TS TRẦN HUY NGỌC, giảng viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên:

Sử dụng truyền thông xã hội để nắm bắt, định hướng tư tưởng

Phương tiện truyền thông xã hội là các công cụ, ứng dụng giao tiếp đại chúng dựa vào không gian trực tuyến trên nền tảng internet và các công nghệ truyền thông hiện đại khác nhằm truyền tải thông tin, kết nối xã hội... Với những đặc tính có ưu thế nổi trội, các phương tiện truyền thông xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram, Twitter... đã và đang có sự quan tâm, tham gia của đông đảo công chúng, hình thành nên các cộng đồng tương tác xã hội đa dạng. 

Từ đặc tính trên, các phương tiện truyền thông xã hội có vai trò quan trọng trong việc hình thành, thể hiện thái độ, suy nghĩ, mong muốn, khát vọng của cá nhân và một cộng đồng. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng đối với việc tiếp cận thông tin, hình thành ý kiến cá nhân; là công cụ, phương tiện để trao đổi, tổng hợp ý kiến cá nhân thành các luồng ý kiến. Điều đó có nghĩa, phương tiện truyền thông xã hội có vai trò lớn đối với việc hình thành và thể hiện dư luận xã hội, nhất là trong xã hội hiện đại, khi công chúng ngày càng sử dụng thường xuyên, liên tục các phương tiện truyền thông xã hội. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Hiện nay, các thế lực thù địch thường lợi dụng sự phát triển của công nghệ truyền thông để tạo ra những dư luận xã hội sai lệch về chủ trương, đường lối của Đảng. Vì vậy, thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, các cấp, ngành chức năng cần nhận diện sớm những vấn đề xã hội có thể nảy sinh, từ đó chủ động nắm bắt dư luận xã hội và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

---------------------------------------------------------

Giảng viên NGUYỄN HẢI HÀ, Trường Chính trị tỉnh Phú Thọ:

Dự báo tư tưởng phải đi trước, đón đầu

Dự báo tư tưởng là khâu quan trọng đầu tiên của công tác tư tưởng. Nếu dự báo đúng, trúng thì hiệu quả công tác tư tưởng sẽ đạt chất lượng tốt và ngược lại. Do vậy, ngành tuyên giáo các cấp cần chú trọng tập trung nguồn lực, tiến hành công tác dự báo tư tưởng một cách chủ động, đi trước, đón đầu. 

Việc dự báo tư tưởng không chỉ xác định được các yếu tố hình thành xu hướng tư tưởng, các luồng dư luận, tin đồn trong xã hội mà phải nhận định được nguy cơ của từng vấn đề tư tưởng nảy sinh; thậm chí phải xác định phương hướng, cách thức xử lý, giải quyết vấn đề tư tưởng đặt ra. Nội dung dự báo cần phải bảo đảm tính đồng bộ, trong đó cần dự báo được cả mặt tư tưởng tích cực và nhận diện nguy cơ tư tưởng tiêu cực, tiềm ẩn những yếu tố khó lường nhất để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; tạo bầu không khí lạc quan trong đời sống xã hội.

Để làm được điều đó, ngành tuyên giáo và các cấp ủy phải đầu tư nhiều hơn về nguồn lực và tiềm lực cho công tác dự báo tư tưởng. Trong đó, bí thư cấp ủy, người đứng đầu phải là những người trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả dự báo tư tưởng ở mỗi cấp. Người đứng đầu cần quyết liệt đổi mới tác phong công tác gần dân, sát dân; chủ động cung cấp thông tin chính thống, định hướng tư tưởng, nhận thức trong nội bộ và nhân dân; chú trọng phát hiện, giải quyết hiệu quả những vấn đề mới phát sinh, kiên quyết không để xảy ra điểm nóng, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng.

---------------------------------------------------------

Giảng viên NGUYỄN TUẤN VƯƠNG, Trường Đại học Mỏ-Địa chất:

Phát huy vai trò lực lượng cốt cán

Hiện nay, cả nước có hàng chục triệu công nhân, người lao động và việc nắm bắt tư tưởng, tâm lý, các luồng dư luận trong lực lượng này là vô cùng quan trọng. Để làm tốt phần việc này, tôi cho rằng, ngoài việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn các cấp thì ở mỗi nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp cần phải xây dựng cho được lực lượng cốt cán trong công nhân, người lao động.

Bộ phận cốt cán được hiểu là những người có nhận thức chính trị tốt, có trình độ chuyên môn và có tiếng nói, uy tín trong tập thể công nhân, người lao động. Đây là những người cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng độ tuổi với công nhân nên dễ nắm bắt tâm tư, tình cảm, động viên, chia sẻ, giúp nhau sống đẹp hơn, làm việc tốt hơn. Thành viên lực lượng nòng cốt cũng giống như một chiến sĩ biệt động “nằm vùng” thực hiện chức năng nắm chắc tình hình, kịp thời thông tin và tham mưu hướng giải quyết các vấn đề nảy sinh ở cơ sở.

Cần coi trọng việc xây dựng lực lượng cốt cán ở tất cả các cấp; nhất là ở những nơi có vấn đề hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn chính trị để bố trí đội ngũ này với chất lượng, số lượng phù hợp. Trước những vấn đề mới nảy sinh, khi chỉ vừa manh nha sẽ được lực lượng cốt cán phát hiện, tự giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để, hiệu quả. Xây dựng được lực lượng cốt cán rộng khắp cũng là một trong những biện pháp hiệu quả tạo ra một thế trận an ninh nhân dân rộng khắp trong từng công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp.