QĐND - Xa quê suốt hơn mười năm, nhưng mỗi khi mùa hè oi ả tới là tôi lại nhớ quê, nhớ những kỷ niệm khó mờ phai và những hình ảnh thân thuộc của miền dấu yêu đã sinh ra và nuôi tôi lớn khôn. Trong muôn vàn nỗi nhớ của một thời ký ức tuổi thơ, có lẽ bát canh cua đồng mẹ nấu luôn khiến tôi nao lòng…

Ngày ấy, nhà tôi cũng như bao gia đình ở cái miền quê ấy đều nghèo. Chính vì vậy mà tôi cũng như bọn trẻ trong xóm thường rủ nhau ra đồng sau mỗi giờ tan trường để mò cua, bắt cá cải thiện bữa cơm gia đình thêm giàu chất đạm. Vì là đất đồng chiêm trũng nên thứ cua đồng khá sẵn, chỉ một loáng ra đồng là tôi có thể bắt được cả giỏ cua đầy ắp mang về nhà.

Cua bắt về, bao giờ mẹ cũng lựa những con bấy (cua non mới lột xác) để chế biến thành món cua rang muối. Những con cua khỏe, già mẹ dành riêng để làm món canh. Canh cua có thể được nấu theo nhiều kiểu, có thể là nấu chua với chỉ vài quả cà chua, mấy miếng tai chua hoặc quả dọc, quả me… cộng thêm chút hành hoa. Cũng có thể nấu kèm với các loại rau xanh, hoa leo như: Thiên lý, mướp, mồng tơi, rau muống, rau rút, quả bầu, dọc mùng… Nhà tôi không có sẵn các loại rau, quả trên nên mẹ thường nấu cua với rau tập tàng-một loại rau thập cẩm với những: Sam, rền cơm, mảnh cộng, bìn bìn, vòi voi… được hái quanh ngõ hay vườn nhà. Nhiều lần, nhà tôi có khách, ngoài món khoai luộc vốn là “đặc sản” nhà quê, thì bao giờ mẹ cũng thết đãi bằng món canh cua nấu rau tập tàng.

Trải qua biết bao thăng trầm của một thời ấu thơ, cái đói, cái nghèo cùng món canh cua đồng nấu với rau tập tàng và cả tình thương yêu chan chứa của cha mẹ… đã nuôi tôi lớn khôn. Dù hôm nay, cuộc sống của tôi khá đủ đầy về vật chất, nhưng món canh cua tập tàng của mẹ vẫn là điều gì đó thật ý nghĩa, thật đặc biệt...                                      

NGUYỄN LONG