QĐND - Ngay sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng bài: Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị: Cơ sở để xác minh, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin từ các cựu chiến binh (CCB) gửi về cung cấp một số ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong thời kỳ kháng chiến. Trong bài viết này, chúng tôi xin trích đăng thông tin mà Đại tá Phạm Văn Lũy ở tổ 15, phường Bắc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng; Điện thoại: 0977.196.327; nguyên chiến sĩ thông tin c18, e141, f3, Quân khu 5; nguyên Trưởng ban Tổng kết lịch sử Hậu cần Quân khu 3 cung cấp.
Đơn vị KN thuộc Quân khu 5
Trong lá thư dài gần 10 trang khổ A4, Đại tá Phạm Văn Lũy tâm sự:
- Khi tôi nhận được thư gia đình cháu Mai, con liệt sĩ Nguyễn Hữu Công. Trong thư cháu Mai viết: "Bố cháu sinh năm: 1936; nguyên quán: Xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Nam Hà (cũ); trú quán: Tiểu khu Hàm Tử, khu phố Lê Chân, thành phố Hải Phòng; tái ngũ: 6-1968; đơn vị: KN; hy sinh ngày 15-7-1969 tại mặt trận phía Nam, thi hài an táng tại khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận". Đọc những dòng thông tin trên, tôi khẳng định đồng chí Công hy sinh tại chiến trường Quân khu 5. Vì giấy báo tử ghi đơn vị KN. Sau đó tôi hướng dẫn cho cháu Mai viết thư gửi Phòng Chính sách Quân khu 5 và được trả lời bằng công văn số 21/CS, ngày 3-6-2008 do Đại tá Nguyễn Đức Hưng, Trưởng phòng Chính sách Quân khu 5 ký với nội dung xác nhận liệt sĩ Nguyễn Hữu Công có trong hồ sơ lưu trữ của quân khu và ghi rõ đơn vị: Đại đội 12, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 141 (thời gian này Trung đoàn 141 thuộc Mặt trận 44 Quảng Đà); nơi hy sinh ghi: xã Hòa Bình, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà (nay là thành phố Đà Nẵng). Nhờ đó, gia đình cháu Mai đã tìm được mộ bố sau bao nhiêu năm tìm kiếm.
 |
Các CCB Quân khu Trị Thiên đang ghi chép lại thông tin về đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9. Ảnh: Lê Duy |
Với liệt sĩ Phạm Tiến Dũng; sinh năm 1953; nhập ngũ: 10-5-1971; quê quán: xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương; cấp bậc: Thượng sĩ; chức vụ: Trung đội trưởng; đơn vị: KN; hy sinh: Ngày 13-5-1973 tại Mặt trận phía Nam. Vì đồng chí Dũng thuộc Đại đội 15 công binh, còn tôi ở Đại đội 18 thông tin, cùng Trung đoàn 141, Sư đoàn 3, Quân khu 5 nên tôi biết rất rõ về trường hợp này.
Trường hợp liệt sĩ Nguyễn Bá Lai; quê quán: xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Hưng (cũ); cấp bậc: Hạ sĩ; đơn vị: Tiểu đoàn 5, KN; hy sinh: Ngày 20-11-1972. Đồng chí Lai hy sinh khi đang cùng với tôi học mật ngữ thông tin 2W trong một căn hầm. Ngày đó, khi chúng tôi đang học thì bị máy bay địch ném bom làm 38 đồng chí hy sinh, 4 người may mắn còn sống (trong đó có tôi). Ngay sau khi hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Bá Lai được an táng tại tọa độ 2578, ô 1, Đức Phổ (hiện nay là thôn 5, xã An Hưng, huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Vì thế, khi nhận được thông tin tôi đã báo cho thân nhân liệt sĩ Lai biết về nơi an táng. Cuối tháng 11-2010, gia đình liệt sĩ Lai cho biết đã tìm được phần mộ.
Căn cứ vào những số liệu trên, tôi có thể khẳng định phiên hiệu: KN thuộc Quân khu 5.
Đơn vị KH5 thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2
Những liệt sĩ mà trong giấy báo tử ghi ở đơn vị KH5, hy sinh tại mặt trận Nông Sơn, Thượng Đức, Quảng Nam trong năm 1974 là quân số của Sư đoàn 304. Điều này được minh chứng qua một số trường hợp sau:
Liệt sĩ Nguyễn Văn Tỉnh; sinh năm: 1954, giấy báo tử số 457/HP do Bộ tư lệnh 350 Hải Phòng ký ngày 1-10-1975 ghi: Cấp bậc: Hạ sĩ; chức vụ: Chiến sĩ; đơn vị: Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, KH5; hy sinh: Ngày 17-10-1974 tại Mặt trận phía Nam. Đơn vị đã an táng tại khu vực nghĩa trang mặt trận. Qua thông tin của đồng đội liệt sĩ Nguyễn Văn Tỉnh, tôi được biết: Đồng chí Tỉnh thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304; hy sinh tại cao điểm 1062 thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tôi đã hướng dẫn cho gia đình liên hệ với Sư đoàn 304 và được trả lời đúng phiên hiệu đơn vị, nơi hy sinh là cao điểm 1062, an táng tại trạm phẫu Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Từ thông tin trên, cuối năm 2010, gia đình đã cất bốc hài cốt liệt sĩ đưa về an táng tại quê nhà.
Liệt sĩ Hà Ngọc Chanh; sinh năm: 1954, giấy báo tử số 1103L/VP do Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phú ký ngày 10-11-1975 ghi, cấp bậc: Thượng sĩ; chức vụ: Tiểu đội trưởng; đơn vị: Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, KH5; quê quán: Quang Tiến, Kim Anh, Vĩnh Phú; hy sinh: Ngày 5-10-1974 tại Mặt trận phía Nam. Đơn vị đã an táng tại khu vực nghĩa trang gần mặt trận. Khi nhận được thông tin, tôi viết thư cho gia đình thông báo liệt sĩ Chanh có thể ở Trung đoàn 24, Sư đoàn 304. Đúng như phán đoán của tôi khi gia đình nhận được thông tin xác nhận từ chỉ huy Sư đoàn 304.
Qua thông tin của 2 liệt sĩ Nguyễn Văn Tỉnh và Hồ Ngọc Chanh, tôi có thể khẳng định ký hiệu ghi KH5 thuộc Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.
Ngoài các liệt sĩ nêu trên, qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi thấy có thể giải mã thêm một số phiên hiệu sau: Liệt sĩ Phạm Trường Giang; đơn vị: P2m; Liệt sĩ Mai Văn Tào; đơn vị: K5, e24 P2; hy sinh ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An trong trường hợp trúng mìn của địch; Liệt sĩ Đỗ Xuân Lưu; đơn vị: 2024 thuộc P2.
Thu thập thông tin từ các đồng đội, rất có thể P2 thuộc Quân khu 8. Bởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thì 6 tỉnh gồm: Bến Tre, Mỹ Tho, Kiến Phong, Kiến Tường, Long An là địa bàn thuộc Quân khu 8. Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước các địa phương trên được sáp nhập vào Quân khu 9. Còn đối với các liệt sĩ có ghi đơn vị: KB có thể thuộc Quân đoàn 4 hiện nay.
Với những ký hiệu, phiên hiệu đơn vị mà Đại tá Phạm Văn Lũy cung cấp ở trên, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, phục vụ cho công tác giải mã các phiên hiệu đơn vị trong chiến tranh, tạo điều kiện để thân nhân các liệt sĩ có căn cứ tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
Duy Thành (lược ghi)