Tôi vẫn nhớ, mỗi khi sàng sẩy gạo, mẹ thường lọc riêng ra những hạt gạo tròn mẩy, những hạt gạo tấm như hạt đầu mày nhỏ, gẫy vụn. Những hạt gạo tấm nhỏ tí ấy được mẹ cho vào tải cất đi, cả tấm nếp, tấm tẻ trộn lẫn nhau. Hạt tấm không tròn đẹp như hạt gạo, có khi lẫn cả hạt thóc, đầu vỏ trấu.
Mẹ tôi thường tích gạo tấm cả một vụ bởi loại gạo này có ít, nếu nấu thường xuyên có lẽ không bõ dính nồi. Vì thế, hiếm khi cả nhà được ăn cơm gạo tấm. Vào những ngày giáp hạt, đặc biệt là những năm mất mùa, cả làng tôi thiếu ăn, thiếu bữa, vì thế, nồi cơm hằng ngày trong mỗi gia đình chủ yếu vẫn là ngô, khoai, sắn. Những khi nhà hết gạo, mẹ lấy bọc gạo tấm cất kỹ trong bồ ra nấu.
Có bát cơm tấm ăn những ngày như thế là hạnh phúc lắm, có khi, gạo tấm còn nấu kèm với sắn, khoai để đủ no bụng. Khi ăn, hạt tấm nhỏ, lẫn cả đầu mày vỏ trấu nên cứ lật bật trong đầu lưỡi. Với tôi, cơm tấm từ ngày còn thơ bé là bữa cơm của sự lam lũ, đói nghèo nhưng vào những ngày đói, nó lại là bữa cơm may mắn của gia đình.
Mỗi khi ăn bát cơm tấm mẹ nấu, tôi cảm nhận được vị ngọt bùi của gạo quê, cảm nhận được những giọt mồ hôi thấm vai gầy của mẹ, thấm vào từng hạt gạo và thấy cả sự thảo thơm, đằm ngọt của người mẹ tảo tần lo cho đàn con từng bữa ăn trong những ngày gian khó. Ký ức ấy đã trở thành hành trang không thể thiếu, tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong chặng đường quân ngũ.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG