QĐND - Thời đại internet toàn cầu, việc viết thư, viết nhật ký không còn thông dụng với nhiều người, song ở Trung đoàn 143, Sư đoàn 315 (Quân khu 5), bộ đội vẫn giữ được thói quen này.
Ngày chủ nhật, có thời gian rảnh rỗi, Binh nhì Nguyễn Hải Đăng lại ngồi viết thư cho người thân. Nắn nót qua từng hàng chữ, hình dung tâm trạng người đọc, gương mặt người chiến sĩ trẻ lộ rõ niềm vui. Anh chia sẻ: “Nhà tôi ở Đông Hòa, Phú Yên, cách khá xa nơi đơn vị đóng quân. Cha mẹ tôi có 3 người con, trong đó chỉ có tôi là trai, lại là út nên từ nhỏ tôi ít phải làm việc nhà và quan tâm đến mọi người. Giờ đi xa mới thấy thương cha mẹ, các chị nhiều hơn”. Nhận giấy gọi nhập ngũ cùng lúc với giấy báo trúng tuyển ngành thiết kế đồ họa Trường Cao đẳng Công nghiệp TP Tuy Hòa (Phú Yên), Nguyễn Hải Đăng được bảo lưu kết quả và lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Đăng sẽ tiếp tục con đường học vấn để thêm vững vàng lập thân lập nghiệp để cha mẹ yên lòng, như những dòng tâm tình trong thư.
 |
Binh nhất Phạm Văn Lợi viết thư cho người thân. |
Với Binh nhất Nguyễn Thành Bảo, cảm giác khi gửi thư đi và chờ hồi âm vẫn rất hồi hộp. Anh tiết lộ: “Có những điều khi ở nhà, mình ấp ủ trong lòng mà chưa dám nói ra. Vào bộ đội, mình mượn trang thư để bắc nhịp cầu thương nhớ với bạn gái. Thư gửi đi, ngày nào cũng phấp phỏng đợi chờ, với nhiều câu hỏi. Và rồi, khi nhận được thư, kết quả còn hơn cả mong đợi”. Nét mặt rạng rỡ, chiến sĩ Bảo mang ra khoe lá thư dài 10 trang, nét chữ con gái mềm mại viết trên giấy màu hồng. Niềm hạnh phúc mà lá thư mang lại dường như vẫn lan tỏa đến tận bây giờ. Đồng đội cùng phòng kể rằng, chàng binh nhất này luôn cất giữ lá thư bên mình, nâng niu gìn giữ và đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.
Binh nhất Phạm Văn Lợi gửi bức thư đầu tiên cho chị gái. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh vào TP Hồ Chí Minh học trung cấp, chuyên ngành sửa chữa ô tô, ở cùng khu nhà trọ với chị gái và một số bạn bè cùng quê. Suốt hai năm đó, hai chị em luôn chia sẻ cùng nhau mọi buồn vui và cả nỗi lo cơm áo. Khi lên đường nhập ngũ, biết chị chưa yên tâm về mình, anh đã viết liền hai lá thư kể chuyện cuộc sống mới trong quân ngũ. Anh tâm sự: “Viết thư là khoảnh khắc sống thật với những tâm tư, trăn trở của mình. So với thư điện tử, thư viết tay chuyển tải được nhiều hơn điều mình suy nghĩ, lưu giữ được lâu bền những kỷ niệm thiêng liêng”.
Thượng úy Nguyễn Tiến Thành, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 143 cho biết: “Trước khi đi bộ đội, các em được đoàn thể địa phương tặng nhiều phong bì đã dán sẵn tem để tiện viết thư. Đơn vị cũng khuyến khích các em dành thời gian viết thư để chia sẻ buồn vui với gia đình, người thân, bạn bè. Những chiến sĩ đã có vợ hoặc người yêu, cánh thư là sợi dây níu hai đầu nỗi nhớ, là biểu tượng của sự thủy chung, động lực để các em vượt lên khó khăn, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Năm tháng sẽ qua đi, những lá thư có thể phai màu, nhưng những tâm tư, nỗi niềm ẩn chứa trong đó luôn nguyên vẹn. Đó cũng là lý do những bức thư viết tay luôn là người bạn đồng hành thân thiết, tin cậy của người chiến sĩ.
Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP