Tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội, ở khu trưng bày hiện vật công tác bảo đảm hậu cần trong kháng chiến chống Pháp có một chiếc quạt hòm được đóng bằng gỗ rừng, thiết kế khá độc đáo. Chiếc quạt giống như một cái hòm, dài 2,2m, cao 1,38m, rộng 0,6m. Phần đuôi hình bầu tròn đường kính 0,45m, ở giữa có cánh quạt tạo gió, bên ngoài là tay quay bằng sắt.
Ông Ma Tiến Được (nguyên bác sĩ bệnh viện Định Hóa, Thái Nguyên) cho biết, chiếc quạt ấy là kỷ vật mà bố mẹ ông (Cụ Ma Tiến Đá và cụ bà Nông Thị Tích) để lại.
Cụ Ma Tiến Đá sinh năm 1885, tại thôn Nạ Mao, xã Thanh Định (Định Hóa, Thái Nguyên). Trong kháng chiến chống Pháp, cụ tham gia du kích xã, làm nhiệm vụ đưa đón, giúp đỡ cán bộ cách mạng về hoạt động tại địa phương. Nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có đồng chí Văn Tiến Dũng (sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã quá cố) sống và làm việc tại gia đình cụ từ năm 1947 đến 1950.
 |
Chiếc quạt hòm của cụ Ma Tiến Đá, trưng bày tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội. Ảnh do Bảo tàng Hậu cần Quân đội cung cấp.
|
Để phục vụ công việc nuôi dưỡng cán bộ, cụ Ma Tiến Đá đã dùng gỗ vườn nhà, đóng một chiếc quạt hòm để quạt thóc và quạt cho các đồng chí cán bộ làm việc cũng như nghỉ ngơi khi thời tiết nóng nực.
Năm 1950, đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (Tiền thân của Tổng cục Hậu cần ngày nay) và các đồng chí trong cơ quan Tổng cục chuyển vị trí làm việc đến cạnh nhà cụ Đá. Cụ đã cùng với hai đồng chí bộ đội bí mật đào một căn hầm để đồng chí Trần Đăng Ninh ở và hoạt động. Thời điểm ấy, đồng chí Trần Đăng Ninh bị ốm. Cụ Đá liền dùng chiếc quạt hòm để đẩy không khí qua đường hầm ra cửa thông gió, tạo sự thoáng mát cho căn hầm, giúp đồng chí Trần Đăng Ninh đỡ đau đớn, đồng thời để các đồng chí cơ quan ngồi làm việc cũng được dễ chịu.
Chiếc quạt hòm mộc mạc đã cùng với gia đình cụ Ma Tiến Đá và nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng góp phần vào phong trào toàn dân làm công tác hậu cần phục vụ kháng chiến.
PHẠM XƯỞNG