Xây dựng Đảng về văn hóa gắn liền với xây dựng Đảng về đạo đức là một thành tố quan trọng, thấm sâu vào các yếu tố chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ của Đảng. Đây là bài học lớn, được đúc kết sâu sắc từ thực tiễn phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cũng như trong suốt hơn 90 năm qua kể từ khi Đảng ta ra đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh"... Nội dung, yêu cầu xây dựng văn hóa trong Đảng lần đầu tiên được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998): “Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng”. Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI xác định: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Đại hội XII tiếp tục xác định: “Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng”.
Thực hiện chủ trương xây dựng Đảng về văn hóa, trong nhiệm kỳ qua, các giá trị, chuẩn mực văn hóa lãnh đạo, cầm quyền đã được xây dựng, phát triển gắn với văn hóa chính trị, văn hóa công vụ. Văn hóa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, văn hóa nơi công sở từng bước được triển khai thực hiện, góp phần quan trọng vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ và đồng thuận xã hội, tạo nên thắng lợi của công cuộc đổi mới 35 năm qua.
Tuy nhiên, ở nơi này, nơi khác, vẫn có biểu hiện chưa nhận thức sâu sắc, chưa thực sự chú trọng đúng mức vấn đề xây dựng Đảng về văn hóa; việc thực hiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ có phần lúng túng, thiếu đồng bộ; vẫn còn tình trạng “hành chính hóa”, “công chức hóa”, “viên chức hóa”. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; còn có hiện tượng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ ở một số tổ chức. Những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn biến phức tạp, tham nhũng, lãng phí tuy đã từng bước được ngăn chặn hiệu quả nhưng vẫn còn nghiêm trọng... Đó là thách thức lớn, làm tổn thương tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã nêu 5 định hướng lớn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó có chủ tương “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Điều đó thể hiện tư duy mới của Đảng, đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức và cán bộ, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ của Đảng. Những nội dung này cũng đã được đề cập rất cụ thể trong Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến xây dựng Đảng về văn hóa, với nghĩa là văn hóa của Đảng cầm quyền trong điều kiện mới.
Vì vậy, cần bổ sung định hướng xây dựng Đảng về văn hóa. Sửa thành “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và văn hóa, tổ chức và cán bộ”. Theo đó, bổ sung nội dung: “Tập trung xây dựng Đảng về văn hóa, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào tổ chức và hoạt động của Đảng, xây dựng, thực hành hệ giá trị văn hóa của Đảng cầm quyền phù hợp với điều kiện mới”. Những tiêu chí cơ bản của hệ giá trị này là: Tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, phải coi lợi ích của quốc gia dân tộc là tối thượng, lợi ích của nhân dân là sống còn, lợi ích của giai cấp công nhân nằm trong sự thống nhất với lợi ích của nhân dân và của dân tộc; Phải kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Gắn bó máu thịt với nhân dân; là người lãnh đạo đồng thời là đày tớ thật trung thành của nhân dân, phải mẫu mực nêu gương về mọi mặt; nội bộ đoàn kết, thống nhất, thực hành dân chủ, giữ vững nguyên tắc, kỷ cương; Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời cũng là một bộ phận của hệ thống ấy, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; Phải có tính chiến đấu cao, kiên quyết chống mọi kẻ thù, nhất là chống chủ nghĩa cá nhân, tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân.
Về giải pháp. Trước hết, cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phải coi chính trị, tư tưởng là then chốt; đạo đức và văn hóa là nền tảng; tổ chức và cán bộ là trung tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Cần đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm. Đấu tranh phản bác các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp tục đổi mới bộ máy của Đảng theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, gắn với hoàn thiện bộ máy Nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định rõ quan hệ giữa tập thể lãnh đạo với cá nhân phụ trách; quyền hạn đi đôi với trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, đề cao tự phê bình và phê bình. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương. Mọi tổ chức Đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần văn hóa ở mọi lúc mọi nơi, làm cho văn hóa thấm sâu vào suy nghĩ và việc làm, tư tưởng và hành động, bảo đảm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng của Đảng ta và góp phần hoàn thiện phương thức, phong cách lãnh đạo của các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đại tá, TS NGUYỄN NHƯ TRÚC, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7