Việc đưa nội dung này vào trong dự thảo Báo cáo chính trị là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự nhận thức sâu sắc của Đảng ta về vai trò cực kỳ quan trọng của CTĐ, CTCT trong LLVT nhân dân, trong QĐND và CAND. Điều đó dựa trên những căn cứ lý luận và thực tiễn sau đây:
Lý luận Mác-Lênin về xây dựng quân đội xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã chỉ rõ: Đảng Cộng sản lãnh đạo quân đội, tiến hành CTĐ, CTCT trong xây dựng quân đội về chính trị là một nguyên tắc cơ bản, hàng đầu trong xây dựng quân đội cách mạng, bảo đảm cho quân đội thực sự là công cụ bạo lực vũ trang, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân, với chế độ XHCN. V.I.Lênin đã khẳng định: “... Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất... thì ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn, ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn” (1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, vấn đề hàng đầu đối với LLVT cách mạng là phải có “con đường chính trị đúng” và Người đã chỉ rõ: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(2). “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta”(3), như vậy mới bảo đảm cho Quân đội ta “là quân đội cách mạng, quân đội quyết chiến quyết thắng”. Kinh nghiệm của các nước XHCN trong quá trình xây dựng quân đội XHCN, nhất là những kinh nghiệm về xác lập và tiến hành công tác chính trị trong quân đội và Hải quân Liên Xô, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc cũng đã khẳng định vai trò quan trọng của CTĐ, CTCT trong xây dựng quân đội XHCN.
Thực tiễn tiến hành CTĐ, CTCT trong quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam cũng khẳng định vai trò quan trọng của CTĐ, CTCT. Không chỉ ngay từ đầu khi mới thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam ngày nay) mà cùng với quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta là quá trình xác lập và tiến hành CTĐ, CTCT trong quân đội, thông qua đó khẳng định vai trò quan trọng, không thể thiếu của CTĐ, CTCT trong xây dựng quân đội, nhất là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Khẳng định vai trò quan trọng của CTĐ, CTCT còn từ chính bản chất của CTĐ, CTCT trong quân đội cách mạng. CTĐ, CTCT trong quân đội cách mạng là một bộ phận rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội nhằm khẳng định, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với quân đội. Đảng lãnh đạo quân đội không chỉ thông qua hoạt động CTĐ, CTCT, nhưng xét về bản chất thì CTĐ, CTCT là hoạt động lãnh đạo của Đảng nhằm xác lập, thực hiện quyền lãnh đạo, khẳng định vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội cách mạng. Nếu không xác lập và tiến hành tốt CTĐ, CTCT, tiến hành các mặt hoạt động CTĐ, CTCT thì vai trò và quyền lãnh đạo của Đảng với quân đội sẽ không thể thực hiện được trong thực tế xây dựng quân đội và quân đội không thể tránh khỏi việc xa rời phương hướng chính trị-giai cấp của giai cấp vô sản, là nguy cơ có thể dẫn tới sự suy thoái, biến chất về chính trị, thậm chí có thể chuyển sang một thứ chính trị khác-chính trị tư sản.
Trong phần Kết luận công trình “Tổng kết CTĐ, CTCT trong QĐND Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: “Lịch sử xây dựng và phấn đấu của Quân đội ta trước hết là lịch sử Đảng lãnh đạo quân đội; quá trình trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta gắn liền với việc không ngừng củng cố và tăng cường CTĐ, CTCT trong quân đội. CTĐ, CTCT đã là linh hồn và mạch sống của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta thực sự trở thành một quân đội của dân tộc, của giai cấp, một quân đội tất thắng”(4).
Cùng với quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của QĐND Việt Nam, CTĐ, CTCT đã góp phần xây dựng, củng cố và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc và tính nhân dân của quân đội, nhất là góp phần kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định hệ tư tưởng thống trị trong đời sống tinh thần của quân đội là Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định nguyên tắc giai cấp công nhân trong xây dựng quân đội, nhất là trong xây dựng đội ngũ cán bộ, sĩ quan quân đội-lực lượng nòng cốt trong xây dựng quân đội vững mạnh. Quân đội đã luôn “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi.
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động CTĐ, CTCT trong LLVT nhân dân, QĐND và CAND, bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản, chúng ta cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức mới. Vì vậy, để tiếp tục phát huy vai trò của CTĐ, CTCT, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong QĐND và CAND đáp ứng yêu cầu xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh về chính trị trong tình hình mới, chúng ta cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn kinh nghiệm hoạt động CTĐ, CTCT trong QĐND và CAND. Trên cơ sở đó tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của CTĐ, CTCT trong QĐND và CAND. Tiếp tục kế thừa những kinh nghiệm hoạt động CTĐ, CTCT trong QĐND và CAND để bổ sung, phát triển, hoàn thiện CTĐ, CTCT, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả CTĐ, CTCT trong QĐND và CAND, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
PGS, TS NGUYỄN VĨNH THẮNG
----------
(1) V.I.Lênin toàn tập, tập 39, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, M.1977, tr.66.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.318.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2000, tr.14.
(4) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H.2013, tr.238.