Đây là một điểm rất mới trong dự thảo Báo cáo chính trị lần này so với các báo cáo chính trị của các kỳ đại hội trước, khẳng định vai trò quan trọng của lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh. Điều đó cho thấy, Đảng ta đã ngày càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò của lý luận cách mạng nói chung, vai trò của lý luận quốc phòng, quân sự, an ninh nói riêng.
Tuy nhiên, trong dự thảo Báo cáo chính trị chỉ đề cập đến vấn đề tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh. Điều đó là đúng, nhưng chưa thật đầy đủ. Bởi lẽ, lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực tiễn công cuộc đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong những thập kỷ vừa qua, nhất là thực tiễn tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đòi hỏi không chỉ phải nghiên cứu, phát triển lý luận về quốc phòng, quân sự, an ninh, mà còn phải nghiên cứu lý luận về bảo vệ Tổ quốc, nhất là lý luận về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Có thể khẳng định rằng, công cuộc bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới đang và sẽ đặt ra rất nhiều vấn đề mà lý luận về bảo vệ Tổ quốc cần phải đi sâu nghiên cứu, làm rõ hơn. Chẳng hạn như: Bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước tác động đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; mục tiêu, nội dung, phương thức, lực lượng, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo vệ Tổ quốc bằng phương thức vũ trang và phương thức phi vũ trang, phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ lúc nước chưa nguy”; quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới...
Mặt khác, dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập đến việc tiếp tục nghiên cứu lý luận nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Điều đó là đúng, nhưng chưa thật đầy đủ. Bởi lẽ, không chỉ phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về nghệ thuật quân sự, mà còn phải tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về kỹ thuật quân sự, lý luận về xã hội và nhân văn quân sự, lý luận về y-dược học quân sự theo quan niệm về khoa học quân sự. Tương tự như vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận an ninh cũng cần phải được quan niệm đầy đủ hơn theo quan niệm về khoa học an ninh.
Vì vậy, cần bổ sung thêm cụm từ “về bảo vệ Tổ quốc” vào trước cụm từ “về quốc phòng, quân sự, an ninh”; thay cụm từ “nghệ thuật quân sự” bằng cụm từ “nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự”; thay cụm từ “nghệ thuật” bằng cụm từ “khoa học an ninh”.
Như vậy, mệnh đề này sẽ được diễn đạt đầy đủ hơn như sau: “Tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh; nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, khoa học an ninh, nhất là khoa học bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới”.
Để tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh, về khoa học quân sự, khoa học an ninh, nhất là khoa học bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới, cần quan tâm giải quyết tốt một số vấn đề sau đây:
Tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong nghiên cứu, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, khoa học an ninh trong tình hình mới.
Cần xác định chương trình, kế hoạch, nội dung, hình thức, biện pháp nghiên cứu, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, khoa học an ninh trong tình hình mới phù hợp với mỗi tổ chức, mỗi lực lượng trong từng yêu cầu, nhiệm vụ, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.
Quan tâm nghiên cứu, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, khoa học an ninh trong tình hình mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn vận dụng lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh, khoa học quân sự, khoa học an ninh trong những năm qua.
Quan tâm xây dựng các cơ quan nghiên cứu, nhất là các cơ quan chiến lược, các học viện, nhà trường, các viện nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng lực lượng nghiên cứu, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, khoa học an ninh trong tình hình mới.
Tăng cường phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, các lực lượng trong nghiên cứu, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, khoa học an ninh trong tình hình mới.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, thường xuyên bảo đảm thông tin, tư liệu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, quân sự, an ninh, nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, khoa học an ninh trong tình hình mới.
Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG (Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng)