Huỳnh Thị Thanh sinh ở làng Đông Bàn, nằm giữa vùng Gò Nổi, thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Điện Bàn là vùng địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra tiến sĩ Phạm Phú Thứ, Phạm Liệu, Trần Quý Cáp; nơi sinh ra những anh hùng kiệt xuất Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Nguyễn Duy Hiệu; nơi sinh ra nhà thơ xuất sắc Phạm Hầu, nhà toán học lừng danh Hoàng Tụy và bao nhiêu người tài giỏi khác mà Tổ quốc còn ghi đậm nét tên tuổi họ.
Điện Bàn, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là nơi ác liệt nhất nước, nơi đã sinh ra anh hùng Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, hơn hai chục Anh hùng quân đội, Anh hùng Lao động khác và hơn nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cũng là nơi có nhiều liệt sĩ nhất nước.
Huỳnh Thị Thanh là con thứ bảy trong gia đình ông bà Huỳnh Kim Vạn và Đào Thị Anh.
Ông nội của bé Thanh là ông Huỳnh Thại bị bọn Việt gian ở đồn Phú Bông lên bắt dìm nước ở đìa Cửu Hựu, chết trong một ngày mưa gió lạnh cắt da, cắt thịt năm 1953.
Ba của Thanh tham gia cách mạng từ năm 1945, từng làm Phó chủ tịch xã Điện Phong nhiều năm. Năm 1969-1973 bị tù ở Hội An và đã mất vì bệnh năm 1977 ở thôn Đá Mài Bình Tuy.
Mẹ của Thanh cũng tham gia cách mạng từ những năm 1945. Trong chống Mỹ, bà là một trong những cơ sở tin cậy và an toàn tuyệt đối của các đồng chí lãnh đạo đơn vị tình báo quân đội Đoàn 11, hoạt động tại Khu 5. Trong khuôn viên nhà bà Vạn có hai hầm bí mật, một cái ngay dưới bếp, một cái ngoài vườn. Hàng chục năm bà nuôi giấu cán bộ và cứu sống nhiều người như đại tá Thường, thiếu tướng Cung…
Ông bà Hương Vạn đã cho Huỳnh Kim Sơn tham gia quân báo Khu 5 từ hồi 12, 13 tuổi. Huỳnh Duy Anh, Huỳnh Kim Ngân, Huỳnh Kim Khánh, Huỳnh Thị Liên tham gia đơn vị tình báo Đoàn 11 cũng ở tuổi thiếu niên. Đến đứa con gái út, Huỳnh Yên Trầm Mi mới mười hai tuổi đã tham gia an ninh tỉnh và bị bắt, ở tù Đà Lạt…
Người có biệt danh DO 28 dưới cái áo khoác là trung sĩ nhất, lính của Sư đoàn 2 ngụy, là chú ruột của Thanh. Ông bị lộ và bị địch bắt bỏ tù Côn Đảo cho tới ngày giải phóng miền Nam mới trở về đất liền…
Có thể nói đây là một gia đình hoàn toàn cống hiến cho công tác tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam suốt mấy chục năm liền, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp…
Chúng tôi gặp mẹ Đào Thị Anh, một người mẹ trực tiếp tham gia cách mạng suốt ba mươi năm liền, lại có chồng và bảy con tham gia cách mạng, trong đó có hai con là liệt sĩ, bản thân, ba con và chồng đều nhiều lần bị địch bắt bỏ tù. Thế nhưng chưa hề có một lời khai về hoạt động cách mạng của bản thân và gia đình mình. Mẹ cũng chưa hề có một tấm giấy khen nào. Chúng tôi hỏi, mẹ cười bảo:
- Mẹ đẻ con, nuôi con. Đất nước có giặc, mẹ nuôi con đánh giặc. Đó là việc làm bình thường có chi mô phải kể công. Mẹ chỉ sợ mình làm không tốt, có hại cho cách mạng mà thôi. Phần thưởng lớn nhất của mẹ thì mẹ đã nhận được rồi. Đó là được ăn, được ngủ, được tự do đi lại, không lo bom đạn, không lo cho những đứa con còn lại chết tiếp hoặc tù tội…, thử hỏi còn cần cái chi nữa? Hòa bình rồi, các con biết sống, sống tốt, thương yêu đùm bọc nhau, có hiếu với ông bà cha mẹ, đó là phần thưởng lớn đối với mẹ… Còn bằng khen, huân chương ai cũng muốn hết thì chắc cách mạng không thành công rồi, thua bọn giặc từ lâu rồi. Mẹ nghĩ người tốt, người thật sự yêu đất nước mình thì không ai nghĩ tới huân chương. Không ai đòi thưởng công mô…
Lý lẽ của mẹ đơn giản như con người của mẹ vậy đó.
