Vai trò "tổng chỉ huy" của Ban chỉ đạo

Phóng viên (PV): Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn”. Xin đồng chí cho biết, là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, PCTN nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã có những đột phá gì trong công tác này?

Đồng chí Trần Ngọc Liêm: Trước tiên, phải kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo với những điều chỉnh có ý nghĩa đột phá đã tạo nên những kết quả tích cực, đặc biệt là vai trò của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về PCTN do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. BCĐ thực sự là “tổng chỉ huy”, “nhạc trưởng” của công tác PCTN với những đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động. 

 

BCĐ đã lựa chọn những khâu yếu, việc khó để tập trung chỉ đạo khắc phục; làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, bài bản, nền nếp, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, quyết tâm cao, hiệu quả công việc ngày càng rõ rệt.

Đồng chí Trần Ngọc Liêm, Phó tổng Thanh tra Chính phủ. Ảnh: TTXVN  

Đột phá quan trọng tiếp theo là việc phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác PCTN được tăng cường, nhất là phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, giám sát, nội chính của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra; giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra; giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương, địa phương và các bộ, ngành.

 

Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm

Những kết quả trên cho thấy, chúng ta đã thực hiện rất nghiêm túc tư tưởng chỉ đạo và quan điểm: Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ.

Cùng với tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực: Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án từ mức dưới 10% năm 2013, đã tăng lên 32,04% (bình quân trong giai đoạn 2013-2020). Đây là bước đột phá trong xử lý tham nhũng, góp phần quan trọng làm triệt tiêu động cơ kinh tế của tham nhũng và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra.

Điểm đột phá quan trọng nữa là công tác cán bộ đã có nhiều đổi mới, bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, đúng quy trình, bảo đảm sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng. Nhiều quy định được ban hành đồng bộ, khả thi, đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trong công tác cán bộ. Tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, biểu hiện cục bộ địa phương, “lợi ích nhóm” đã giảm hẳn. Nói công tác cán bộ thời gian qua là nội dung đột phá trong công tác PCTN là hoàn toàn chính xác, bởi chung quy, muốn kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu, triệt tiêu được tham nhũng, thì yếu tố con người là rất quan trọng. Làm tốt công tác cán bộ sẽ giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy lãnh đạo, quản lý. Ngược lại, làm không tốt công tác cán bộ, để tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, sử dụng sai cán bộ, chính là nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Sức mạnh  thể chế và chuyển biến “5 không”

PV: Nhiệm kỳ qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm cán bộ, đảng viên “không thể”, “không dám”, “không cần” tham nhũng. Xin đồng chí cho biết vai trò của công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật trong PCTN và những kết quả nổi bật của công tác này trong nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Trần Ngọc Liêm: Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, thì kinh nghiệm quốc tế cũng như những bài học rút ra từ thực tiễn của nước ta đều cho thấy, phải thiết lập được cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng", cơ chế phát hiện, xử lý hiệu quả để “không dám tham nhũng”, cơ chế bảo đảm, đãi ngộ hợp lý để “không cần, không muốn tham nhũng”. Để thiết lập được các cơ chế đó, việc trước hết phải làm là xây dựng và hoàn thiện thể chế. Các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTN phải được thể chế hóa thành pháp luật. Các quy định của pháp luật phải được rà soát, tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung để ngày càng hoàn thiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hở dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Chính vì vậy, việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn là nội dung trọng tâm của công tác PCTN, không chỉ là hoàn thiện pháp luật về PCTN, mà còn phải hoàn thiện toàn diện chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trước hết là những ngành, lĩnh vực, những khâu nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. 

 

Đặc biệt, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2005), chúng ta đã xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018) với nhiều biện pháp mới, khắc phục những hạn chế và tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công tác PCTN trong thời gian tới.

 Ảnh minh họa/tuyengiao.vn 

Nhìn chung, những kết quả về xây dựng thể chế, chính sách nêu trên đã đề ra được những chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế về kinh tế, xã hội và PCTN. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đặc biệt, các kinh nghiệm tốt của thế giới về PCTN được thể chế hóa trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng đã được nội luật hóa cơ bản đầy đủ trong pháp luật của Việt Nam về PCTN. Do đó, có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về PCTN của chúng ta cơ bản đã đầy đủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCTN. Hiệu quả PCTN chưa cao chủ yếu là ở khâu tổ chức thực hiện.

 

(Còn nữa)

BAN MAI – VĂN PHONG – NGỌC CHUNG (Thực hiện)