Đi qua ranh giới của sinh tử, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, bị tra tấn mang trong mình thương tật, đau đớn về thể xác, tinh thần năm xưa vẫn tiếp tục nêu cao phẩm cao quý, chất kiên trung của người cộng sản, đóng góp công sức xây dựng Thủ đô, đất nước. 

Kiên trung trong chốn lao tù

Lao tù của đế quốc, thực dân với mọi cực hình tra tấn dã man, tàn ác; những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đã không làm nao núng tinh thần, nhụt ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Trái lại, các đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, tìm mọi cách trốn tù để tiếp tục hoạt động cách mạng. 

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, lão thành cách mạng, Trưởng ban đại diện Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội, đảng viên Chi bộ 16A, Đảng bộ phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, năm nay đã ở tuổi 103, độ tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn hào sảng khi nhắc lại những tháng ngày hoạt động cách mạng, quá trình bị địch giam cầm và hành trình vượt ngục gan dạ của mình – tất cả vì hai tiếng “hòa bình” cho dân tộc.

“Mồ côi từ lúc 7 tuổi, tôi đã chọn con đường tham gia cách mạng mặc dù biết là vô cùng nguy hiểm bởi sẽ có thể bị bắt, tù đày thậm chí là hy sinh. Tôi mong muốn được thoát khỏi cuộc đời nô lệ, tìm được một con đường đi đúng đắn trong cuộc đời mình, chia sẻ hạnh phúc này trong hạnh phúc chung của dân tộc”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương chậm rãi kể lại. 

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban đại diện Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội.

Trong thời gian từ 18 đến 20 tuổi, ông bị địch bắt, tù đày 3 lần. Sau đó, ông được giác ngộ, tham gia phong trào cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, chịu gian khổ song vẫn quyết tâm cùng đồng chí, đồng đội tham gia giành chính quyền tại quê nhà Quảng Nam. 

“Hình ảnh về con người yêu nước, thương dân, kiên trung với cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu vào tâm trí của tôi. Tôi may mắn được gặp Người hai lần và được chứng kiến những việc làm ân cần của Người với cán bộ, chiến sĩ. Bản lĩnh và tư tưởng cách mạng của Người chính là động lực giúp tôi, một thanh niên khi ấy chỉ 17 tuổi gắn bó với cách mạng cho tới bây giờ”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nói.  

Trong suốt thời gian ở tù, tôi luôn nung nấu ý định vượt ngục, tìm về với cách mạng bởi mục tiêu duy nhất: “Phải trở về vì cách mạng cần”.

“Bản lĩnh và tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là động lực giúp tôi, một thanh niên khi ấy chỉ 17 tuổi gắn bó với cách mạng cho tới bây giờ”.

- Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban đại diện Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội


leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Tiến Hà, nguyên Trưởng ban Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò.

Bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò từ tháng 6-1950 đến cuối năm 1952, ông Nguyễn Tiến Hà, nguyên Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội khi ấy là chàng thanh niên yêu nước 21 tuổi, đã phải trải qua những ngày tháng gian khổ, chịu cực hình cả về thể xác lẫn tinh thần. Tuy bị địch tra tấn chết đi sống lại nhiều lần nhưng ông vẫn một lòng kiên trung với Đảng và Tổ quốc, nhất mực không khai, bởi lẽ: “Với nhiệm vụ của Đảng, của tổ chức, mình phải thật kiên định và giữ vững lập trường”. 

Chịu quá nhiều hình thức tra tấn tàn độc nhưng ông đã được chính những người đồng đội của mình chăm sóc, cứu sống, sức khỏe đã dần hồi phục. Từ đó, ông tiếp tục nung nấu ý chí, khát vọng tham gia cách mạng, mang về độc lập, tự do cho dân tộc. 

“Với nhiệm vụ của Đảng, của tổ chức, mình phải thật kiên định và giữ vững lập trường”.

- Ông Nguyễn Tiến Hà, nguyên Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội

 

leftcenterrightdel
 Người tù làm lao dịch dưới đòn roi của cai ngục (tranh vẽ).

