Đồng chí Lê Nguyên Khôi, Bí thư Đảng ủy xã An Điền, thị xã Bến Cát (Bình Dương):
Xác định đúng trọng tâm lãnh đạo
Dù ở cấp nào thì nghị quyết vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong quy trình lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan, đơn vị, địa phương. Ở cấp cơ sở, nghị quyết vừa phải có tính khái quát, vừa phải cụ thể nội dung, biện pháp lãnh đạo, xác định chỉ tiêu phù hợp đặc điểm thực tiễn...
Từ thực tế công tác xây dựng Đảng tại địa phương cho thấy, việc xác định đúng nhiệm vụ, nội dung trọng tâm lãnh đạo trong một thời điểm nhất định là yếu tố quan trọng hàng đầu để tập trung toàn diện cho nhiệm vụ đó. Chẳng hạn, trong quý II-2023, Đảng ủy xã An Điền xác định lãnh đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh..., nhưng tập trung trọng tâm lãnh đạo thực hiện tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh; tổ chức chu đáo cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2023.
Trong tổng thể các nội dung lãnh đạo toàn diện, Đảng ủy xã lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo trong quý để làm cơ sở ưu tiên nhân lực, vật lực, thống nhất giải pháp thực hiện, không dàn trải, chung chung. Nhờ đó, kết quả thực hiện các nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt, giải quyết dứt điểm từng khâu, từng việc một cách hiệu quả, rốt ráo. Tuy nhiên, xác định trọng tâm lãnh đạo không có nghĩa là buông lỏng các nhiệm vụ khác mà để ưu tiên lãnh đạo trong từng thời điểm, từng giai đoạn cụ thể để bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Cần tránh tình trạng nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy đảng cấp dưới có nội dung tương tự như nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy cấp trên, hoặc có chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo giống như sắp xếp lịch công tác cho cán bộ chủ chốt địa phương, đơn vị... Làm như vậy, nghị quyết sẽ chỉ nằm trên giấy, mà vai trò của cấp ủy cũng sẽ bị lu mờ.
 |
Ảnh minh họa: thuvienphapluat.vn |
-------------------------------------------------------
Đồng chí Trần Văn Giỏi, Phó bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Ruộng Hời, phường Bảo Vinh, TP Long Khánh (Đồng Nai):
Phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng
Hiện nay, ở một số chi bộ có hiện tượng nghị quyết lãnh đạo chỉ nằm trên giấy, không được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoặc thực hiện nhưng thiếu hiệu quả. Khuyết điểm này có một phần không nhỏ từ khâu phân công thực hiện nghị quyết.
Thông thường, trước khi kết thúc sinh hoạt chi bộ là phần phân công nhiệm vụ cho các cấp ủy viên, đảng viên phụ trách từng công việc. Căn cứ vào chức trách của từng cấp ủy viên, đảng viên và nội dung công việc cần tập trung lãnh đạo trong tháng, bí thư chi bộ phân công, giao trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cụ thể từng nhiệm vụ cho cấp ủy viên phụ trách và phải báo cáo kịp thời khi công việc gặp khó khăn. Cấp cơ sở là cấp sát nhất với cán bộ, đảng viên và quần chúng. Cho nên, việc phân công tổ chức thực hiện nghị quyết phải cụ thể, rõ ràng, thậm chí nhấn mạnh yêu cầu cần đạt được và mốc thời gian phải hoàn thành để bộ phận đảm nhiệm và cấp ủy viên, đảng viên phụ trách chủ động triển khai.
Phân công rõ ràng, cụ thể không chỉ là một phần trong quy trình lãnh đạo của tổ chức đảng mà còn phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, sâu sát của cấp ủy, đảng viên phụ trách; đồng thời đây là cơ sở để đánh giá năng lực, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, đảng viên phụ trách trong từng lĩnh vực, nhiệm vụ được giao.
-------------------------------------------------------
Đảng viên Nguyễn Xuân Hữu, phường Tam Phước, TP Biên Hòa (Đồng Nai):
Khéo gợi mở vấn đề thảo luận
Sinh hoạt chi bộ là một chế độ của Đảng, có tác động trực tiếp đến quá trình lãnh đạo và quá trình nhận thức của mỗi đảng viên. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thực chất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng.
Tuy nhiên, để sinh hoạt chi bộ có chất lượng thì khâu thảo luận của các đảng viên phải bảo đảm dân chủ, chất lượng, đúng hướng, đúng trọng tâm. Trên thực tế, không ít chi bộ sinh hoạt định kỳ mang tính chiếu lệ, rất ít ý kiến, thậm chí không có ý kiến nào tham gia thảo luận, đóng góp vào dự thảo nghị quyết. Nguyên nhân vừa do tinh thần trách nhiệm của đảng viên, vừa do công tác điều hành của người chủ trì sinh hoạt.
Một buổi sinh hoạt chi bộ mà đảng viên luôn thờ ơ, bí thư độc thoại, dự thảo nghị quyết được nêu ra chẳng ai quan tâm... thì rõ ràng đó là một buổi sinh hoạt không thành công, đồng nghĩa với vai trò lãnh đạo của chi bộ không được phát huy, tính tiên phong, gương mẫu của các đảng viên cũng không được thể hiện rõ nét.
Do vậy, để các đảng viên hăng hái phát biểu tham luận xây dựng nghị quyết chi bộ, theo tôi, người chủ trì phải linh hoạt, khéo léo gợi mở vấn đề cần lấy ý kiến, khơi dậy ý thức trách nhiệm vì tập thể của mỗi đảng viên; kết hợp giữa tự giác phát biểu và chỉ định khi cần thiết; đặt ra những câu hỏi liên quan đến nội dung trọng tâm để đảng viên trả lời... Đây cũng là một cách điều hành để buổi sinh hoạt chi bộ thêm sôi nổi, chất lượng... Bên cạnh đó, người chủ trì cần quan tâm đến tâm lý “nói ra chẳng ích gì” hoặc “nói tràn lan” ở một số đảng viên để điều chỉnh kịp thời giúp cho buổi sinh hoạt chi bộ thực sự ý nghĩa, có “sức nặng”, để cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đúng tinh thần nghị quyết đề ra.