QĐND - Đảo Nhơn Châu cách trung tâm TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) hơn 24km, hiện chưa có điện lưới quốc gia. Người dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng việc đánh bắt, khai thác thủy sản. Vào mùa biển động, có thời điểm xã đảo Nhơn Châu bị cô lập hơn nửa tháng ròng. Vượt lên những thử thách khắc nghiệt, ở vùng đất đầu sóng ngọn gió này, bao mối tình quân - dân vẫn nảy nở, đơm hoa kết trái ngọt lành.

Trung úy QNCN Nguyễn Văn Tuấn, quê xã Mỹ Cát (Phù Mỹ, Bình Định), y sĩ Đại đội hỗn hợp Đ30, Bộ CHQS tỉnh Bình Định, gắn bó với đảo Nhơn Châu từ năm 2006. Anh gặp chị Võ Thị Ngọc vào một ngày hè 2008, khi cùng đồng đội đến thăm nhà bác trưởng thôn (gia đình Ngọc) nơi đơn vị đóng quân. Trò chuyện, Tuấn được biết, Ngọc đang là công nhân may của một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, lâu lâu mới có dịp về thăm nhà. Vậy mà, ngay lần giáp mặt đầu tiên với Ngọc, Tuấn đã đặc biệt có cảm tình. Thời gian quen biết ngắn ngủi chỉ đủ để đôi bạn trẻ trao nhau địa chỉ liên lạc. Qua những cánh thư, tình yêu cứ thế lớn dần, để đến một ngày họ hứa hẹn chuyện trăm năm. Nhận lời cầu hôn của anh, chị về quê mở tiệm may tại nhà. Bây giờ, tổ ấm đơn sơ của anh chị đã có thêm một “nụ hoa xinh”, cháu Nguyễn Ngọc Anh Khoa. Mùa xuân này, Anh Khoa bước sang tuổi thứ ba.

Gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Văn Tuấn.

Ra quân rồi quay lại đảo ở rể là chuyện tình của Binh nhất Nguyễn Văn Tân, nguyên chiến sĩ Đại đội hỗn hợp Đ30. Chị Huỳnh Thị Mỹ Hiệp bồi hồi kể: “Anh Tân quê Nhơn An, thị xã An Nhơn (tỉnh Bình Định), tính lành, chân chất, chịu thương chịu khó. Chúng tôi quen nhau năm 2004, lúc anh đang tại ngũ ở đây. Biết tôi thương anh thiệt tình, nhưng cha mẹ thì rất băn khoăn, vì chưa tường nhà cửa anh ấy ra sao, hơn nữa hai đứa đều chưa có nghề nghiệp ổn định. Thấy tôi lo lắng, anh xin đơn vị cho đi tranh thủ, đưa tôi về giới thiệu với gia đình. Nhà anh ấy làm ruộng, cũng nghèo như nhà tôi. Ra quân anh bươn chải làm thợ hồ ở nhiều nơi. Hơn nửa năm lao động cật lực, anh dành dụm được chút tiền, quay ra đảo cưới tôi làm vợ”. Bây giờ, chị ở nhà làm nội trợ, anh làm thợ hồ trên đảo, hai con còn thơ, kinh tế chật vật, song họ luôn mãn nguyện vì đã có nhau trong đời.

Làm rể ở Nhơn Châu hơn hai chục năm có anh Lý Hòa Thuận, Phó trạm trưởng Trạm y tế xã, cựu quân nhân Đại đội Đ30. Nhập ngũ năm 1985, anh tình nguyện ra đảo khi vừa học xong lớp y sĩ. Ngày mới ra nhớ nhà, nhớ quê, nhớ đất liền da diết nhưng rồi công việc bận rộn cứ cuốn anh đi. Những năm 1985-1990, ở đảo mới chỉ có y tá, nên y sĩ Thuận được bà con yêu mến gọi là “bác sĩ bộ đội”. Đêm hôm mưa gió, đau nặng, đau nhẹ, có “bác sĩ Thuận” đến khám là yên tâm. Một tối nọ, có hai thiếu nữ đến đơn vị nhờ khám bệnh cho người anh trai bị sốt cao. Thăm khám xong, “bác sĩ Thuận” được gia chủ giữ lại hỏi chuyện ân cần. Kết quả,  Đặng Thị Thư, một trong hai cô gái trên đã trở thành một nửa của anh sau lần thăm khám ấy.

“Vợ tôi luôn là hậu phương vững chắc để tôi theo đuổi con đường binh nghiệp và gắn bó với đảo tiền tiêu này”-đó là tâm sự của Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Thắng, nhân viên cơ yếu Đồn Biên phòng 332 Nhơn Châu khi nói về người bạn đời Phạm Thị Bảy của mình. Chuyện tình của anh chị cũng trải qua những tháng ngày vất vả. Tuy vậy, họ đã vượt qua tất cả để cùng nhau xây dựng tổ ấm gia đình trên hòn đảo tiền tiêu này. Giờ đây, hai con của anh chị đã trưởng thành. Cháu lớn làm việc tại TP Hồ Chí Minh, còn cháu út đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn.

Thủy chung, mặn mòi như biển, tình yêu của những người lính đảo đã viết nên những bản tình ca đẹp, góp phần xây đắp xã đảo ngày càng phát triển...

 

Bài và ảnh: NGỌC DIỆP