi là rút điện thoại gọi cho bác Hoàng San đang nghỉ hưu ở Nghệ An: “Cha ơi, con đang ngồi với anh Mai Nam Thắng vô thăm đơn vị đây này!”. Rồi anh chuyển máy cho tôi: “Cháu chào bác ạ!”. Đầu bên kia, giọng bác San vẫn nhẹ và sâu như ngày nào: “Nhớ quá cu Thắng ơi!”. Chỉ được thế rồi cả hai bác cháu đều nghẹn ngào không thốt nên lời…

Vậy là sau 35 năm, Xuân nay về lại Miền đất lửa, cảnh cũ người xưa với tôi vừa lạ lại vừa quen. Lạ vì doanh trại bây giờ đàng hoàng to đẹp; cái nắng, cái nóng của Miền đất lửa đã bị màu xanh khuất phục. Quen vì nhiều cán bộ các cấp ở sư đoàn là con em các thủ trưởng trước đây của tôi, đang tiếp bước cha anh một cách đầy tin cậy. Cảnh đấy, người đây như quy luật tuần hoàn của tạo hóa. Tre già măng mọc là lẽ tự nhiên. Và mỗi độ Xuân về vẫn là Xuân đấy, nhưng chứa đựng biết bao tươi mới khôi nguyên…

Bút ký của MAI NAM THẮNG