Sáng 21-7, cạnh cây cầu Quảng Trị lịch sử, bên bờ sông Thạch Hãn trong xanh, lễ khánh thành đợt 1 trùng tu-tôn tạo Đài tưởng niệm tượng đài Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca đã diễn ra long trọng. Tham dự buổi lễ có Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Trưởng ban liên lạc CCB Sư đoàn 304, đồng chí Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, thân nhân gia đình liệt sĩ; đại biểu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, các tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ Sư đoàn 304, các đồng chí cựu chiến binh, các nhà tài trợ, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước .

Tại buổi lễ, đại tá Phạm Đức Thọ, Phó giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam đã giới thiệu chiến công của Trung đội anh hùng Mai Quốc Ca, chân thành cảm ơn sự nhiệt tình ủng hộ về tinh thần và vật chất của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước đã đóng góp 370 triệu đồng cho việc tôn tạo; chia sẻ và tỏ lòng biết ơn các thân nhân gia đình liệt sĩ đã sinh thành, nuôi dưỡng, cống hiến cho Đất nước những người con ưu tú, đã hy sinh vì độc lập - tự do của Tổ quốc.

Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cho biết “Cuộc vận động đã được Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng, nguyên phó Chính ủy Trung đoàn 9 đóng góp 5 triệu đồng. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 đóng góp 30 triệu đồng, Công ty mía đường Lam Sơn, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty Bia Thanh Hóa mỗi nơi ủng hộ 10 triệu đồng; UBND tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh Thanh Hóa, công ty Mai Linh mỗi nơi tặng 30 triệu đồng, bên cạnh đó là sự ủng hộ của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam, cựu chiến binh Sư đoàn 304... Cuộc vận động quyên góp còn tiếp tục để hoàn thành tôn tạo đợt 2 gồm sân vườn, tường rào...”.

Trong cuộc chiến đấu để giải phóng tỉnh Quảng Trị cách đây hơn 35 năm có chiến công bất tử của Trung đội Mai Quốc Ca. Thành tích của đơn vị đã đi vào thơ ca, nhạc họa, khắc nên tượng đài linh thiêng giữa lòng Tổ quốc.

Ngày 10-4-1972, trung đội Mai Quốc Ca thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 lập thành tích đặc biệt xuất sắc. Đơn vị đã táo bạo thọc sâu chiếm giữ cầu Quảng Trị, thực hiện chia cắt chiến dịch, tạo điều kiện để đại quân tiêu diệt tập đoàn quân sự mạnh nhất của địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch đã điều 3 tiểu đoàn dù, thủy quân lục chiến, có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ, liên tục phản công để giải tỏa chốt chia cắt của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Lực lượng địch đông hơn ta gấp bội. Dưới sự chỉ huy của đại đội phó Nguyễn Văn Tho và trung đội trưởng Mai Quốc Ca, trung đội đã ngoan cường chiến đấu suốt ngày 10-4-1972, đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt 125 tên, bắn cháy nhiều xe tăng, xe bọc thép. Trung đội Mai Quốc Ca có 20 đồng chí thì 19 người đã anh dũng hy sinh, một đồng chí bị thương nên bị địch bắt.

Trung đội Mai Quốc Ca trở thành tấm gương điển hình về tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, chiến đấu thông minh, sáng tạo, dũng cảm quên mình đạt hiệu suất cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần làm nên chiến thắng giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972.

Năm 1973, Trung đội Mai Quốc Ca được Nhà nước truy tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận địa danh cầu Quảng Trị là một di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia nằm trong cụm di tích lịch sử 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Để ghi nhớ công ơn các anh hùng-liệt sĩ trung đội Mai Quốc Ca, tại nơi các anh hy sinh, tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải đã xây dựng một đài tưởng niệm. Đây là công trình văn hóa có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao, được nhân dân trong và ngoài nước ghi nhận. Trải qua thời gian, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt của miền Trung, công trình tượng đài đã có nhiều hư hỏng, xuống cấp. Một điều làm mọi người day dứt nhất là hơn 30 năm qua, tên tuổi của 19 đồng chí hy sinh do điều kiện chiến tranh, đến nay chưa tìm được đầy đủ. Nguyện vọng của nhân dân Quảng Trị và cựu chiến binh Sư đoàn 304 là muốn trùng tu, tôn tạo đài tưởng niệm, tìm lại đầy đủ tên tuổi, quê quán và xây bia ghi danh cho xứng với tầm vóc chiến công và sự hy sinh của các anh.

Được sự đồng ý của Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Sư đoàn 304 tiến hành xác minh, tìm hiểu đầy đủ họ tên, quê quán của các anh hùng liệt sĩ, tổ chức một cuộc vận động quyên góp kinh phí để thực hiện việc trùng tu, tôn tạo Đài tưởng niệm.

Sau một thời gian thiết kế và thi công với tình cảm và trách nhiệm cao, đến nay, việc trùng tu, tôn tạo đợt 1 Đài tưởng niệm đã hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Mãi mãi không quên những người con trung hiếu đó là truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Các anh còn sống mãi trong lòng nhân dân Quảng Trị, nhân dân cả nước, là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn cho lớp lớp những thế hệ hôm nay và mai sau, viết tiếp những trang sử vàng truyền thống, động viên cổ vũ nhân dân và đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam để Tổ quốc ta ngày càng tươi đẹp hơn đúng như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

ĐOÀN THỊ LỢI