Thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước 35 năm qua đã khẳng định một vấn đề có tính nguyên tắc: Dân chủ càng mở rộng thì pháp chế càng được tăng cường, kỷ cương càng được giữ vững. Đây chính là điều kiện để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất trong đời sống xã hội. Vì vậy, trong thông điệp đầu năm 2020, trước thềm đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: Báo cáo Chính trị của đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng cần chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, trong đó có “mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”. Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định rõ yêu cầu nắm vững giải quyết mối quan hệ lớn “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội", trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 và các giai đoạn tiếp theo.
Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản lãnh đạo, với nội hàm quan trọng nhất là tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân là chủ thể và là người thực hiện quyền lực chung của xã hội. Dân chủ XHCN là chế độ dân chủ cao nhất-dân chủ theo nghĩa đầy đủ nhất. Tăng cường pháp chế là tăng cường quản lý mọi hoạt động của xã hội, không để một lĩnh vực nào thiếu sự điều chỉnh của pháp luật hoặc không được pháp luật điều chỉnh; bảo đảm kỷ cương xã hội là thực hiện những phép tắc nhà nước duy trì trật tự xã hội.
Sẽ là cực kỳ sai lầm và nguy hại nếu cho rằng, dân chủ đối lập với pháp chế, kỷ cương. Dân chủ dù nghiên cứu ở góc độ nào, nhìn nhận ở bình diện nào cũng gắn bó chặt chẽ và tự nhiên với pháp luật; còn pháp luật như là môi sinh, điều kiện không thể thiếu để bảo đảm, bảo vệ dân chủ được nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển. Dân chủ vốn là một phạm trù chính trị và cũng không có thứ dân chủ nào tuyệt đối phi chính trị hay vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động và thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội.
Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết để dân chủ được thực hành rộng rãi và thực chất. Pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mang bản chất dân chủ. Hiến pháp của nước Việt Nam đầu tiên được xây dựng theo những nguyên tắc dân chủ và được hiến định trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; bảo đảm các quyền tự do dân chủ; thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Khẳng định dân chủ, tự do trong khuôn khổ của pháp luật cũng có nghĩa cái đích vươn tới của pháp luật kiểu mới ở Việt Nam là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thật nực cười còn ai đó đã “ngược dòng” cho rằng: Trong nền kinh tế thị trường hiện nay không cần mở rộng dân chủ mà chỉ cần tăng cường kỷ cương, phép nước thì xã hội sẽ phát triển. Thực chất quan điểm này đã không thấu rõ được tính biện chứng giữa dân chủ và pháp luật, tuyệt đối hóa theo quan điểm pháp trị. Cũng như các thành tố khác của thượng tầng kiến trúc xã hội, dân chủ xuất phát từ hạt nhân cốt lõi là kinh tế, do kinh tế quyết định và đúng với bản chất do tồn tại xã hội quyết định. Trình độ của phương thức sản xuất khác nhau tất yếu dẫn tới sự khác nhau về trình độ dân chủ. Do đó, nền dân chủ XHCN cũng có các nấc thang phát triển khác nhau và để phát huy dân chủ đúng hướng, hiệu quả thì quá trình đó không thoát ly, tách rời thực tiễn, mà phải có bước đi vững chắc phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể của đất nước. Do vậy, không thể tùy tiện áp đặt hình thức dân chủ của quốc gia này cho quốc gia khác với những điều kiện khác nhau về đường lối chính trị, trình độ kinh tế phong tục, tập quán và bản sắc văn hóa.
Thời gian gần đây lại có một số người lớn tiếng cho rằng: Chừng nào ở Việt Nam chỉ có độc nhất một đảng lãnh đạo thì chừng đó không thể nói tới một nền dân chủ chân chính; muốn thực sự có dân chủ cho người dân và phát triển xã hội phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập... Thử hỏi, nếu Việt Nam thực hiện đa nguyên, đa đảng, đất nước sẽ ra sao? Câu trả lời đã có sẵn đáp án từ thực tiễn nhiều nước trên thế giới hiện đang phải đối mặt với sự bất ổn nghiêm trọng về chính trị do sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái, từ đó dẫn tới kinh tế suy giảm, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn. Điều đó cũng có nghĩa rằng, những quan điểm đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” thực chất là quan điểm sai trái, phản động hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thay đổi chế độ chính trị tại Việt Nam. Bản chất của quan điểm đa nguyên, đa đảng là lợi dụng dân chủ nhằm tạo điều kiện, tiền đề cho việc ra đời và công khai hóa, hợp pháp hóa các tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó cạnh tranh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và tiến tới thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Kết quả phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam nhiều năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay cho thấy, cuộc chiến đấu này càng có kết quả thì dân chủ trong xã hội nói chung, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nói riêng càng được nâng cao, niềm tin của nhân dân vào kỷ cương, phép nước và sự đồng thuận của xã hội với đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước càng được củng cố, tăng cường. Do đó, trong thời gian tới càng phải tiếp tục giải quyết đúng đắn, hài hòa mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết, quyết định việc xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân-công cụ quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Gần đây, trong "diễn đàn” góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng, cũng có quan điểm cho rằng: Tình hình đất nước đang đứng trước “bờ vực thẳm” nên Đảng Cộng sản phải “hô hào” thực hành dân chủ để tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội... Đó là quan điểm phiến diện, thiếu tính hệ thống, logic và phi lịch sử. Không phải đến hiện nay Đảng ta mới đặt ra việc nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, mà ngay từ khi Đảng ra đời đã quán triệt đường lối lãnh đạo vì con người, vì quyền tự do của con người. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp. Không thể có tự do cho bọn Việt gian, bọn phản động, bọn phá hoại tự do của nhân dân...”[1]. Thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để phát huy dân chủ và thực hành dân chủ gắn với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Đại hội XII Đảng ta xác định: “Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội”. Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: Thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội là mối quan hệ lớn.
Như vậy, với việc nhất quán trong xem xét, giải quyết các mối quan hệ lớn dựa trên quan điểm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử và từ đòi hỏi của thực tiễn, mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội sẽ là mối quan hệ quan trọng cấu thành trong tổng thể hệ thống các mối quan hệ lớn được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây là sự nhất quán quan điểm của Đảng ta, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bảo đảm vừa phát huy dân chủ, vừa giữ vững kỷ cương, pháp luật để xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trên nền tảng dân chủ và tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bởi vậy, nơi nào hoặc ai đó có quan điểm đòi tách rời hoặc tuyệt đối hóa các mặt trong mối quan hệ giữa thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm xã hội đều trở thành quan điểm sai trái, cần bị lên án và phê phán.
Đại tá, TS BÙI THANH CAO, Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa học quân sự, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự
(1) Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, 1985, tr.187.