QĐND - Do ảnh hưởng của bão số 3, sóng to gió lớn, mặc dù vất vả, nhưng gương mặt Thượng úy Đỗ Tiến Thông, Chính trị viên tàu HQ954 (Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân) luôn ánh lên niềm vui. Phóng tầm mắt về hướng huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Thượng úy Đỗ Tiến Thông kể với chúng tôi câu chuyện vợ anh theo chồng lập nghiệp nơi đảo xa. 

Năm 2005, mỗi khi đêm về, Đỗ Tiến Thông và người đồng đội thân thiết là Thiếu úy Phan Tiến Đạt thường tâm sự chuyện gia đình, tình yêu... Biết Thông chưa có người để thương nhớ, Đạt đã giới thiệu em họ của mình là Nguyễn Thị Oanh (quê xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) để Thông làm quen. Năm đó, Oanh vừa tốt nghiệp THPT, từng đạt danh hiệu “hoa khôi” Trường THPT Nghi Lộc. Từ đó, Thông và Oanh thường xuyên viết thư trao đổi. Có lần tàu cập bến, Thông nhận được hàng chục lá thư của Oanh. Trong thư, Oanh bày tỏ sự cảm phục với những hy sinh, gian khổ của Bộ đội Hải quân và mong muốn được kết bạn. Đón nhận món quà đầy ý nghĩa, Thông luôn nâng niu, đọc đi đọc lại từng chữ đến thuộc lòng. Quen nhau được mấy tháng, họ gửi ảnh tặng nhau làm quà kỷ niệm và bày tỏ tình cảm của mình. Cũng năm đó, Thông thi đỗ Học viện Hải quân, còn Oanh thi đỗ Trường Đại học Vinh (Nghệ An). Cùng là sinh viên, đôi bạn trẻ phải trải qua những khó khăn về vật chất, tinh thần… và luôn chia sẻ kinh nghiệm học tập, cuộc sống, động viên nhau vượt khó vươn lên.

Hạnh phúc gia đình là động lực quan trọng giúp Thượng úy Đỗ Tiến Thông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tốt nghiệp ra trường, Thông về nhận công tác tại Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, gắn bó với con tàu trên vùng biển Tây Nam. Trong một lần đến thăm Thông trên huyện đảo Phú Quốc, Oanh không ái ngại mà còn rất hào hứng và yêu thích vùng đất đầy sóng gió đang từng ngày thay da đổi thịt này và mong muốn được cùng Thông xây đắp hạnh phúc trên vùng đất mới.

Cuối năm 2011, Thông và Oanh tổ chức lễ thành hôn tại quê nhà. Sau ngày cưới, với tri thức, trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ, Oanh quyết định theo chồng vượt biển đến huyện đảo Phú Quốc và sau đó được nhận vào công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện đảo Phú Quốc. Mặc dù khó khăn về vật chất, nhưng ngôi nhà ở thị trấn Dương Đông của hai người luôn ngập tràn niềm vui, hạnh phúc sau những chuyến tàu cập bến. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan, chu toàn việc nhà, Oanh còn là một trong những tình nguyện viên năng động, sáng tạo, tích cực tuyên truyền pháp luật, nếp sống văn hóa mới… Thi đua cùng vợ, Thông hăng say công tác, vượt nhiều khó khăn nơi đầu sóng và luôn tỏ rõ năng lực tiến hành tốt CTĐ, CTCT, được cán bộ, chiến sĩ trên tàu yêu mến.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, không chỉ gia đình Thông, mà nhiều cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân cũng chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, góp phần xây dựng Phú Quốc trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng-an ninh.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN