Gần chục năm về trước, mẹ tôi trồng cây mít với tâm niệm, nhà ngói, sân gạch, cây mít là một trong những nét đặc trưng của thôn quê, nhắc nhở con cháu dù đi đâu cũng luôn nhớ về nơi mình sinh ra. Cây mít lớn rất nhanh, hơn ba năm đã bói quả. Khi vỏ quả mít ngả màu sẫm, gai mít giãn ra dẹt lại, vỗ vào thân quả, tiếng kêu phát ra bồm bộp, mẹ bảo mít đã chín. Mẹ cắt cuống, mang mít để ở sân chờ ráo nhựa, cho vào cái thúng và cất cẩn thận trong buồng tối.

Tôi là bộ đội đóng quân tại Bắc Giang, cách quê gần 100 cây số. Gia đình nhỏ của tôi sống ở thành phố Bắc Giang. Sau vài tháng ở đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống đại dịch Covid-19, được cấp trên cho nghỉ phép, tôi đưa vợ con về quê thăm mẹ.

Chiều tối, hai đứa nhỏ giục bà nội bổ mít. Thấy bà vào buồng, chúng cười khoái chí, con chị đi bẻ lá chuối, đứa em đi vặt lá mướp. Tàu lá chuối được trải ra, bà cắt đôi quả mít theo chiều ngang, lấy lá mướp lau sạch nhựa, rồi chia thành các miếng nhỏ. Bọn trẻ nhanh tay tách từng múi, ăn ngon lành. Ăn xong, bàn tay dính đầy nhựa, chúng lại ríu rít vào trong nhà tìm chum gạo, thọc tay vào, xoa lấy xoa để cho bằng hết nhựa mít thì thôi. Lúc ăn mít, lũ trẻ không quên để lại hạt, buổi tối bà lại luộc cho ăn, vừa thưởng thức vị hạt mít bùi bùi, vừa nghe bà kể chuyện cổ tích.

Và khi cả gia đình nhỏ của chúng tôi trở về thị trấn, thế nào mẹ cũng dành cho một quả mít, bắt chúng tôi mang theo. Thời gian thấm thoắt trôi. Sống ở nơi thành thị ồn ào, tấp nập, chợ phố có đủ thứ hoa quả nhìn bắt mắt, nhưng tôi vẫn nao lòng nhớ về cây mít góc vườn-nơi đó có hình dáng tảo tần của mẹ tháng ngày ngóng đứa con xa…

ĐỖ DANH HANH