Tất cả những điều chúng tôi nói ở trên chính là dòng sữa, là tình yêu, là đạo lý, là nền tảng để nuôi dưỡng, hun đúc bé Huỳnh Thị Thanh. Cô bé tham gia cách mạng lúc vừa lên chín, lên mười và hy sinh ở cái tuổi chớm 12, để lại cho đời sau một huyền thoại…
Song, nói như thế vẫn chưa đủ, nếu như không thấy hết sự giáo dục rèn luyện, thương yêu của những người lãnh đạo trực tiếp với Huỳnh Thị Thanh như Thiếu tướng Trần Tiến Cung, đại tá Thường, đại tá Văn Minh Chi, đại tá Dương Minh Đáng và nhiều người lãnh đạo khác của em trong những năm tháng khó khăn ác liệt ấy, kể cả người chú ruột thân yêu của Thanh có biệt danh DO28…
Chúng tôi gặp Thiếu tướng Trần Tiến Cung tại cơ quan của ông ở Đà Nẵng.
Huỳnh Thị Thanh, người học trò chưa đầy mười tuổi này được ông coi như con, như cháu. Ông cưng, tin, thương yêu và rất yên tâm khi giao nhiệm vụ.
Ông nói: “Tôi về Gò Nổi đóng quân, thường ở trong gia đình bà Thủ Hộ, chị Hồng, bà xã Hoàng… Thường xuyên nhất là ở trong nhà anh chị Vạn. Tôi phát hiện ra bé Thanh rất lạ. Cháu ít nói, lễ phép và lúc nào cũng có nụ cười tươi rói trên đôi môi hồng mọng của trẻ con. Cả khuôn mặt sáng trưng, nhưng lại có cái gì nghiêm nghị trong cách nói dịu dàng, rảnh rang…
Bé Thanh chơi say mê mọi trò chơi của trẻ em cùng lứa tuổi. Nhưng tôi để ý thấy khi cần nghỉ Thanh nghỉ ngay, không luyến tiếc do dự.
Sống trong nhà, gần gũi bé tôi chưa hề nghe bé than phiền cực, khổ, đói, hay một lời tỏ ra sợ sệt bom đạn, giặc giã, chết chóc… Bé Thanh không hề chê trách hay gây gổ với bạn cùng lứa. Công tác thiếu niên lúc nào bé cũng hoàn thành xuất sắc và vui vẻ. Trong gia đình bé lẳng lặng làm hết việc nhà, kể cả việc hái dâu cho tằm ăn giúp má. Mà chuyện gì cháu cũng làm nhẹ nhàng, nhanh nhẹn cứ như không.
Thanh lúc nào cũng nhoẻn cười, không chỉ với bạn mà còn với người lớn, nhất là các anh, các chú. Thanh là cô bé vừa hiền lành vừa chăm chỉ.
Gần và biết bé như thế, nên khi cần có người đi giao liên, chúng tôi nghĩ ngay đến bé Thanh. Nhưng bé với tuổi đó thì bé quá, người lại nhỏ thó, mỏng như chiếc lá, nhiều đồng chí còn e ngại… Một hôm, tôi gọi Thanh tới và hỏi:
- Chú có chút việc ở Đà Nẵng, cháu đi giúp chú được không?
Con bé nhoẻn miệng cười, rồi trả lời:
- Dạ, con đi được.
- Cháu biết đường không?
- Dạ biết… Cháu xuống Vĩnh Điện rồi xin xe ra Đà Nẵng.
Thanh nói tự nhiên, không rụt rè, không hỏi gì thêm. Kể cả việc ra Đà Nẵng gặp ai. Tôi cũng không nói gì thêm, còn Thanh thì vẫn vui chơi với chị em trong nhà bình thường. Tôi theo dõi thử con bé có nói gì với mấy chị em trong nhà không, nhưng tuyệt nhiên nó không nói với ai, kể cả ba má của nó.
Mấy hôm sau tôi lại gọi cháu sang một nhà khác để làm công tác huấn luyện lính mới. Chỉ có hai chú cháu. Tôi nói rõ ý định giao công việc cho cháu. Tôi nêu ra hàng chục tình huống cho cháu trả lời. Thú thật là tôi quá bất ngờ! Cháu điềm đạm và thông minh lạ thường. Bởi cũng những việc đó, tôi nêu ra cho nhiều người lớn, cả những người học thức cao hơn, kinh nghiệm đời sống nhiều hơn, mà họ lại trả lời không được như bé Thanh. Tôi mừng lắm! Mừng và nghĩ con bé này sinh ra như là để làm công việc nầy chăng??
Và tối đó, tôi đã thưa chuyện với anh chị Vạn, ba má cháu Thanh. Anh chị đồng ý ngay. Chị Vạn còn nói: “Tôi giao con nhỏ cho chú là tôi biết cháu sẽ nên người”.
