Tôi và anh ngồi cùng một hàng ghế. Thực ra, có được chỗ ngồi như thế này, đồng chí thương binh được người phụ xe ưu tiên cho lên xe trước và sắp xếp chỗ ngồi cẩn thận. Còn tôi, phải chen lấn, xô đẩy để chọn chỗ ngồi, mặc cho mọi người kêu ca, phản đối.
Chiếc xe bon bon trên đường. Đi được một đoạn, tài xế từ từ cho xe táp vào bên đường vì có một phụ nữ một tay bế đứa con nhỏ, một tay vẫy xin đi. Người phụ xe nhẹ nhàng nói: "Xe đang đông khách, chị chịu khó đứng một đoạn, lát nữa chúng tôi sẽ sắp xếp chỗ ngồi cho chị".
Chiếc xe tiếp tục chuyển bánh. Đồng chí thương binh từ khi lên xe vẫn ngồi lặng im, chỉ thỉnh thoảng nhúc nhích một bên chân bị tàn phế, lúc này anh mới nhờ tôi lấy giúp đôi nạng gỗ để trên giá hành lý. Anh nặng nhọc đi đến bên người phụ nữ đang bế con và nhẹ nhàng nói: “Chị bế cháu vào ngồi chỗ của tôi cho đỡ mệt, chứ đứng thế này mãi chịu sao nổi. Vả lại, tôi đứng một lát cho đỡ mỏi người, rồi một lúc nữa xuống xe”.
 |
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Trước thái độ nhã nhặn, hành động đẹp của đồng chí thương binh, hàng chục cặp mắt của hành khách trên xe đổ dồn về phía anh với lòng tin yêu, mến phục. Mặc dù có mỏi mệt thật sự nhưng người phụ nữ trẻ cũng chần chừ, e ngại, không nỡ lòng nào lại chấp nhận điều đó. Đồng chí thương binh phải nói mãi chị mới nghe.
Những lời nói, việc làm của đồng chí thương binh trên chuyến xe khách hôm ấy đẹp đẽ biết bao! Vậy mà tôi vẫn bàng quan, lại còn cho đó là chuyện nhỏ nhoi, vụn vặt. Mãi tới khi đã nghỉ công tác, về vui thú điền viên, tôi mới tự kiểm điểm lại việc này. Tôi đã vội tự hào, đề cao mình, nào là cán bộ nhà nước ở một cơ quan cấp tỉnh, nào là đảng viên lâu năm... Còn đồng chí thương binh nọ, cũng như biết bao đồng chí, đồng đội khác của anh, đã anh dũng chiến đấu, dám chấp nhận mọi hy sinh cho cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc thắng lợi. Thương binh tàn nhưng không phế, nay các anh vẫn tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, phát huy phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của người chiến sĩ cách mạng để làm đẹp cho đời bằng những việc làm rất đỗi bình dị.
Tôi hiểu rằng, trên chuyến xe khách năm ấy, tôi và đồng chí thương binh kia, dù ngồi cùng hàng ghế với nhau, dù chỉ chênh lệch nhau chừng vài tuổi nhưng khoảng cách giữa chúng tôi thật lớn. Đó chính là khoảng cách về nhận thức, khoảng cách về phong cách, lối sống của người cán bộ, đảng viên... Và cho đến tận bây giờ, câu chuyện năm ấy vẫn là bài học sâu sắc mà tôi thường răn mình gắng sửa chữa, rút kinh nghiệm để xứng đáng với hai tiếng “đảng viên”!
VŨ ĐĂNG BÚT (số nhà 329, đường 20/8, tổ 1, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang)