Lời tòa soạn:

Anh Huỳnh Tấn Năm sinh năm 1955 tại Duy Tân, Duy Xuyên, tham gia cách mạng năm 1969, được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30-10-1978.

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, anh đã trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu 82 trận, diệt 199 tên địch... Tiêu biểu là trận Gò Hiu năm 1973.

Sau ngày giải phóng anh đã trực tiếp chiến đấu trên mặt trận phá gỡ bom mìn và cũng chính trên mặt trận thầm lặng này anh đã bị thương mất cả hai mắt.

“Người gỡ mìn sau chiến tranh” là một truyện ký của nhà văn Hoàng Minh Nhân viết về anh, những ngày chiến đấu quyết liệt, dũng cảm và sáng tạo trên mặt trận này. Chúng tôi xin được trích một phần trong “Người gỡ mìn sau chiến tranh”, giới thiệu cùng bạn đọc gương mặt người anh hùng trong những năm hòa bình đầu tiên...

Sau bữa cơm, tôi và anh Năm ra sân uống nước, hóng mát.

Đêm trăng nông thôn dịu như tấm lòng người con gái nết na. Đã gần hai mươi năm tôi mới có dịp sống bên cạnh người du kích dưới ánh trăng. Mãi tôi vẫn chưa biết gợi chuyện gì cho hợp với khung cảnh êm đềm mà người thành phố dù có vàng cũng không đổi được.

- Trăng sáng lắm hả anh?

Năm hỏi đột ngột. Giọng cậu ấy rất nhỏ. Tôi nghe mà cứ tưởng như không phải tiếng của Năm. Năm sợ làm trăng nghe thấy mà bớt ánh sáng chăng? Tôi chưa kịp trả lời và đang bối rối, thì cậu ấy lại cất lời:

- Anh à, điều khổ nhất với em bây giờ không phải là em không thấy được ánh trăng. Hồi còn đánh nhau, em ước ngày độc lập, có phép chi thu ánh sáng thắp cho mỗi nhà. Cũng không phải tại em không còn thấy bên ngọn đèn khuya, dưới căn hầm muỗi như trấu, ngồi nhíp lại cái quần em bị dây thép xé toạc. Ánh trăng, mái tóc bạc của mẹ, căn hầm, gương mặt bạn bè, dù răng em cũng nhớ, cũng thuộc, chỉ nhắm mắt lại là em thấy ngay. Em chỉ tiếc không còn thấy đâu là trái mìn, đâu là ngọn sắn, vồng khoai, không còn thấy được những gương mặt những đứa em, những đứa cháu mới lớn, mới sinh. Em chắc gương mặt bọn hắn đẹp hơn, tươi hơn mặt bọn em bây chừ nhiều.

Năm ngừng nói. Tôi nhìn Năm hồi lâu, rồi nhìn lên mặt trăng sáng trên bầu trời cao rộng, im lặng.

Ngọn gió từ Hòn Đền thổi xuống lao xao qua cánh đồng mang theo hương lúa lẫn mùi nồng ngây của đất cháy nắng ban ngày.

- Anh ạ, mẹ em bả hay rầy em, nhưng không ai hiểu em, thương em bằng mẹ. Trong nhà em có bao nhiêu người hy sinh, mẹ em chết theo từng đó lần. Riêng với em, lần này nữa mẹ em chết theo sáu lần. Sáu lần em bị thương, lần nào người ta cũng đồn, cũng tưởng em chết anh à. Thấy bà già lo, em nói giỡn: “Con chỉ chết cơm thôi mẹ ơi!”.

Nhớ một lần, em với ba đồng chí nữa bị địch phục trên đường cái mới. Khi nghe mìn nổ, mẹ em biết chuyện không lành. Sau tiếng mìn, súng nhỏ nổ một hồi, rồi im. Mưa nặng hột thêm dần. Rồi một trận mưa lớn vuốt mặt không kịp kéo lê hơn nửa tiếng đồng hồ. Mẹ em nghe, đoán đúng con đường tụi em qua. Mẹ bò lên tìm tụi em. Bò gần đến nơi thì thấy một đám lính kéo về hướng đồn Bốn Lăm. Chờ cho bọn lính đi xa, mẹ em trườn lên mặt đường, thấy một đống thây người chất chồng lên nhau. Mẹ em nghi hắn đặt mìn dưới lưng anh em. Kéo ra không khéo, nổ chết. Mẹ em rờ khắp người các đồng chí hy sinh, vẫn chần chừ chưa dám kéo về. Mẹ em nghĩ: “Có nổ, mình chết cũng chẳng sao. Anh em chết rồi, tan xác lần nữa thì thật là tội. Nhưng không kéo anh em về, bọn hắn ra băm xác anh em tội lắm?”. Mẹ tôi kéo người thứ nhất, không thấy nổ, mừng quá. Mẹ chuyền xuống cái xác thứ nhất một đoạn, rồi quay lên kéo người thứ hai. Bình an. Mẹ kéo tiếp người thứ ba. Về tới thôn, trời đã quá nửa đêm. Khi đưa các anh về, bả đã ngờ ngợ không có em rồi. Nhưng khi soi đèn không thấy em, bả hoảng sợ, chạy đi tìm. Đến chỗ xáp trận hồi hôm, mẹ tìm hoài không thấy em đâu. Mẹ ngồi xuống, chờ sáng. “Sáng địch đến, bắn chết cũng được. Con chết rồi mẹ sống làm chi”. Mẹ em nghĩ rứa, nhưng rồi nhớ ba anh em ở nhà nằm trên cỏ, trên đất ướt, chưa ai biết. Không cất giấu hoặc chôn ngay trong đêm, ngày mai địch đến thì sao? Mẹ em liền quay về. Không ngờ trên đường về lại gặp em đang nằm cách chỗ địch phục non nửa cây số. Đến bây giờ mẹ em và ngay em cũng không biết tại làm sao mà em còn sống được trong đêm mưa ấy. Và cũng chẳng hiểu sức đâu ở một bà mẹ ốm nhom yếu đuối... cõng đứa con bị thương về được.

Làn gió đêm tỏa hương thơm thấm vào màu trăng. Màu trăng đến về âu yếm con người. Hình ảnh bà mẹ của Năm bỗng làm sống lại trong lòng tôi hình ảnh bao bà mẹ tôi đã gặp trong kháng chiến. Tôi sung sướng gặp lại chính mình trong những năm gian khổ trước đây.

- Năm kể chuyện về mẹ nữa đi.

Như không nghe lời giục của tôi, Năm nói nhỏ nhẹ:

- Nhà em nghèo lắm. Em phải đi ở từ nhỏ. Cha em lên núi đốt than. Có khi cả tháng mới về nhà một lần. Mẹ em lên gánh về bán, góp tiền chạy gạo thêm cho bọn em. Em nhớ có một lần cha em về, mặt mày đen nhẻm. Cha bồng em. Em sợ, khóc um lên, không cho cha bồng. Tới năm bảy, tám tuổi, em mới hiểu ra. Lúc đó thì em đã lớn. Cha không bồng em nữa...

Những con ếch, con nhái khát nước, khô da, kêu rinh khắp đồng.

Tôi xòe diêm hút thuốc, ngọn lửa trên tay run run. Tôi vứt que diêm đang đỏ xuống đất. Hai dòng nước mắt đang chảy dài trên đôi gò má gầy của Năm. Năm quay sang trái, lấy mu bàn tay phải vừa dịu mắt vừa nói lắp:

- Mắt em còn xốn xốn.

Năm quay lại quờ tay sang tôi:

- Cho em xin một điếu.

Tôi đốt thuốc cho Năm. Sau mấy cái bặp thuốc thờ ơ, Năm nói giọng vui hẳn:

- Sau ngày toàn thắng, em có thằng bạn ngoài Bắc. Nó mang vô một đống sách. Em hỏi: “Sách chi hung rứa mi?”. Bạn em trả lời: “Sách học văn hóa và tiểu thuyết”. Em chẳng biết tiểu thuyết là chi. Em lục xem. Quyển to có, quyển nhỏ có. Có quyển dày một lóng tay. Có một quyển mỏng dính, to bằng hai bàn tay. Em hỏi hắn: “Sách chi ri mi?”. Hắn nói: “Di chúc Bác Hồ”. Em thích quá. Em xin bạn em quyển đó. Lúc nào rảnh là em biểu hắn đọc. Em nhẩm theo. Một tuần sau, em thuộc hết trơn, không sót một chữ. Nhưng khi nhìn vô sách thì chẳng khác con gà nhìn vô vở học trò. Em buồn quá chừng. Về nhà em nói mẹ mua cho em một cây bút chì và một quyển vở một trăm trang. Bất kể trưa tối, lúc nào rảnh là em bắt bạn bày em đánh vần và viết chữ trong Di chúc ra giấy. Em viết hết hai quyển học trò. Lúc đầu em dùng bút chì. Sau em viết bút mực đè lên. Làm rứa, coi như được hai lần, đỡ tốn giấy”.

Có một hôm em chiêm bao lạ quá chừng. Em thấy chữ trong Di chúc chạy ùa ra sân biến thành một đám thiếu niên. Em nào cũng cổ quàng khăn đỏ, đầu đội mũ. Trên bãi cỏ mướt mượt, chúng nó tung hoa nhảy múa hát cười. Em nghe tiếng cười giòn quá, thức giấc, chỉ thấy trên ngực mình quyển sách Di chúc Bác Hồ và quyển vở học trò của em. Em về kể cho mẹ nghe. Mẹ em nói: “Trời ơi, con chiêm bao răng mà hay rứa”. Mẹ đang cười, bỗng ngồi sững sở một hồi, rồi nước mắt mẹ chảy dài.

Đêm đã khuya, ngày mai còn đi lên công trường gỡ mìn, tôi giục Năm đi ngủ.

- Khoan đã anh. Hay là ta làm trước anh hỉ?

- Làm cái gì?

- Mẹ em nấu cháo ốc ăn khuya. Ba tháng em nằm viện là ba tháng mẹ em bắt ốc bán lấy tiền nuôi em. Nhà quê mình kiếm tiền chảy máu con mắt...

Cứ ba giờ sáng mẹ dậy. Mẹ ăn đôi ba miếng ấm bụng rồi mang giỏ vô đập Vĩnh Trinh, dầm nước suốt ngày để bắt ốc. Bữa trưa mẹ ăn qua quýt nắm cơm vắt mang theo. Ăn xong lại bắt tiếp cho tới tối mới về. Bắt cả ngày như rứa được hai bao lác Đại Hàn, bán cũng được bốn đồng. Biết mẹ khổ rứa, nên ba tháng ở bệnh viện em nhín từng đồng. Tiền để dành cũng kha khá, em về nhà đưa cho mẹ dặm lại cái nhà. Mùa mưa sắp tới rồi.

Năm vừa kể vừa kéo tôi vào nhà:

- Cháo ốc ăn nóng mới ngon. Mẹ em còn vần trong bếp. Để em bưng lên cho. Anh sắp chén giùm.

- Anh nhớ hồi ở Vinh Cường, cũng thường ăn cháo ốc, cá trê trong các hố han từng rổ, từng rổ...

Tôi nói với Năm thế, rồi theo Năm xuống bếp.

Sáng hôm sau tôi thức dậy thấy nhà vắng hoe. Kim đồng hồ chỉ năm giờ đúng, hai đĩa xôi đầy và một chén muối đậu phụng để sẵn trên bàn. Chúng tôi ăn vội rồi đi ra công trường.

Chúng tôi ra Vinh Cương, lên Gò Hiu, vào đồi Rang, rồi vào Hố Cua, nơi du kích Duy Tân, Duy Hòa đang gỡ mìn.

Bên trái chỗ tôi đứng treo lơ lửng dưới cành cây một vỏ bom năm trăm cân dùng làm kẻng. Quanh gốc cây một đống lổn nhổn bom, mìn, các loại lựu đạn đã tháo kíp.

Tôi đứng ngắm An Hòa, ngắm những mảng núi vừa quét sách mìn và ngắm thế núi uy nghi hùng vĩ phía sau, mà lòng rộn lên bao ý nghĩ về sức mạnh của dân tộc mình.

Tôi quay sang nhìn Năm, người du kích thương binh hiền khô, lễ phép này, càng thấy mến phục và tự thấy mình chưa hiểu hết người thanh niên ấy… Tôi hỏi Năm:

- Năm nghĩ gì trong công việc gỡ mìn?

- Em coi công việc gỡ mìn như ngày trước đánh giặc vậy. Gỡ mìn là tiếp tục truy quét tàn binh của đế quốc Mỹ để lại.

Dừng một lát, Năm nói tiếp:

- Không coi rứa, không động viên anh em làm thật tốt được anh à.

Tôi đồng tình với Năm:

- Đúng, không nghĩ như thế, khi cái khó đến, mình không đủ ý chí, không đủ sáng suốt để làm. Đánh giặc là việc của toàn dân mà chủ yếu là tuổi trẻ đi đầu, mà bây chừ gỡ mìn cũng vậy.

- Dạ đúng rứa đó anh-Năm tiếp lời tôi.

- Bọn em gỡ mìn đúng vào lúc cả xã đang đói. Anh em đăng ký đi gỡ mìn, nhưng không có cái ăn mang theo. Du kích toàn là dân nghèo cả. Những người khá khá chút, mới về sau giải phóng, chưa vô du kích nhiều. Nghĩ hoài chẳng biết cách nào gỡ cho ra. Em bàn với các đồng chí xã đội lên danh sách những đồng chí nào gia đình còn tạm tạm cái ăn, thì đi trước. Số lượng trên quy định năm chục. Rà đi soát lại chỉ không đầy mười lăm người đủ tiêu chuẩn. Sáng mai đã phải giao quân. Nghe em kêu khó, chưa mở được gút, mẹ em dừng tay lặt khoai: “Mỹ mới cút có hai năm mà tụi bây quên hết trơn rồi. Răng không nói mẹ chị các thôn giúp đỡ? Cả xã Duy Tân mười ngàn dân ni, mỗi người một củ khoai, tụi bây ăn miết không hết nữa là”.

Nghe mẹ nói, như người qua sông không đò, bỗng có một chiếc cầu hiện ra vững chắc.

Rứa là cái khó nhất được giải quyết.

Lên công trường em nói với anh em: “Trước ta ăn sắn thắng Mỹ. Nay ta ăn một củ sắn thắng năm trái mìn”. Anh em nghe nói rứa, họ cười. Nhưng mà thiệt rứa. Một hột cơm cõng năm bảy lát sắn to tướng. Nuốt sắn nghẹn cổ vậy mà anh em vui lắm. Tối về anh em làm văn nghệ, cười bể bụng. Những buổi tối văn nghệ vui suốt cho đến chín mười giờ đêm. Anh em ít chữ nhưng cũng tự đặt bài chòi, thơ, rồi tự diễn với nhau. Không biết có phải thơ hay không, em đọc cho anh nghe vài khúc hỉ? Đây là bốn câu trong bài Cây thuốn1 của tôi của cậu Thanh:

Gió nam thổi kiệt lòng khe

Nắng như đổ lửa ngày hè cháy cây

Ta thương cây thuốn nhọn này

Ngày lên năm tấc nay cùn còn ba…

Những đêm lửa trại vui như rứa khó mà chấm dứt. Tuy vậy trong số thanh niên cũng có một số ủ rũ, sợ chết, mà sợ chết cũng là chuyện đương nhiên phải không anh. Muốn sống phải giỏi kỹ thuật, làm thật cẩn thận đúng từng bước đã hướng dẫn. Mìn sợ người chớ người đâu có sợ mìn.

Một hôm, em gặp một trái ca nông 105mm, bọn chúng lót dưới trái ca nông một thanh sắt dài hơn một mét. Chúng gài lựu đạn trước miệng trái ca nông, cột cổ lựu đạn vào thanh sắt. Xung quanh chúng gài mười hai trái lựu đạn. Có năm trái chúng rút khoen, cột dây kéo ra xa trái ca nông năm sáu thước. Gỡ xong mỗi tuyến một vài cụm như thế, em lại gánh về gặp lại y như thực bày lại cho anh em.

Sau khi hướng dẫn thực tập, em đưa anh em lên các bãi mìn và hướng dẫn lại một lần nữa, rồi gỡ mẫu cho anh em xem, xong em để cho anh em tự mở lấy. “Mình có làm trước mặt họ, họ thấy rõ rồi, họ mới yên tâm làm theo, bình tĩnh hơn…”.

Năm vừa kể vừa làm điệu bộ theo thói quen, rất sinh động. Đơn vị có nhiều nữ không? Họ có làm được như em không?

- Đơn vị em hai phần ba là nữ. Các đồng chí đó gỡ chậm hơn nam. Và thường cẩn thận hơn. Chị em chỉ thấy sợ khi chưa biết kỹ thuật, chưa biết mánh lới của kẻ thù thôi. Nó gài được, thì nhất định mình gỡ được. Không bao giờ chịu thua.

Gỡ mìn cũng như làm một việc nào đó thôi. Ai cũng muốn có kết quả. Nhất là anh em trẻ. Đi gỡ mìn mà không gỡ được mìn mới buồn. Cầm cây thuốn nhẹ tênh mà cứ rã rời. Chỉ mong gặp mìn để gỡ. Ngày nào không gỡ được mìn thấy mệt dễ sợ. Ngày nào gỡ được thấy khỏe, thoải mái, nhìn bạn bè thấy ai cũng đáng yêu, ai cũng tốt với mình…

Trời đã chiều.

Gió mạnh.

“Năm có biết trời sắp mưa không?”. Tôi nhìn trời rồi nhìn Năm. Năm vẫn đi tự nhiên, vừa đi vừa nói giọng trầm hơn:

- Cả tuần ròng, nắng, nóng, đất nồng, khát… Cả đơn vị chẳng gỡ được trái mìn nào. Lúc này, mọi cái xấu giấu trong bụng xưa nay lòi ra hết, có khi kín đáo, có khi bộc toạc, có khi bí mật, có khi bướng bỉnh. Đó là tính chủ quan, tính không trung thực, tính làm dối làm ẩu không tuân thủ kỹ thuật. Ở đây đã xảy ra hai trường hợp. Thứ nhất là bỏ sót. Thứ hai là chết hoặc bị thương.

Nghe Năm nói tới đó, tôi bỗng nghĩ: “Chết hoặc bị thương đã là một sai lầm. Nhưng để sót là một tội lỗi… Bởi vì cái chết đến với người sản xuất sau này thật là đau xót. Họ đã hoàn toàn tin vào những người đi phá gỡ bom mìn. Họ làm việc không hề gợn một suy nghĩ nào về kẻ thù đang im lặng dưới đất. Họ mãi nghĩ về một hạnh phúc, một ước mơ nào đó, thì bỗng một tiếng nổ…”.

Tôi nghĩ miên man như thế, rồi bước gấp theo Năm.

Qua một ngày sống với Năm, tôi nghe thấy được nhiều điều sâu kín trong lòng mình. Về chuyến đi này, tôi thành thật cảm ơn Năm, người thương binh mới hai mốt tuổi đời ấy.

HOÀNG MINH NHÂN