 |
Ông Nguyễn Văn Cầu |
Những ngày này, trên những góc phố Khâm Thiên, nơi cách đây đúng 35 năm đã phải chịu hậu quả nặng nề nhất của trận B52 Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, cuộc sống đã hồi sinh tự bao giờ. Dấu tích chiến tranh không còn nữa. Vậy nhưng, những hình ảnh, ký ức về trận chiến B52 vẫn còn trong lòng người dân, nó vẫn sống như ngày nào, vẫn khiến người ta phải trăn trở, thổn thức mỗi khi nhớ đến.
Đây là câu chuyện của 3 con người đã có những ký ức không quên về trận chiến đấu lịch sử ấy – những nhân chứng sống, những người còn ở lại…
“Chiến đấu vì những người thân yêu”
Ông Nguyễn Văn Cầu (71 tuổi) – một cựu chiến binh ở ngõ Sân Quần, người tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm năm ấy, tâm sự: “Ngày đó, tôi công tác tại Xí nghiệp in báo Hà Nội Mới. Ngày 18, địch đánh ga Yên Viên, 22 đánh ga Hàng Cỏ, nên ngày 23, tôi đưa cả nhà đi sơ tán ở Bát Tràng. Ngày 25, tôi đón vợ con về Hà Nội vì nghĩ đêm Nô-en địch không đánh. Tối hôm đó, ở đơn vị tự vệ, đồng chí Đại đội trưởng báo: “Có khả năng Mỹ đánh vào 4 cửa ô”. Đêm hôm ấy tôi về nhà, báo mọi người rằng có khả năng Mỹ sẽ xuất kích từ sân bay ở Thái Lan. Tôi bố trí cho vợ con xuống hầm rồi lại ra đơn vị ở Hàng Bồ sẵn sàng chiến đấu. 23 giờ kém 15 phút ngày 26-12, chỉ huy báo động tất cả các chiến sĩ chuẩn bị trực chiến. Khoảng 0 giờ kém 15 phút, máy bay địch gầm rú trên đầu, xung quanh tên lửa, pháo cao xạ bắn lên, về sau tôi mới biết giặc ném bom. Rồi nghe loa phóng thanh báo ta đã bắn hạ được B52. Có lệnh báo yên, tôi xin phép về thăm nhà. Ở ngã tư Khâm Thiên, thấy dây điện, gạch, ngói ngổn ngang cả, tôi về tới nhà thấy nhà cửa tan hoang, chẳng còn gì. Cả khu nhà có 5 gian cấp 4… tan hết. Mọi thứ điêu tàn, cả gia đình tôi mất 5 người. Cảm giác căm tức giặc tột độ dâng lên.
Lần đó, tôi mất vợ, một đứa con trai, 2 đứa cháu con chị gái, và một người em trai-cậu ấy tránh bom ở hố cá nhân, bom tấn, bom 50kg bỏ sát đó, xác bắn ra 4 mét, người vẫn còn nguyên nhưng mấy ngày sau mới bới lên được. Cả Khâm Thiên ngập trong mùi xác người, mùi đổ vỡ. Có nhà chết không còn một ai, có căn hầm hơn 40 người bị bom rơi trúng… Khâm Thiên, trước đó không lâu, hàng phố tấp nập nay chẳng còn gì cả.
Từ ngày 26-12, tôi vẫn kiên trì trực chiến tại trận địa nên ai cũng nghĩ chắc tôi đã chết rồi nên không thấy về. Đến ngày 30, các đồng chí lãnh đạo khuyên tôi về nghỉ lấy lại tinh thần. Đến lúc ấy về quê mọi người mới biết tôi còn sống. Trận đánh ác liệt ấy đã làm cho người thân không thể gặp nhau, cha mất con, vợ mất chồng, anh mất em… những đau thương chất chồng đến nỗi người ta không còn dám hy vọng vào điều gì nữa. Khi ta ký kết Hiệp định Pa-ri, tôi mới biết là mình còn sống để nuôi dạy các con. Tết năm ấy, Khâm Thiên là một đống đất vụn. Kí ức ấy sẽ chẳng bao giờ tôi quên được và cả đời, con cháu tôi cũng phải ghi nhớ.
