Đặc biệt, với thách thức chưa từng có của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020, các hoạt động đối ngoại vẫn được thực hiện một cách sáng tạo, vừa thích ứng với tình hình mới, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, vì lợi ích quốc gia-dân tộc.

Từ “A lô... thế giới”...

Nổi bật lên trong những năm gần đây, hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển có những bước tiến quan trọng về chủ trương, chính sách cũng như triển khai trên thực tiễn. Cùng với quốc phòng và an ninh, các hoạt động này đã củng cố môi trường hòa bình, ổn định, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, mạng lưới các mối quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện tiếp tục được củng cố, mở rộng, quan hệ với các nước từng bước đi vào chiều sâu, đan xen lợi ích được tăng cường. Việt Nam đã ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân được triển khai tích cực... Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 khi chúng ta được bầu với số phiếu gần như tuyệt đối.

Thế nhưng, bỗng dưng đại dịch Covid-19 ập đến khiến Việt Nam phải “chống dịch như chống giặc” rồi vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trong khi nhiệm vụ hội nhập vẫn là một ưu tiên và trong khó khăn càng phải chứng tỏ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong khi các nước thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội thì chủ đề “gắn kết và chủ động thích ứng” mà Việt Nam đưa ra cho năm ASEAN 2020 lại trở thành một “thương hiệu” mạnh. Sự chủ động thích ứng thể hiện ngay từ ngày 19-2 tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN ở Hà Nội dưới sự điều hành của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khi đã ra Tuyên bố chung về Hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh. Tiếp đó, Việt Nam đã không chỉ gắn kết các thành viên ASEAN bằng các cuộc họp trực tuyến để đi tới đồng thuận về những vấn đề của khối mà còn thể hiện vai trò tích cực của mình khi đảm nhiệm vai trò thành viên không thường trực HĐBA LHQ.

Phần lớn các hoạt động đối ngoại của Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay đều thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Tuy vậy, quan điểm của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực được kịp thời truyền tải, lắng nghe và tôn trọng. Tháng 1-2020, Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐBA LHQ, chúng ta đã có những thành công lớn, đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và phương châm đề ra trong Đề án tổng thể tham gia HĐBA LHQ đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Lãnh đạo LHQ và các nước bày tỏ chúc mừng việc Việt Nam điều hành công việc HĐBA LHQ một cách chuyên nghiệp, minh bạch, có tham vấn rộng rãi. Hơn thế, khi đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội hơn, Việt Nam không chỉ là một điểm sáng về chống dịch mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các nước chống dịch. Nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 đã được Việt Nam gửi tặng các nước láng giềng và các nước đối tác có nhu cầu ngay khi chính Việt Nam còn đang khó khăn. Những hoạt động như vậy vẫn tiếp tục được giới truyền thông toàn cầu ca ngợi. Như vậy, không chỉ dừng lại ở các hoạt động điện đàm trực tuyến hay còn gọi là "A lô... thế giới", Việt Nam còn có những hành động thiết thực ngay lúc Covid-19 diễn biến phức tạp để vừa tự phòng, chống dịch trong nước, vừa hỗ trợ bạn bè quốc tế.

Tiếp bước những thành công trong ngoại giao, hội nhập theo nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng gần đây, bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc vai trò thành viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, dấu ấn của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 đã được thế giới ghi nhận khi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan khép lại tuần qua. Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Giáo sư Yeah Kim Leng, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu kinh tế tại Viện Jeffrey Cheah về Đông Nam Á, thuộc Đại học Sunway (Malaysia), cho rằng 2020 là năm thách thức nhất đối với tất cả các quốc gia khi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe toàn cầu chưa từng có tiền lệ. Ông nhấn mạnh dưới sự chủ trì của Việt Nam, ASEAN tiếp tục tiến lên như một tổ chức gắn kết, tăng cường hợp tác ứng phó với nhiều thách thức mà khu vực đang đối mặt. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, nhiều sáng kiến được triển khai mà điển hình là việc kết thúc quá trình đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

... tới những chuyến thăm hữu nghị

Việt Nam tiếp tục chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Chính điều này cũng trở thành sức hút để các đối tác chủ động gắn kết hơn với Việt Nam. Khi Việt Nam cơ bản khống chế thành công dịch Covid-19, nhiều hoạt động đối ngoại đã được khôi phục trên thực địa. Lễ kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước biên giới đất liền và 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc đã diễn ra sáng 23-8 tại cầu Bắc Luân II thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam)-Đông Hưng (Trung Quốc) với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Anh... cũng sang thăm chính thức Việt Nam trong tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua. Ngoại trưởng Mỹ cũng có chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam chỉ vài ngày trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra. Đặc biệt, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide mới đây đã chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên ông tới thăm sau khi nhậm chức thủ tướng. Các cuộc hội đàm, hội kiến của các đoàn hay đơn giản là hình ảnh Thủ tướng Suga Yoshihide đi dạo bên Hồ Gươm đã cho thấy một Việt Nam hấp dẫn, thanh bình, mến khách và được cộng đồng quốc tế tin cậy.

Việt Nam đã có những bước tiến dài trên chặng đường hội nhập với những thành công đáng khích lệ. Các hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng thực sự đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, cùng có lợi. Hướng tới Đại hội XIII của Đảng, thích ứng năng động trước tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; không ngừng nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào các công việc nội bộ, xâm phạm độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982.

NGỌC HƯNG