Trong những ngày qua, Báo QĐND đã nhận được rất nhiều ý kiến tâm huyết, bày tỏ sự ủng hộ, đồng thuận rất cao, đồng thời cung cấp thêm luận cứ khẳng định tính đúng đắn, khoa học, cách mạng và khẳng định quyết tâm quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Báo QĐND trân trọng giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc về những vấn đề liên quan đến bài viết trên.
Quyết tâm hiện thực hóa mệnh lệnh: Xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh!
* Đồng chí HÀ ĐĂNG, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương:
Kiên quyết đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Đọc bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tôi rất vui mừng khi nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, rõ rệt, tích cực. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng lần lượt được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh rất lớn, được cán bộ, đảng viên, nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ.
Có thể nói, chưa khi nào công cuộc đấu tranh PCTN, tiêu cực, lãng phí được Đảng lãnh đạo tiến hành quyết liệt như giai đoạn gần đây. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay cho thấy, công tác đấu tranh PCTN ngày càng đúng hướng, vừa thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có, vừa nâng cao tính giáo dục, răn đe, ngăn chặn, cảnh tỉnh. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố hơn 8.880 vụ/hơn 14.980 bị can, truy tố hơn 7.340 vụ/gần 14.250 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 6.930 vụ/gần 13.290 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Riêng án Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý hơn 120 vụ án, hơn 90 vụ việc, đưa ra xét xử sơ thẩm 64 vụ án/600 bị cáo; trong đó có 16 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý gần 477.000 tỷ đồng, hơn 8.600ha đất, kiến nghị xử lý hơn 8.700 tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 450 vụ, hơn 640 đối tượng.
Thực tiễn trong nhiệm kỳ qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với mức án nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, tạo bước đột phá trong công tác PCTN. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đang dần được khắc phục; việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. Một số vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng mà lâu nay được cho là “nhạy cảm” và nhiều vụ việc kéo dài từ những năm trước đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm, nghiêm minh. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh PCTN, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương và các cơ quan chức năng trong cuộc đấu tranh PCTN vừa qua.
Tôi rất đồng tình, ủng hộ quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN mới đây: Từng đồng chí, từng bộ phận, từng cơ quan phải phối hợp làm thật tốt, xong bước này làm tiếp bước khác, quyết liệt, bài bản, khoa học; chống tham nhũng ngay trong các cơ quan PCTN; cán bộ làm công tác này phải làm việc với tinh thần vì Đảng, vì dân, phải có dũng khí, có mưu lược. Tôi cũng cho rằng, cần đưa tinh thần này, quyết tâm này vào đại hội đảng bộ các cấp. Nhân dân đang lo ngại công tác đấu tranh PCTN chùng xuống, vì thế dứt khoát không để công tác này chùng xuống mà phải làm mạnh mẽ hơn, làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đúng pháp luật của Nhà nước và làm có lương tâm, có tính nhân văn, giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn để không xảy ra tham nhũng, để không phải xử lý mới là tốt.
Tôi mong muốn và tin tưởng Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để quét sạch nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, tạo bước chuyển biến đột phá trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân.
* Thiếu tướng, GS, TS NGUYỄN VĂN TÀI, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị:
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân để xây dựng Đảng vững mạnh
Mọi việc đều bắt nguồn từ dân, “lấy dân làm gốc” trở thành bài học quý báu, được đúc kết qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, được Đảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong hơn 90 năm lãnh đạo cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”, “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm chủ”. Và tư tưởng đó được nhấn mạnh lại một lần nữa trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 1-9 vừa qua.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến đổi mới phương thức lãnh đạo để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các phương diện. Nhất là sau 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Đảng đã rút ra bài học quan trọng: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội lần thứ X của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”. Đại hội XII của Đảng cụ thể hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” bằng nội dung “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp” với những quy chế, quy định, quy trình cụ thể; quy định rõ hơn Đảng phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.
