QĐND - Đất nước đã hòa bình, thống nhất nhưng những đau thương, mất mát thiệt thòi vẫn đè nặng lên cuộc sống của không ít thương binh, bệnh binh và cả gia đình, con em thương binh, liệt sĩ. Trong quân đội, có không ít cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng là con em thương binh, bệnh binh, liệt sĩ rất cần được quan tâm, hỗ trợ, giúp họ vượt lên khó khăn, cống hiến và trưởng thành. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Báo Quân đội nhân dân ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

Đại tá Từ Duy Nhiệm.

Đại tá Từ Duy Nhiệm, Phó trưởng Phòng Hậu phương Quân đội (Cục Chính sách): Quan tâm toàn diện hơn nữa

Hiện nay, toàn quân có hàng nghìn đồng chí là thương binh, bệnh binh và con em thương binh, liệt sĩ đang công tác trong quân đội. Chúng tôi đang khẩn trương khảo sát, rà soát, đề xuất các chế độ hỗ trợ, tặng nhà tình nghĩa, tạo điều kiện về học nghề, việc làm… đối với những đồng chí này. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Quốc phòng đã tuyển dụng 30 trường hợp là đối tượng con liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ đổi mới. Theo Chỉ thị 97/CT-BQP ngày 18-7-2011 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tuyển dụng được 259 con của thương binh, bệnh binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh vào phục vụ trong quân đội theo chế độ công nhân viên quốc phòng. Riêng năm 2015, Bộ Quốc phòng đã tuyển dụng 52 trường hợp công nhân viên quốc phòng là con thương binh, bệnh binh nặng và 6 trường hợp là vợ và con liệt sĩ.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất hỗ trợ một số chế độ, chính sách đối với thân nhân liệt sĩ, giúp họ cơ hội phát triển, trưởng thành và ổn định cuộc sống. Các đối tượng nêu trên nếu có nguyện vọng sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo tại các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội. Cùng với đó, ưu tiên sắp xếp, bố trí, sử dụng  và đề xuất một số chế độ, chính sách ưu tiên tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ về nhà ở… cho người có công đang công tác trong quân đội.

KIÊN THÁI (ghi)

Đại tá Lê Văn Tiến.

Đại tá Lê Văn Tiến, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị: Tạo môi trường thuận lợi

Quảng Trị là một trong những địa phương có số lượng đối tượng chính sách lớn của cả nước. Những năm qua, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị đã chủ động tham mưu giúp lãnh đạo, chính quyền địa phương làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa”, quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để các đồng chí thương binh, con liệt sĩ, con thương binh đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn làm tốt việc quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thương binh, con liệt sĩ, con thương binh đi bồi dưỡng, đào tạo và rèn luyện trong thực tiễn. Nhiều đồng chí được đề nghị bổ nhiệm giữ các chức vụ chỉ huy, quản lý ở các cấp. Ngoài ra, hằng năm vào các dịp lễ, Tết, kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như gặp mặt, tặng quà các đối tượng; một số gia đình con thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn đã được đơn vị xem xét cụ thể, bố trí công việc phù hợp. Điều đáng mừng là nhiều đồng chí trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội.

Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên quan tâm sâu sát hơn đến các đối tượng chính sách nói chung và các thương binh, con liệt sĩ, con thương binh đang công tác tại đơn vị nói riêng, tạo môi trường thuận lợi để các đồng chí phát huy, phát triển và cống hiến.

HỮU KHIẾT (ghi)

Ông Đỗ Văn Trung.

Ông Đỗ Văn Trung, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định: Giải quyết tốt nhu cầu đào tạo, việc làm


Cấp ủy, chính quyền huyện Ý Yên luôn quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ con em gia đình chính sách vươn lên trong cuộc sống. Hằng năm, lãnh đạo huyện Ý Yên đã chỉ đạo phân công các đoàn thể tham gia giúp đỡ các gia đình chính sách với từng địa chỉ cụ thể. Riêng với con em thương binh, gia đình chính sách được các ban, ngành ưu tiên đào tạo nghề, tạo việc làm tại các doanh nghiệp có thu nhập ổn định. Với những con em gia đình thương binh, liệt sĩ đang ở độ tuổi đến trường được giảm học phí, tặng học bổng. Bên cạnh đó, với những em thi đỗ đại học được các đoàn thể, ban, ngành đến chia vui, giúp đỡ về kinh tế, tạo điều kiện làm giấy tờ, thủ tục để các em nhập học nhanh nhất...

HUYỀN ANH (ghi)

Thượng úy Nguyễn Tiến Xuân.

Thượng úy Nguyễn Tiến Xuân, cán bộ Hải đội 411, Vùng 4 Hải quân: Mẹ được quan tâm, tôi yên tâm công tác

Bố tôi là liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong hy sinh ở Trường Sa năm 1988. Bố tôi hy sinh khi tôi vừa tròn một tuổi, tôi lớn lên bằng tình yêu của mẹ. Ngay từ nhỏ tôi đã ước mơ trở thành người chiến sĩ Hải quân, tiếp nối con đường của bố. Giờ đây, tôi đã tốt nghiệp Học viện Hải quân và trở thành một sĩ quan công tác trên các vùng biển Trường Sa. Bố hy sinh, cuộc sống của gia đình tôi hết sức cơ cực. Song chính nhờ luôn nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương,  tôi đã yên tâm học tập khi hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn.

Quảng Bình quê tôi ruộng pha cát nên năng suất lúa không cao mà hay phải chịu thiên tai, bão lũ. Những đêm bão, lũ tràn về, ngoài đảo xa thương mẹ một mình phải chống chọi vất vả mà không biết làm sao vì bận công tác không thể về. Rất may, mẹ tôi được bà con làng xóm, chính quyền địa phương luôn quan tâm giúp đỡ, tôi có thể yên tâm công tác hơn, phấn đấu trở thành người sĩ quan ưu tú, xứng đáng với sự hy sinh của bố.

HUYỀN TRANG (ghi)