Gốc xà cừ sần mốc với những tán lá xanh rợp, phủ bóng xuống khu nhà bia tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ. Đứng trước khoảng sân rộng, Đại tá Vương Văn Cao, nguyên Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 918 (nay là Lữ đoàn 918) ngước mắt lên bầu trời cao xanh vời vợi. Nắng soi vào khuôn mặt người cựu chiến binh ngoài 70 tuổi hằn lên những nếp gấp thời gian. Ngắm nhìn bầu trời giữa khuôn viên chang chang nắng, ngàn ngạt khói hương, lòng ông nhớ đến thắt ruột những người đồng đội. Ông lần tìm trên bia đá, tên các liệt sĩ xếp thành hàng nối tiếp: Nguyễn Tiến Yểng, Nguyễn Tiến Thuật, Phạm Văn Thắng, Hoàng Ngọc Trung, Nguyễn Văn Trác... Đó là những đồng đội đã cùng ông chiến đấu và ngã xuống. Tên các anh được khắc ghi trong lịch sử.

Đồng đội và thân nhân liệt sĩ thăm viếng, tưởng niệm Bác Hồ và các liệt sĩ tại nhà bia của Lữ đoàn 918.

Sau ngày miền Nam giải phóng, cũng vào giữa những ngày hè rực lửa, ngày 5-7-1975, Trung đoàn Không quân 918 được thành lập. Đơn vị có nhiệm vụ sử dụng máy bay vận tải thu được của địch, làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, vận tải phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và dân sinh. Những cánh bay hối hả trên bầu trời thống nhất, tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Thế nhưng trong niềm vui làm chủ bầu trời vẫn còn những mất mát hy sinh. Đó là những nốt lặng trong một bản hùng ca. Đại tá Vương Văn Cao từng chứng kiến những khoảng trầm buồn ấy. Ông kể lại: “Đó là vào trung tuần tháng 1-1977, Trung đoàn trưởng Hoàng Ngọc Trung thực hiện chuyến bay nhiệm vụ trên máy bay C-47. Tin xấu báo về, máy bay bị tai nạn, đồng chí trung đoàn trưởng cùng tổ bay hy sinh. Cả trung đoàn đau buồn, tiếc thương người thủ trưởng mẫu mực, tận tâm từ những ngày đầu đơn vị thành lập, một trong những cán bộ đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của trung đoàn, đặc biệt là đóng góp nhiều công sức vào nhiệm vụ thu hồi vũ khí, trang bị kỹ thuật, xây dựng đơn vị và tổ chức huấn luyện chuyển loại máy bay".

Câu chuyện của Đại tá Vương Văn Cao khiến lớp trẻ chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động. Trong số những cán bộ, nhân viên đang công tác, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thiếu tá QNCN Đinh Thị Hà Thanh, nhân viên Phòng Chính trị lữ đoàn. Ánh mắt chị phảng phất nét buồn man mác. Chị nhớ về chồng mình, Trung tá Nguyễn Văn Lân, lái phụ máy bay AN-26. Trong ban bay huấn luyện ngày 8-4-2008, tại sân bay Gia Lâm, máy bay AN-26 số hiệu 265 phát sinh hỏng hóc động cơ trên không. Ngay lập tức, tổ bay tập trung xử lý nhưng không kịp do độ cao không bảo đảm. Quá trình máy bay lao xuống, tổ bay phát hiện bên dưới là Trường Tiểu học và THCS Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội). Trong giờ phút sinh tử, các anh vẫn kịp điều khiển máy bay tránh khỏi trường học. Trung tá Nguyễn Văn Lân cùng các đồng chí: Hoàng Văn Luận, Ninh Quang Thắng, Phạm Viết Đoàn, Dương Văn Dán anh dũng hy sinh. Hành động hy sinh của tổ bay nhằm tránh gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm. Chị Thanh tâm sự: “Dẫu tiếc thương nhưng tôi luôn tự hào về anh và đồng đội, đã quả cảm nhận lấy hy sinh về mình để tránh tổn thất cho nhân dân. Sau khi anh mất, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, tôi được tuyển dụng vào đơn vị công tác. Đó là sự động viên rất lớn giúp tôi vượt qua khó khăn. Giờ đây, mỗi lần ngắm nhìn cán bộ, chiến sĩ đơn vị huấn luyện, tôi như thấy anh và đồng đội vẫn đang cất cao cánh bay giữa bầu trời”.

Sống trong thời bình, nhưng sự mất mát hy sinh của các chiến sĩ phi công vẫn hiện hữu. Trung úy QNCN Đỗ Thị Thắm, nhân viên Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn 918 mãi không quên ngày 16-6-2016, máy bay CASA-212, số hiệu 8983 cất cánh tìm đồng đội đã gặp nạn ngoài biển khơi. Trên chuyến bay đó, chồng chị là Thiếu tá Lê Văn Đình, trợ lý tuần thám cùng 8 đồng chí trong tổ bay đã hy sinh. Hơn 45 năm sau ngày thành lập, trong thành tích chung của Lữ đoàn 918 hôm nay có một phần đóng góp của 35 liệt sĩ. Họ là những cánh chim quả cảm, ra đi để giữ bình yên bầu trời Tổ quốc. Đại tá Nguyễn Quang Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 918, cho biết: “Tri ân những đóng góp, hy sinh của lớp người đi trước, năm 2017, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã đồng tâm, góp sức dựng xây khu nhà bia tưởng niệm Bác Hồ và các liệt sĩ, để đồng đội, người thân đến thăm viếng, tưởng nhớ những người con ưu tú đã mãi ra đi. Nơi đây cũng là “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân”.

Khu nhà bia tưởng niệm nằm dưới tán cây xanh mát. Từ khi khánh thành đến nay, chim chóc từ khắp nơi bay về đây ngày càng nhiều, chao liệng, ríu rít cả khoảng không. Thi thoảng, từng đàn sà xuống mái ngói vút cong, đậu nhẹ nhàng vào tấm bia đá khắc tên các liệt sĩ, rồi vỗ cánh bay lên. Bộ đội, thân nhân liệt sĩ khi đến đây thăm viếng vẫn thường bảo nhau, đó có thể là các anh, những chiến sĩ không quân đã hóa thân vào cánh chim, tụ về đây gặp gỡ đồng đội, người thân. Các anh sẽ mãi bất tử như những cánh chim vút bay giữa bầu trời Tổ quốc!

Bài và ảnh: VŨ DUY