Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII (Đại hội XIII) của Đảng đặc biệt tâm huyết, trao đổi và thảo luận, hiến kế để Đảng tiếp tục vận dụng, phát huy sáng tạo trong giai đoạn tiếp theo.
Đảng trọng dân, dân lo việc Đảng
Trao đổi với chúng tôi, đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long bày tỏ sự tâm đắc với quan điểm “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”, được đề cập trong Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí nhấn mạnh: Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc quan điểm lấy dân làm gốc. Thời gian qua, nhân dân đã đóng góp rất tích cực để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục nhấn mạnh quan điểm này, điểm đổi mới là tập trung dựa vào dân để xây dựng Đảng. Dựa vào dân ở đây là trong quá trình xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng phải luôn nhận được sự tham gia góp ý của người dân, vì nhân dân. Người dân sẽ góp ý, theo dõi hoạt động của tổ chức đảng, cũng như giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ trong quá trình thực hiện công tác xây dựng Đảng ở từng cấp, từng ngành.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Văn Dũng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam phân tích thêm: Nhận thức sâu sắc vai trò to lớn của nhân dân trong xây dựng Đảng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Cụ thể như việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bên cạnh đó, sự ra đời quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, quy định về việc đảng viên tham gia sinh hoạt ở khu dân cư, quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền... đã tăng thêm cơ chế, điều kiện để nhân dân góp ý kiến xây dựng và bổ sung, hoàn thiện đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tham gia giám sát cán bộ, đảng viên, công chức và các tổ chức đảng, tổ chức chính quyền trong việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật.
Nhấn mạnh phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, đại biểu Lê Hồng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chánh án Thường trực Tòa án Nhân dân Tối cao nêu bài học kinh nghiệm ở chính ngành của mình. Theo đồng chí, để thấu hiểu bản chất của vụ việc, giải quyết xung đột trong những mối quan hệ xã hội vốn đã phức tạp, tinh vi thì máy móc và công nghệ hiện nay chưa thể làm thay con người, nó không bảo đảm được "tình người" khi đưa ra quyết định và không làm cho các bên “tâm phục, khẩu phục”. Do vậy, thẩm phán phải luôn bám sát thực tiễn và cũng thông qua thực tiễn để học thêm kiến thức, kinh nghiệm từ nhân dân. Nhiều trường hợp, từ hiểu rõ dân, học từ cách người dân xử lý quan hệ tranh chấp mà thẩm phán đưa ra những phán quyết điển hình, trở thành án lệ, bổ sung cho những khoảng trống pháp luật chưa kịp điều chỉnh. Đó cũng chính là cách giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên trong ngành hoàn thiện bản thân, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Một trong những minh chứng sinh động của việc dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, được nhiều đại biểu khẳng định, trao đổi làm rõ, đó là huy động trí tuệ của nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, Đảng ta đã tiếp thu tối đa những yếu tố hợp lý để hoàn thiện các văn kiện, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng: Dân là gốc, mọi chính sách phát triển đều vì nhân dân. Cùng với đó, các đại biểu bày tỏ sự phấn khởi khi trong những năm qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, thông qua các kênh thông tin, sự tham gia giám sát, phản biện của nhân dân, Đảng đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, điển hình là trong lựa chọn, đánh giá cán bộ và đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Trên cơ sở đưa ra những dẫn chứng cụ thể, phân tích, làm sáng rõ và sâu sắc hơn vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, được kiểm nghiệm qua thực tiễn cách mạng Việt Nam, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, các đại biểu nhất quán quan điểm: Gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng có vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với sự sống còn của Đảng, của chế độ và của dân tộc. Đó là nguồn gốc sức mạnh, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta.
Hiệu triệu lòng dân để huy động sức dân
Chính bởi tâm đắc và đồng tình cao với quan điểm "dân là gốc", dựa vào dân để xây dựng Đảng, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại với mong muốn huy động trí tuệ tập thể, cùng bàn thảo những giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, trăn trở: Một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng, sức mạnh to lớn của nhân dân và tư tưởng lấy dân làm gốc trong quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Việc nắm, đánh giá, dự báo tình hình, nhất là tình hình nhân dân trước những sự kiện, tình huống phát sinh ở các lĩnh vực, địa bàn phức tạp có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn quan liêu, sách nhiễu, chưa nhận thức đầy đủ về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; thiếu trách nhiệm, thậm chí làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Một số nơi, công tác tiếp công dân, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, chưa bảo đảm quyền làm chủ của người dân.
Hiến kế để phát huy trí tuệ, trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, các đại biểu thống nhất cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải thực hành dân chủ rộng rãi, để làm sao thật sự dân là chủ, dân làm chủ, từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ xã hội được thực hiện ở các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực. Đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về phát huy quyền dân chủ, về mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ", nhất là nội dung nhân dân làm chủ và phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền dân chủ trực tiếp cùng với quyền dân chủ gián tiếp thông qua đại diện của mình.
Các đại biểu cho rằng, muốn huy động được sức dân thì phải hiệu triệu được lòng dân, tạo được niềm tin, để nhân dân thấy rõ: Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân.
HỒNG THẠNH