Trong hành trình văn hóa Việt Nam, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta, thời kỳ nào cũng có những điều kỳ diệu nối tiếp nhau mà làm nên nền tảng tinh thần dân tộc. Năm 2020, cả thế giới quặn mình trong đại dịch Covid-19, Việt Nam ngay sát trung tâm dịch nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong cộng đồng quốc tế về một hình mẫu chống dịch thành công mà trong đó văn hóa nổi lên như là yếu tố hàng đầu.

TS Nguyễn Viết Chức.

Quả thật vậy! Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra lời hiệu triệu toàn dân chống dịch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh: Chống dịch như chống giặc! Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các y sĩ, bác sĩ làm việc xuyên Tết, xuyên đêm chống dịch. Một cụ già cần được chăm sóc lại sẵn sàng may khẩu trang, ủng hộ tiền chắt bóp nhiều năm để chống dịch. Một cháu bé đập “lợn tiết kiệm”, một nhóm sinh viên chế tạo robot, cây ATM nước sát khuẩn đặt nơi công cộng... Không khí cả nước vào cuộc “chống dịch như chống giặc” có lẽ không phải nơi nào trên thế giới cũng có! Người Việt Nam ở hải ngoại cũng thể hiện rõ nét văn hóa Việt khi may khẩu trang, chuẩn bị các suất ăn chia sẻ với cộng đồng trong mùa dịch! Phải chăng cái văn hóa trên dưới một lòng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, cái tinh thần “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, cái đạo lý “thương người như thể thương thân”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cái niềm tin “thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”... đã gắn kết cả cộng đồng triệu người như một, thành “làn sóng" cuốn phăng mọi trở lực, nhấn chìm mọi kẻ thù, kết tinh lại thành truyền thống văn hóa Việt Nam mà làm nên chiến thắng.

Thật là “trong họa có phúc”! Đại họa Covid-19 lại là dịp thử thách và kiểm chứng chân thực nhất nền tảng và sức mạnh văn hóa Việt Nam. Nó làm cho chúng ta vững tin rằng bản sắc văn hóa đang được giữ gìn trong trái tim mỗi người Việt Nam. Và mỗi khi cần, tài sản văn hóa quý báu đó lại thể hiện sức mạnh vô địch của nó. Và khi chiến thắng, nó vẫn khiêm nhường: Việt Nam ơi! Cố lên! Khiêm nhường và thấu hiểu còn phải cố gắng nhiều lắm. Văn hóa Việt Nam là vậy! Con người Việt Nam là vậy! Dẫu đây đó còn bao chuyện đắng lòng, ông này tham nhũng, lãng phí đến cả nghìn tỷ đồng, kẻ kia lừa đảo, giết người man rợ... rồi tham nhũng vặt, rồi mê tín dị đoan, cờ bạc, mãi dâm... nhưng qua việc "chống dịch như chống giặc" ở Việt Nam và tình hình đại dịch diễn ra trên thế giới, chúng ta có đủ niềm tin để đồng tình với đánh giá ngắn gọn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về văn hóa: "Phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi trội".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là nhà chính trị, nhà văn hóa có cách nói khiêm nhường và hết sức sâu sắc. Cái văn hóa toát lên trong bài viết của ông là bản lĩnh, là niềm tin và khát vọng vào một tương lai tươi sáng của dân tộc. Ông tin vào nhân dân, tin vào Đảng với nền tảng nhận thức sâu sắc về truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng Việt Nam. Ông khơi dậy ý chí quyết tâm hành động của mỗi cán bộ, đảng viên cùng toàn quân, toàn dân ta xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mở rộng dân chủ, đẩy lùi tham nhũng, lạm quyền, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bài viết đi vào nhiều vấn đề có tính chiến lược của thời kỳ mới nhưng dung dị và thiết thực, có tính hiệu triệu, khích lệ, tự hào và cũng hết sức khiêm nhường: Việt Nam ơi! Cố lên!

Đúng vậy! Chúng ta còn cần phải cố gắng nhiều lắm mới thoát tụt hậu để sánh vai với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. "Việt Nam ơi! Cố lên!" vừa là khát vọng, vừa là niềm tin có nền tảng là văn hóa tinh thần dân tộc! Lịch sử Việt Nam đã nhiều lần làm nên những điều thần kỳ tưởng như không thể. Truyền thống Việt Nam là vậy! Văn hóa và con người Việt Nam là vậy! Đó là nền tảng vững chắc để chúng ta có thể tin rằng, đại hội đảng kỳ này “chắc chắn cũng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước”. Việt Nam nhất định nhịp bước phát triển cùng cộng đồng quốc tế với tương lai tươi sáng của một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

* GS, TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: Đào tạo nhân lực chất lượng cao trong xã hội chuyển đổi số

Trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đăng Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1-9, có đề cập tới vấn đề “tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ giáo dục và đào tạo”. Tôi đồng tình và có ý kiến như sau:

GS, TS Phạm Tất Dong.

Chương trình xã hội chuyển đổi số là sự tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội với tầm nhìn chiến lược của Đảng trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) phát huy tác dụng đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia... là những văn kiện quan trọng mà việc thực hiện không nghiêm chỉnh, không triệt để sẽ đẩy chúng ta đối diện với nguy cơ tụt hậu trước sự phát triển như vũ bão của thế giới hiện đại.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia hướng đến một Chính phủ số, một nền kinh tế số và một xã hội số trên cơ sở phát triển nhanh và bền vững khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao. Cả 3 cơ sở này đều phụ thuộc vào một nền giáo dục hiện đại, đòi hỏi phải chuyển nền giáo dục đóng kín theo kiểu truyền thống sang một nền giáo dục điện tử, nhà trường số hóa và những lớp học thông minh.

Sự chuyển đổi đó đòi hỏi mục tiêu đào tạo của giáo dục là hình thành và phát triển những công dân số, sống và làm việc trong xã hội số. Theo đó, công dân số trước hết phải là công dân học tập-những công dân coi học tập suốt đời là một phương thức sống trong xã hội tri thức với nền kinh tế số phát triển. Họ là mẫu người hiện đại khi các phương tiện sản xuất, kinh doanh, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, quân sự đạt trình độ 4.0. Công dân số là bước chuyển tiếp trung gian giữa công dân học tập với công dân toàn cầu-người có năng lực làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Yêu cầu đào tạo cơ bản với họ là trình độ chuyên môn-nghề nghiệp đạt chuẩn quốc tế, trình độ ngoại ngữ đủ để sống với cộng đồng quốc gia mà họ lao động hoặc sinh sống, tuân thủ luật pháp quốc tế và ý thức tôn trọng con người khác mình về văn hóa, chấp nhận sự đa dạng văn hóa trên thế giới.

Đến đây, ta có thể xây dựng khái niệm về nhân lực chất lượng cao trong thời đại số hóa như một lực lượng lao động kỹ thuật số, tức là lực lượng lao động bao gồm những công dân học tập, công dân số và công dân toàn cầu. Đó là vốn (tư bản) con người nhất thiết phải có đối với một quốc gia chuyển đổi số. Để đào tạo nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay, điều kiện tiên quyết là thay đổi tư duy giáo dục, thể hiện ở mấy việc làm sau đây:

Thứ nhất, thay đổi chính sách đầu tư ưu tiên với các lĩnh vực giáo dục. Trong các giai đoạn phát triển xã hội, việc chọn lĩnh vực giáo dục để tập trung đầu tư có khác nhau. Cụ thể, ở các nước chậm phát triển, thứ tự lĩnh vực giáo dục được ưu tiên là: Giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học; giáo dục thường xuyên. Ở các nước đang phát triển là: Giáo dục phổ thông; giáo dục đại học; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục thường xuyên. Ở các nước phát triển là: Giáo dục đại học; giáo dục thường xuyên; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục phổ thông. Ở Việt Nam lúc này, cần thay đổi chính sách đầu tư ưu tiên theo mô hình của các quốc gia phát triển.

Thứ hai, xây dựng một nền giáo dục mở với tư cách là nền giáo dục trong xã hội học tập và điều kiện hàng đầu để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, qua đó tạo vốn con người cho xã hội. Nền giáo dục mở sẽ tháo dỡ mọi rào cản phi lý về tài chính, pháp chế, tổ chức học tập... ngăn trở người dân tiếp cận các cơ hội học tập suốt đời, thực hiện phương thức giáo dục chia sẻ, kết nối nhằm truyền bá tri thức (nhất là những tri thức chỉ có trong chương trình giáo dục đại học) đến với quảng đại quần chúng lao động.

Thứ ba, cần nhìn thẳng vào tỷ lệ nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam là thấp so với các nước trong khu vực. Cho nên, để nâng chất lượng nhân lực, cần đầu tư vào kỹ năng lao động theo hai hướng: Nâng cao và đào tạo lại. Công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra hàng loạt nghề và công việc mới nên đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng cho lao động hiện hữu là vô cùng quan trọng, cũng như đào tạo lại để có trình độ chuyển đổi nghề là không thể thiếu được.

Thứ tư, trường đại học với tính mở của mình sẽ là cơ sở đi tiên phong trong chia sẻ tri thức cho người lao động thông qua các khóa học trực tuyến mở (là chính) và đào tạo từ xa, tạo ra tài nguyên giáo dục mở với lượng học liệu lớn. Đây là chức năng giáo dục thường xuyên của trường đại học.

Thứ năm, trường đại học và các cơ sở đào tạo của các doanh nghiệp có vai trò đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng nhân lực tại chỗ và đào tạo lại cho lao động thiếu hụt những tri thức mới và kỹ năng khi doanh nghiệp trang bị lại công nghệ và kỹ thuật mới. Học tại nơi làm việc vì công việc là xu thế học tập thường xuyên của người lao động mà doanh nghiệp là người có thế mạnh trong việc nắm bắt xu thế này.

Thứ sáu, Quyết định số 749/QĐ-TTg ghi rõ mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia như sau: “Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”. Những doanh nghiệp này sẽ tạo nên môi trường kỹ thuật số trong xã hội và chính điều đó sẽ dẫn đến trong hệ thống giáo dục quốc dân có điều kiện tạo nên hệ sinh thái giáo dục số để hình thành những công dân số, tạo nên nguồn nhân lực kỹ thuật số tương lai cho đất nước.

* Tiến sĩ Phan Tuấn Anh (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế): Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển

Bài viết với nhan đề “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng súc tích, dễ tiếp nhận, bao quát được những vấn đề quan trọng nhất của đất nước trong 5 năm vừa qua và có ý nghĩa như kim chỉ nam trong giai đoạn sắp tới. 

Đây là một tài liệu có tính phổ cập cao dành cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân có thể tiếp cận ở chiều cốt lõi nhất các văn kiện Đảng của Đại hội lần thứ XIII.

Là người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa-nghệ thuật, tôi rất tâm đắc với nội dung bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là “...bảo đảm hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người” trong bài học kinh nghiệm thứ ba thuộc phần I.

Nhìn nhận khách quan từ chính đời sống của mỗi gia đình Việt Nam sau gần 35 năm đổi mới, nền kinh tế nước nhà đạt những thành tựu nổi bật và đáng ghi nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nền kinh tế chúng ta dần xây dựng được thành công theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, những thành tựu về kinh tế chưa song hành với sự phát triển của văn hóa-nghệ thuật. Thực tế, văn hóa đạo đức xã hội ở một bộ phận đang có chiều hướng sa sút, nảy sinh hành vi phản văn hóa, thiếu chuẩn mực, vi phạm thuần phong mỹ tục. Xét ở khía cạnh sản phẩm văn hóa, văn hóa nước nhà cũng chưa có những thành tựu xứng tầm, làm rạng danh đất nước, chưa đủ tạo ra sức mạnh nội sinh để chống lại sự xâm lăng văn hóa ngày một lộ liễu.

Tiến sĩ Phan Tuấn Anh.

Tuy có sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng và chính quyền, song kinh phí đầu tư cho văn hóa-nghệ thuật chưa phát huy hiệu quả. Không có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc mang dấu ấn thời đại, các công trình lý luận phê bình văn học, nghệ thuật cũng vừa yếu lại vừa thiếu. Nguyên nhân dẫn đến những bất cập này là bởi quan điểm quản lý còn giáo điều, thiếu sáng tạo, đầu tư dàn trải, chất lượng cán bộ quản lý, tham mưu trong lĩnh vực văn hóa còn hạn chế...

Không phải Đảng ta không nhận ra những bất cập trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Với mong muốn khắc phục hạn chế, yếu kém, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước, vị thế ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, Đảng đã ban hành Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (năm 2014). Với 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp, Nghị quyết 33 được kỳ vọng sẽ đưa văn hóa nước nhà bước sang trang mới rực rỡ, thực sự hoàn thành sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” như sinh thời Bác Hồ từng nói.

Một nghị quyết chuyên đề văn hóa toàn diện, sâu sắc như vậy nhưng các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chưa? Khi nghĩ về lĩnh vực văn hóa, không hiếm cá nhân, tổ chức hiện nay vẫn quan niệm lĩnh vực này là lễ lạt, "cờ-đèn-kèn-trống", là môi trường cảnh quan xanh-sạch-đẹp; văn hóa là lĩnh vực bị cắt giảm kinh phí đầu tiên và đầu tư sau cùng. Văn hóa, hiểu cho đúng, hàm chứa những tiềm năng, động lực to lớn, đôi khi trở thành sức mạnh phi thường nếu biết khai thác đúng lúc và phát huy đúng chỗ. Chính vì vậy, đề cao vai trò của văn hóa, đầu tư cho văn hóa một cách toàn diện sẽ tạo dựng sức mạnh, “của để dành” cho dân tộc mỗi khi bước vào những thử thách cam go của thời đại.

Do đó, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhìn nhận thẳng vào vấn đề, đòi hỏi sự bảo đảm tương ứng giữa sự phát triển của kinh tế với phát triển văn hóa và xây dựng con người mới. Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Đây thực sự là thái độ quyết liệt nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật để tìm ra phương hướng giải quyết vấn đề. Hy vọng, trong nhiệm kỳ mới, Đảng sẽ có những quyết sách, chiến lược, đầu tư đúng đắn, hiệu quả vào vấn đề phát triển con người, văn hóa-nghệ thuật.