QĐND - Tôi đã được nghe nhiều về thành tích của Đại tá Nguyễn Bá Ngọc, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1). Thế nhưng khi ngồi đối diện với anh để tìm hiểu về bí quyết đạt được kết quả trên, anh lại dành nhiều thời gian nói về “một nửa” của đời mình. Những tâm sự, sẻ chia của người lính gần 30 năm dạn dày sương gió cho tôi thêm hiểu về sức mạnh của “hậu phương” đã giúp anh vững vàng nơi “tiền tuyến”; nhiều năm liền anh là Chiến sĩ thi đua và là một trong “100 cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp toàn quân năm 2013.
 |
Mẹ chồng luôn đồng cảm, sẻ chia và là chỗ dựa của chị Loan trong cuộc sống.
|
Chị Lê Thị Loan, vợ anh, vốn là bạn thân thời học phổ thông. Tốt nghiệp THPT, Nguyễn Bá Ngọc trở thành học viên Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp, Lê Thị Loan trở thành sinh viên trường y. Những cánh thư đi, thư lại trở thành sợi dây vun đắp tình cảm của đôi bạn trẻ. Ra trường, Nguyễn Bá Ngọc nhận nhiệm vụ công tác ở Trường Sa. Hôm chia tay, anh dặn: “Mình đi công tác xa nhà, Loan thường xuyên sang chăm sóc, động viên bố mẹ giúp mình nhé!”.
Thời gian và khoảng cách càng làm cho tình cảm của hai người thêm gắn bó. Ba năm công tác ở đảo, anh Ngọc được tranh thủ về phép. Và một đám cưới giản dị, nhưng ấm cúng diễn ra trong sự mừng vui của hai bên gia đình, bà con làng xóm và bạn bè. Ngày đón nhận tin vui được làm cha cũng là lúc anh quay trở lại đảo công tác. Những lá thư mang tình yêu, nỗi nhớ, sự động viên của chị và anh viết cho nhau trở thành sức mạnh giúp chị Loan ở nhà vượt qua những khó khăn, vất vả cuộc sống thường nhật, tiếp thêm động lực cho anh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Khi con trai Nguyễn Minh Sơn tròn 3 tháng tuổi, hai cha con mới lần đầu gặp nhau và đó cũng là thời điểm anh nhận công tác về Lữ đoàn Xe tăng 202 (Quân đoàn 1). “Lúc đó, tôi nghĩ thật đơn giản, công tác ở đất liền anh ấy sẽ có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Vậy mà khi sinh con trai thứ hai, bên cạnh tôi cũng chỉ có bố mẹ chồng và người thân. Nhìn sang bạn bè, lắm lúc cũng tủi thân, nhưng rồi tôi lại nghĩ đến tình yêu của anh dành cho gia đình, trách nhiệm của anh với công việc, cộng thêm sự động viên của bố mẹ chồng, làm tôi lại thấy mình phải mạnh mẽ hơn”-chị Loan bộc bạch.
Hiểu và chia sẻ với công việc của anh, chị chấp nhận lui về làm “hậu phương” thay anh quán xuyến việc gia đình, chăm sóc bố mẹ già, bảo ban các con học hành để anh yên tâm công tác. Thương bố mẹ, nghe lời ông bà, hai cháu luôn chăm chỉ học hành, giành kết quả cao trong học tập và là niềm tự hào của anh chị.
Đến bây giờ, thời gian anh dành cho chị và gia đình vẫn thật ít ỏi, nhưng với anh chị, điều đó không quan trọng, bởi cả hai luôn nhận được sự chia sẻ, đồng cảm, động viên, khích lệ từ nhau, mà như lời tâm sự của anh: “Tôi may mắn vì có “một nửa” đảm đang, thấu hiểu và thông cảm với công việc của chồng. Những thành tích của tôi có công lớn của bà xã và các con”.
Bài và ảnh: KIM ANH