Thực tiễn cách mạng Việt Nam cũng cho thấy, những ý kiến, nguyện vọng chính đáng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn đều trở thành nguồn gốc hình thành đường lối, chủ trương của Đảng và nhân dân chính là người làm nên những thành tựu của công cuộc đổi mới. Đảng ta xác định dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước, là bản chất của chế độ XHCN. Quyền làm chủ của nhân dân được tổng kết thành phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhân dân làm chủ thông qua các hình thức tự quản, thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Điều này tiếp tục được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong bài viết: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, luôn xác định "dân là gốc", thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kiên trì thực hiện đúng nguyên tắc: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Bài viết nêu rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân... Để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phải kiên quyết, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng thật trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng thật sự là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Như vậy, tinh thần “lấy dân làm gốc”, tất cả vì lợi ích của nhân dân là quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Chúng ta đang chuẩn bị và tiến hành đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đây là thời điểm quan trọng, đồng thời là dịp tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia vào các công việc của Đảng. Do đó, muốn phát huy dân chủ, trước hết, Đảng phải nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình phát huy dân chủ. Trong sinh hoạt đảng, từ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp ủy, trong công tác cán bộ cũng như trong việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng cần thể hiện đầy đủ tinh thần phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện độc đoán, chuyên quyền cũng như hiện tượng dân chủ hình thức, vô tổ chức, vô kỷ luật, gây mất đoàn kết nội bộ.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, phải đẩy mạnh công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước để xây dựng nhà nước ta thật sự là nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Cần có những hình thức lấy ý kiến phù hợp để nâng cao ý thức, trách nhiệm, phát huy tối đa trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp ý vào các văn kiện của Đảng ngay từ cơ sở. Thực hành dân chủ trong sinh hoạt đảng đi liền với việc nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình, đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đóng góp ý kiến về xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng. Đó là cách tốt nhất để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong nội bộ; càng phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, càng góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh...
* Đồng chí NGUYỄN CẢNH, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắc Lắc:
Cán bộ phải không ngừng nêu gương mẫu mực
Qua nghiên cứu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” vừa được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi rất đồng tình và tâm đắc với nội dung bài viết. Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ ra rất sâu sắc, toàn diện.
Như bài viết khẳng định: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt quan tâm, tiến hành toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo dấu ấn nổi bật”... Một trong những dấu ấn nổi bật và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua là đã phát huy cao độ tinh thần, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV). Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Nêu gương không chỉ là trách nhiệm, bổn phận của CB, ĐV mà đây còn là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng. Như vậy, từ việc bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đặt ra trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là người đứng đầu các cấp. Việc ban hành Quy định số 08-QĐi/TW cũng chính là một nội dung cụ thể của xây dựng Đảng về đạo đức. Ngay sau khi quy định được ban hành, cấp ủy các cấp, các ngành tổ chức học tập, quán triệt, tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị. Có thể khẳng định: Quy định số 08-QĐi/TW nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của các tầng lớp nhân dân, bởi đã tạo ra cú hích, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của CB, ĐV, nhất là người đứng đầu các cấp, vừa đề cao và phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
CB, ĐV nắm giữ các chức vụ, quyền hạn càng cao thì càng phải nêu gương, gương mẫu trong mọi công việc; được giao công việc gì cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất. Đó là sự nêu gương chân thành và tự giác. Đến nay, sau gần hai năm thực hiện quy định về nêu gương, tinh thần “nêu gương mẫu mực”; chức vụ càng cao càng phải gương mẫu đã thực sự thấm, ngấm đến đại đa số CB, ĐV các cấp trong toàn hệ thống chính trị. Mặc dù vẫn còn tình trạng nơi này, nơi kia người đứng đầu chưa thực sự nêu cao tính tiền phong, gương mẫu; một vài CB, ĐV chưa thực sự đề cao trách nhiệm nêu gương... nhưng thực hành trách nhiệm nêu gương từng bước trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của đại đa số CB, ĐV. Qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; từng bước ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tiêu cực; củng cố niềm tin, tạo được sự kỳ vọng lớn trong CB, ĐV và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Việc phát huy trách nhiệm nêu gương của các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng, có sức mạnh to lớn về tinh thần, lan tỏa mạnh mẽ trong CB, ĐV và nhân dân; tạo động lực, niềm tin vững chắc cho quần chúng tự nguyện, tự giác làm theo để thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng. Bởi vậy, tinh thần nêu gương của CB, ĐV, nhất là người đứng đầu các cấp phải trở thành cao trào và diễn ra liên tục.
Trong thời gian tới, việc nêu gương cần tập trung vào việc trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong phần cuối của bài viết: “Đại hội XIII của Đảng ta đã đến gần. Khối lượng công việc rất lớn trong khi thời gian không còn nhiều, các cấp ủy và các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải đề cao hơn nữa trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra”.