Rõ ràng, ngục tù tối tăm, lạnh lẽo không thể ngăn cản tinh thần yêu nước của những người tù chính trị. Vượt qua những năm tháng tù đày gian khổ, họ đã anh dũng cùng với quân, dân cả nước chiến đấu, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tạo tiền đề quan trọng để tiến về giải phóng Thủ đô, chấm dứt vĩnh viễn sự đô hộ của thực dân Pháp.

leftcenterrightdel
 Hai cửa cống ngầm, nơi các chiến sĩ cách mạng vượt ngục.

Bình dị, gương mẫu giữa đời thường

Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao đã có những năm tháng chiến đấu trong lòng địch thật oai hùng. Đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất, Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày khi trở về với đời thường, với Hà Nội, vẫn luôn giữ được phẩm chất của người cộng sản, nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương, tiếp tục có những đóng góp cho Ðảng, cho đất nước và cho Thủ đô. 

Ông Nguyễn Tiến Hà từ một giáo viên dạy “bình dân học vụ” năm xưa sau đó đã trở thành Tổng Thư ký Hội Học sinh, sinh viên Việt Nam và sau này là chuyên viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đem hết tình cảm, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho cách mạng, cho nền giáo dục nước nhà. Ông còn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Năm 1991, sau khi về nghỉ hưu, thấy mình vẫn còn đủ sức khỏe, ông Nguyễn Tiến Hà lại hăng hái tham gia vào công việc tại khu dân cư mà gia đình ông đang sống. Ông là người đầu tiên gây dựng nên Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò - ngôi nhà chung đầy tình nghĩa, nơi giao lưu tình cảm của những người bạn tù năm xưa.

Tại Chi bộ Tổ dân phố số 2 phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, người đảng viên đã 76 năm tuổi Đảng, 95 năm tuổi đời và là người bí thư chi bộ của “Tổ chức bên trong” năm ấy vẫn cần mẫn tham gia sinh hoạt Đảng rất đều đặn, nghiêm túc, không bỏ sót một cuộc họp nào.

Đã nhiều năm gần đây, vào các buổi sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, nhiều người dân đã rất quen với hình ảnh người đảng viên lão thành Nguyễn Tiến Hà đi xe gần chục cây số đến nhà văn hóa tổ phố để tham dự sinh hoạt, bất kể thời tiết mưa, nắng hay rét mướt. Đã không ít lần có người hỏi: "Tuổi cao rồi, sao ông không xin nghỉ sinh hoạt?". Đồng chí Nguyễn Tiến Hà ôn tồn trả lời bằng lời hứa trước cờ Đảng 80 năm về trước: “Nguyện phấn đấu, hy sinh đến hơi thở cuối cùng”.

Chị Đinh Thị Hải, Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 2, Đảng bộ phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, nơi ông Nguyễn Tiến Hà đang sinh hoạt Đảng, dù tiếp xúc chưa được nhiều song cũng không khỏi nể phục khi nhắc đến ông. Chị kể, dù ông Nguyễn Tiến Hà đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng lần nào họp chi bộ, ông cũng là người đến sớm nhất, rồi ông chọn một chỗ ngồi không phiền đến ai, sau đó chăm chú lắng nghe thông tin trong cuộc họp.

“Trong các buổi sinh hoạt, ông còn đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, kịp thời. Chúng tôi vẫn thường xuyên thăm hỏi và lắng nghe, vận dụng những lời chỉ bảo, dạy dỗ của người đảng viên cao tuổi, đáng kính này để tiếp tục hoàn thiện mình, tiếp bước truyền thống, xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh”, chị Đinh Thị Hải chia sẻ với chúng tôi.

leftcenterrightdel
Các đồng chí từng là cựu tù chính trị và các đại biểu tham quan di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: kinhtedothi.vn  

Cũng với 80 năm tuổi Đảng, từng tham gia hai khóa làm bí thư chi bộ ở khu dân cư, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương vẫn luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua của khu phố, trở thành tấm gương sáng cho gia đình, làng xóm và bà con noi theo.

