Cha tôi kể rằng, thời còn trẻ, cha đi nghĩa vụ quân sự và đóng quân ở tỉnh Thái Nguyên. Ngày đó, cha “mê” cây khế chua của một gia đình kinh doanh hàng tạp hóa gần doanh trại, quả to, mọng, sai lúc lỉu bám từng chùm trên cây, khi ăn có vị chua thanh nhẹ nhàng. Mỗi khi được nghỉ tranh thủ ra ngoài doanh trại, bao giờ cha tôi cũng ghé xin mấy quả khế mang về. Và rồi, khi chuẩn bị ra quân, cha tôi đã nài nỉ chủ nhân của cây khế chiết cho một cành mang về trồng.

Ngày ra quân, ngoài chiếc ba lô gói ghém ít quân tư trang gọn nhẹ, cha mang theo cây khế giống về trồng ngay bên bờ ao trong khu vườn nhà. Ngày mẹ về làm dâu con trong nhà thì cây khế đã bắt đầu bói quả. Nhìn những quả khế to, chín vàng óng ả ai cũng thèm tới ứa nước miếng. Giai đoạn mẹ thai nghén, rất thèm vị chua và những quả khế trên cây cha chồng là món “khoái khẩu” nhất của mẹ.

Năm tháng qua đi, tôi được sinh ra, rồi lớn lên, cây khế chua cũng ngày một vươn cao, cành lá xum xuê, quả nhiều vô kể. Thèm ăn những trái khế, tôi thường dùng gậy dài để chọc quả cho rụng xuống. Quả khế có nhiều tác dụng: Mẹ tôi còn để dùng nấu canh chua hay kho cùng tép đồng, ăn ngon tuyệt. Nhà tôi có một thói quen, mỗi dịp tết đến, ngoài bánh, mứt, kẹo còn có thêm đĩa mứt khế ngào đường để đặt lên bàn thờ tiên tổ.

Lớn lên, tôi xa quê nhà lên thành phố học tập, rồi ở lại lập nghiệp. Theo quy luật của tự nhiên, cha tôi già đi, sức khỏe yếu dần và rồi, đến một ngày ông trở về với tiên tổ sau một cơn bạo bệnh. Giờ đây, mỗi khi về quê, khi nhìn cây khế ngoài vườn tốt tươi, sai trĩu quả, tôi luôn thấy bóng hình cha ở đó...

NGUYỄN THỊ LOAN