Như vậy là, ngoài chúng tôi và ba má Thanh ra, không ai biết việc Thanh làm. Ngay với anh chị em trong nhà, Thanh không hề tiết lộ…
Hôm chuẩn bị cho Thanh đi chuyến công tác đầu tiên, chúng tôi may cho Thanh hai bộ đồ. Một bộ màu hồng, một bộ màu xanh lơ có điểm hoa. Hai chiếc áo đều may cổ bẻ tròn, giản dị mà đẹp. Tôi bảo cháu mặc thử, cháu mặc vừa vặn, đẹp. Cháu không nói gì, chỉ vuốt vuốt vạt áo trước, rồi nhìn tôi nhoẻn miệng cười.
Sáng mai cháu Thanh lên đường. Tối tôi dặn dò cháu khá kỹ. Riêng chuyện cất giấu tài liệu tôi chưa kịp nói thì cháu liền chạy vào trong xách ra cái giỏ đựng đồ chơi của trẻ con. Trong hàng chục đồ chơi, cháu chọn một cái về lẹ làng giấu bức thư vào. Tôi có nhìn thấy. Sau đấy tôi thử tìm nhưng không thể tìm được. Còn Thanh chỉ liếc mắt, trộn lên trộn xuống, là lấy ngay ra thứ đồ chơi cần thiết ấy…
Đó là nhiệm vụ đầu tiên mà cháu thực hiện. Đêm đó, tôi có ý theo dõi xem cháu có lo lắng gì không. Ăn cơm tối xong, mấy chị em chơi với nhau như thường lệ, rồi cháu lên giường ngủ thẳng một giấc đến gần sáng.
Mưng mửng sáng, cháu đã dậy, rửa mặt, chải đầu, thay đồ, rồi xách giỏ đồ chơi ra đi.
Chúng tôi tiễn cháu đi qua hướng Kỳ Lam, ra phía cây số 6. Trước khi chia tay, tôi dặn:
- Đi cẩn thận cháu nhé. Xong việc là về ngay, các chú sẽ đón tại đây.
- Cháu gật đầu, nhoẻn miệng cười, rồi lẳng lặng, bước thẳng, không ngoái đầu nhìn lại…
Lần đó về, cháu vừa gặp chúng tôi là nhoẻn miệng cười, vẫn nụ cười hiền hiền ấy, cháu lấy ngay tài liệu đưa cho tôi. Không nói một câu gì thêm.
Khi tôi hỏi cháu đi như thế nào, cháu mới kể: “Cháu ra đường cái đứng chơi trước một ngôi nhà bên đường như trẻ con của nhà ấy. Mấy xe hàng đi qua, cháu muốn lên xe, nhưng cháu nghĩ đi xe nhà binh bảo đảm hơn, nên cháu chờ. Khi chiếc xe nhà binh từ Ái Nghĩa chạy xuống, cháu vẫy tay chận lại, vừa khóc vừa xin: “Mấy chú ơi! Cho cháu đi nhờ ra Đà Nẵng thăm ba cháu, ba cháu đi lính, đánh nhau bị thương. Mẹ cháu đi thăm ba bốn ngày rồi chưa về, bà nội thương ba, cứ khóc hoài. Thương bà, thương ba, cháu trốn nội đi tìm mẹ, tìm ba về. Có người nói ba cháu nằm ở bệnh viện Duy Tân. Duy Tân ở chỗ mô? Mấy chú chỉ cháu với”. Cháu vừa nói vừa khóc, mấy người lính trên xe thấy thương, bồng cháu lên xe, chở tuốt ra Đà Nẵng. Xe đến ngã tư quân đoàn, mấy người lính thả cháu xuống, gọi xích lô cho cháu đến bệnh viện Duy Tân. Từ bệnh viện Duy Tân cháu thuê xích lô chở cháu đến địa chỉ cần đến…
Qua lần thử thách đầu, tôi thực sự yên tâm về Thanh. Từ đó về sau, Thanh thực hiện hàng trăm chuyến công tác, mỗi lần một cách đi mới của Thanh.
Có lần cháu đi thẳng vào trạm gác, nhờ mấy thằng lính gác xin dùm xe cho cháu đi thăm ba đóng ở Đà Nẵng hoặc ở Phước Tường.
Trăm lần đi, trăm lần đều trót lọt. Thanh đã cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm trong công tác giao liên ở thành phố, ở vùng sâu trong lòng địch…
Những tài liệu của DO28 qua tay Thanh mang về cực kỳ quan trọng và quý báu. Bởi DO28 chính là trung sĩ nhất, lính truyền tin, lính tiếp liệu thực phẩm trung đoàn, có lúc làm tài vụ cho sư đoàn 2 ngụy.
SÂM NGỌC LINH (còn nữa)