Lớn lên tại khu tập thể Lý Nam Đế từ nhỏ, đến nay đã 66 tuổi, cô Mạc Thu Hương, nguyên Bí thư chi bộ Khu 16A Lý Nam Đế, Đảng bộ phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, luôn coi Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương như người cha thứ hai của mình và giữ mãi nhiều kỷ niệm không thể nào quên về vị tướng già đáng kính này.

Giản dị và chân thành – đó là hai từ và cũng là phẩm chất đáng quý mà cô nhận xét về người cha thứ hai của mình. “Trong các cuộc họp với bà con ở khu dân cư, bác luôn nhắc nhở rằng: Ở khu dân cư mình không có đúng, không có sai, chỉ có là tình đồng bào, nghĩa đồng bào, cái trân quý với nhau mà thôi!”, cô Mạc Thu Hương nhắc về Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.

Cô Mạc Thu Hương còn cho biết, tuy bây giờ đã hơn 100 tuổi nhưng mỗi khi gặp ai, từ người già, đến trẻ con, ông đều dừng lại hỏi thăm rất ân cần. Toát lên ở ông là phong thái ung dung, giản dị và quá đỗi chân thành.

Chia sẻ về mình, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương cho biết, những thành tựu mà sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đem lại hôm nay càng cho thấy lựa chọn tin theo Đảng và Bác Hồ 80 năm của bản thân ông là hoàn toàn đúng đắn.

“Còn ngày nào sống ở trên đời sẽ nguyện tin tưởng theo lý tưởng của Đảng, phấn đấu hết sức đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng Thủ đô và đất nước!”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương nhấn mạnh.

“Còn ngày nào sống ở trên đời sẽ nguyện tin tưởng theo lý tưởng của Đảng, phấn đấu hết sức đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng Thủ đô và đất nước”.

- Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban đại diện Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội

 

Biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng

Tại buổi gặp mặt đại diện các Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 diễn ra vào tháng 8 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội đã xúc động khẳng định: Trải qua quá trình hoạt động cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, các bác, các đồng chí Ban liên lạc Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội đã kiên trung, bất khuất, không khuất phục trước những thủ đoạn chiến tranh tâm lý và đòn tra tấn tàn bạo, luôn giữ vững ý chí, sử dụng nhiều hình thức đấu tranh phù hợp, biến nhà tù thành trường học cách mạng cộng sản, thành lập các tổ chức Đảng, đoàn, hội đồng hương, tổ chức các hoạt động văn nghệ, giáo dục đạo đức cách mạng, học Di chúc của Bác ngay trong trại giam...

“Các bác, các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nhiều bác đã được ghi danh trong các trang sử vẻ vang, không chỉ của Thủ đô Hà Nội, các địa phương nơi có trại giam, mà còn của cả dân tộc”, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến: Các bác, các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nhiều bác đã được ghi danh trong các trang sử vẻ vang, không chỉ của Thủ đô Hà Nội, các địa phương nơi có trại giam, mà còn của cả dân tộc. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Cùng với đó, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đánh giá rằng, trong tâm thế của người chiến thắng trở về, các bác, các đồng chí tiếp tục tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

Dù ở hoàn cảnh, nhiệm vụ nào, các bác luôn giữ vững bản lĩnh chính trị của người đảng viên cộng sản, gương mẫu trong công tác, lao động, sản xuất và sinh hoạt ở địa phương và luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.

“Trong mỗi bước phát triển của Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn khắc ghi và trân trọng những công lao đóng góp, hy sinh của các bác, các đồng chí cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, xây dựng, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc”, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.

“Các bác, các đồng chí là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nhiều bác đã được ghi danh trong các trang sử vẻ vang, không chỉ của Thủ đô Hà Nội, các địa phương nơi có trại giam, mà còn của cả dân tộc”.

- Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến 

Có thể khẳng định, những tháng ngày “nếm mật nằm gai” nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan để sống và chiến đấu hết mình của những chiến sĩ kiên trung như Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nhân chứng lịch sử Nguyễn Tiến Hà… luôn là một phần ký ức của lịch sử dân tộc, là niềm tự hào, động lực cho các thế hệ xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước.

LỆ HUYỀN – NGUYÊN THẢO – THU THỦY