Đến giờ đã về hưu được một thời gian dài, tôi vẫn tham gia công tác cựu chiến binh, mong đóng góp sức mình vào xây dựng đất nước, vẫn phải tiếp tục phát huy tinh thần tự vệ thủ đô, bộ đội cụ Hồ, vì những người thân yêu”.
 |
Chị Nguyễn Thị Bích Hường |
Mất cha – trưởng thành trong gian khó
Tôi tìm đến ngôi nhà khang trang trong ngõ chợ Khâm Thiên gặp chị Nguyễn Thị Bích Hường – con gái một liệt sĩ đã hy sinh trong những tháng ngày chiến đấu với B52. Nhắc lại câu chuyện của 35 năm về trước, khi chị còn là một cô bé 8 tuổi, chị vẫn không khỏi xúc động: “Ngày ấy, bố tôi là tổ trưởng dân phố. Trước khi giặc ném bom, bố và mẹ đưa cả nhà về Ninh Bình sơ tán rồi hai người quay lại Hà Nội trực chiến, phát tem phiếu cho nhân dân và làm nhiệm vụ đôn đốc bà con vào hầm trú ẩn. Ở quê, nhìn lên trời phía xa, ánh sáng chói lòa cả một vùng. Tôi cứ ngồi hỏi bà:
- Bà ơi, sao bố cháu không về hả bà? Nhỡ bố cháu bị làm sao thì cháu ở với ai?
Bà tôi lặng yên, không nói.
Rồi một ngày, mẹ tôi từ Hà Nội về. Tôi thấy mẹ thất thần. Mọi người bảo bố tôi mất ở ngay đình làng trong ngõ đối diện lối vào nhà tôi. Bố và một người bạn tránh bom trong hầm cá nhân – một chú mới đi du học về, bom rơi trúng đó. Kỉ vật của bố chỉ có một mảnh áo bông, mẹ nhận ra vì khi chia tay bố mặc chiếc áo này. Chẳng tìm được xác bố. Giờ tất cả những gì còn lại của bố tôi chính là mảnh áo bông vẫn được gia đình tôi để lên ban thờ. Ngôi nhà tôi khi ấy tan hoang, hai mẹ con sống trong gian nhà nhỏ còn sót lại. Vài năm sau mẹ tôi cũng đau yếu luôn. Mẹ không đi làm công nhân may nữa mà ở nhà bán hàng khô. Quá nhớ thương bố, mẹ bị tai biến mạch máu não. Tôi thay mẹ bán hàng, lo thuốc thang chạy chữa. Cũng may còn bà ngoại ở quê lên, cả nhà chỉ còn 3 người phụ nữ. Rồi mẹ tôi mất sau 9 năm suy sụp. Gian khổ dạy con người ta phải tự biết đứng lên, biết tự đi bằng đôi chân của mình. Tôi trưởng thành nhờ những lo toan từ khi còn là một cô bé, từ khi thiếu chỗ dựa vững chắc là cha. Đến nay, chúng tôi vẫn sống trên nền ngôi nhà ngày ấy. Mọi thứ đã thay đổi, gia đình tôi khang trang hơn, cuộc sống của tôi đỡ vất vả hơn. Những gì tôi có được ngày hôm nay có lẽ một phần không nhỏ là do tôi luôn tâm niệm phải sống thật tốt cho xứng đáng với công người cha của mình đã hy sinh. Cha tôi chiến đấu để tôi và bao người được sống”.
 |
Bà Nguyễn Thị Hoàn |
Vượt qua ranh giới sống – chết
Bà Nguyễn Thị Hoàn (ngõ chợ Khâm Thiên) là một trong những nhân chứng sống trong trận B52 đó với cương vị là một y sĩ, cứu chữa người bệnh. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng những kí ức về lần Mỹ giội bom ấy vẫn mới như ngày hôm qua: “Đêm 26, bom Mỹ đến lừ lừ trên đầu, ngay cả khi nó rơi cũng chẳng nghe thấy tiếng kêu. Nó lao từ trên xuống như một cái bồ to. Chỉ nghe một tiếng “uỵch”, thế là tôi thấy có nhà đổ, mọi thứ tan hoang.
Trước tôi làm y sĩ ở trạm Y tế số 3 Kim Liên. Hôm giặc giội bom, trạm y tế phường giao cho tôi phụ trách khu vực này cùng một cô bác sĩ tên Hương. Một quả bom - một vệt sáng trên trời vút nhanh, rồi nó rơi giữa chợ. Ngôi nhà bị trúng bom lõm sâu như một cái giếng. Cũng may mọi người trú ẩn ở hầm gần đó, bên cạnh có một cây si to, quả bom rơi cạnh cây si, nhờ đó mà cái hầm vẫn còn. Xác người chết và người bị thương khiêng vào đặt khắp nhà tôi – ngôi nhà hiếm hoi còn nguyên vẹn nhanh chóng trở thành một trạm y tế. Những người tôi xác định đã chết thì tôi gọi các anh bộ đội ở ngõ Văn Chương đưa vào nhà thờ họ Mai ở gần đó. Những người bị thương nặng tôi chuyển lên bệnh viện tuyến trên – là bệnh viện đa khoa Đống Đa, còn ai bị thương nhẹ thì tôi sơ cứu. Người bị gãy xương chậu, xương đùi rất nhiều. Riêng khu phố chợ chết mất mấy chục người. Cũng may mà đêm hôm trước có lệnh sơ tán cấp tốc nên mọi người cũng đi gần hết, còn ở lại chủ yếu là anh em dân quân và người buôn bán. Khi bom giội, tôi xuống hầm cùng với dân, ngớt tiếng bom tôi lại lên. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, “mình là cán bộ mà lo sợ, nghĩ đến chuyện cá nhân thì ai sẽ giúp đỡ người bị thương?”. Thế là tôi cứ đeo cái túi thuốc và bó nẹp ngồi bên đường, có ai bị thương là lao vào chạy chữa. Đã là đảng viên là phải biết xung phong, phải dũng cảm kiên cường – tôi nghĩ thế.
Giặc ném bom vào kho gạo, từng bao gạo tung ra. Chẳng ai còn sức mà ăn, có một nắm mì nấu lên anh em chia nhau. Cuộc chiến khiến người ta chỉ có suy nghĩ: một là sống, hai là chết. Khi Mỹ dừng ném bom, cảnh tượng Khâm Thiên đáng sợ hơn bao giờ hết. Ngón chân, ngón tay la liệt mọi nơi, những sinh viên y khoa tay cầm kẹp sắt, tay cầm túi đi nhặt… Có lẽ đến tận bây giờ, khi đã là bác sĩ họ vẫn không thôi bị ám ảnh”…
*
* *
35 năm đã đi qua, một Khâm Thiên giữa lòng Hà Nội đã thay da đổi thịt, sầm uất và náo nhiệt. Nhưng có lẽ sẽ chẳng ai quên nơi ấy có một thời mất mát đau thương. Ngày 21-11 âm lịch hằng năm (tức ngày 26-12-1972), cả Khâm Thiên nhà nào hầu như cũng có giỗ. Họ cùng nhau tưởng nhớ về những người đã ra đi sau loạt B.52 dữ dội, cùng nhau ôn lại một ký ức đau thương, và nhìn lại sức sống mãnh liệt của mỗi gia đình, mỗi con người và đất nước.
MAI HỒNG THUẬN