QĐND - Đến làng quân nhân Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật), chúng tôi cảm nhận không khí sản xuất, đón Xuân rộn ràng nơi đây. Tiếng máy vang rền, xe nhập nguyên liệu và xuất hàng vào ra tấp nập, khiến làng quân nhân thêm bừng lên sức sống...
Phát huy thế mạnh tại chỗ
Ngôi nhà 3 tầng khá bề thế trong làng quân nhân Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí mới hoàn thành vào năm 2014 là thành quả của những tháng ngày lao động cần mẫn của vợ chồng Trung tá QNCN Phạm Thị Nguyệt, thủ kho vũ khí Phòng Kỹ thuật-vật tư. Giọng hồ hởi, chị Nguyệt chia sẻ: Tất cả là nhờ vào sản phẩm tinh bột nghệ, không chỉ giúp con trai tôi điều trị khỏi bệnh loét trợt hang vị dạ dày, mà còn giúp kinh tế gia đình ngày thêm khá giả.
Nhớ lại 10 năm trước, cậu con trai của anh chị mới học lớp 3 đã bị chứng bệnh loét trợt dạ dày hành hạ, người gầy yếu xanh xao. Các bác sĩ khuyên anh chị nên kiên trì điều trị cho bé theo phương pháp y học cổ truyền để tránh tác hại cho bé sau này bằng cách cho uống tinh bột nghệ kết hợp với mật ong. Lo cho bệnh tình của con, lại sợ mua phải tinh bột nghệ không bảo đảm, chị bàn với chồng cùng nhau sản xuất tinh bột nghệ. Thời gian đầu, toàn bộ các khâu sản xuất đều bằng thủ công, vất vả cực nhọc, lại thêm hai người bất đồng quan điểm trong quá trình sản xuất, nhiều lúc giận nhau hàng tuần. Bù lại, căn bệnh về dạ dày của con trai được khống chế, sức khỏe hồi phục nhanh chóng, da dẻ hồng hào... Mới đầu, gia đình chị sản xuất vài tạ nguyên liệu, sau cứ tăng dần lên, thị trường tiêu thụ tốt, cho thu nhập có vụ lên tới 500-600 triệu đồng.
 |
Gia đình chị Phạm Thị Nguyệt đóng gói thành phẩm tinh bột nghệ.
|
Thấy được công dụng và hiệu quả cũng như tiềm năng tiêu thụ của sản phẩm tinh bột nghệ, trong khi vốn đầu tư ít, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, đến nay, hầu hết chị em của nhà trường động viên nhau cùng sản xuất tinh bột nghệ và hỗ trợ nhau trong khâu tiêu thụ. Nhiều gia đình hội viên khá nổi tiếng trong làng về sản lượng tinh bột nghệ, như gia đình hội viên Nguyễn Thị Nhung, Hoàng Thị Thanh…; mỗi vụ tiêu thụ hàng chục tấn nghệ tươi.
“Làng nghề” của Hội Phụ nữ nhà trường còn có sức ảnh hưởng tới các vùng lân cận như: Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn và những nơi này đã trở thành vùng vệ tinh trồng nguyên liệu nghệ tươi cung cấp cho nhu cầu sản xuất tinh bột nghệ của các chị. Nhiều chị khi nghỉ hưu về quê sống, nhưng vẫn mua đất làm nhà tại làng quân nhân để đến mùa lại trở lại làng sản xuất tinh bột nghệ.
Chia sẻ với chúng tôi, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Nhài, Chủ tịch Hội Phụ nữ nhà trường, cho biết: Đến nay, sản phẩm tinh bột nghệ của các gia đình hội viên phụ nữ nhà trường bắt đầu được thị trường biết đến và đón nhận, sức tiêu thụ cũng theo đó ngày một tăng. Nhà ít mỗi vụ sản xuất cũng có vài tạ, nhà nhiều lên tới hàng tấn sản phẩm tinh bột nghệ, thu nhập theo đó cũng tăng lên đáng kể. Bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó, nhiều hộ gia đình trong làng đã thực sự giàu lên từ sản phẩm tinh bột nghệ.
Và những cái được…
Nói về mô hình sản xuất tinh bột nghệ của các hội viên phụ nữ nhà trường, Đại tá Nguyễn Công Nghiệp, Phó chính ủy Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí rất tâm đắc, chia sẻ: Khi các hội viên phụ nữ nhà trường áp dụng mô hình sản xuất tinh bột nghệ trong phát triển kinh tế hộ gia đình, có ba cái được: Tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, tận dụng nguồn nhân lực nhàn rỗi và kinh tế gia đình thêm ổn định.
Hết giờ làm việc, Thượng tá Lê Xuân Lân, Chủ nhiệm Khoa Vũ khí lại bận rộn cùng vợ là Trung tá QNCN Phạm Thị Nguyệt bắt đầu cho mẻ tinh bột nghệ mới. Trò chuyện với chúng tôi, anh cho biết: Sản xuất tinh bột nghệ thường bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch. Vào mùa sản xuất, các gia đình của “làng nghệ” rất bận rộn. Còn chuyện vợ chuẩn bị khăn áo, giúp chồng buộc hàng cẩn thận, dặn dò khi giao hàng đã trở thành hình ảnh khá quen thuộc ở các gia đình quân nhân nơi đây. Có chứng kiến, trò chuyện với các gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ trong làng, mới thấy tình cảm, hạnh phúc cuộc đời được "nở hoa kết trái", họ đã phải trải qua không ít vất vả, nhọc nhằn.
Rời làng quân nhân của nhà trường, chia tay các gia đình quân nhân, chúng tôi thêm tâm đắc về những lời tâm sự của Thiếu tá Trương Thị Thanh Liên, Trưởng ban Phụ nữ Tổng cục Kỹ thuật: Chị em phụ nữ Tổng cục Kỹ thuật nói chung, Trường Trung cấp Kỹ thuật Quân khí nói riêng luôn xác định rõ trách nhiệm chính trị của mình, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trên từng cương vị công tác. Bên cạnh đó, chị em cũng rất mạnh dạn, tự tin, sáng tạo, năng động tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình bền vững.
Bài và ảnh: VÂN ANH