Chủ động thay đổi để làm chủ quá trình thay đổi
Mỗi nền kinh tế đều có một vài doanh nghiệp là trụ cột, tạo ra hệ sinh thái cho các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Cột trụ càng to, càng vững thì nền kinh tế càng mạnh. Viettel là một cột trụ của nền kinh tế Việt Nam. Trong các doanh nghiệp quân đội cũng như doanh nghiệp cả nước nói chung, Viettel luôn có một chất riêng. Đây là doanh nghiệp luôn tạo ra được sự khác biệt thú vị từ sự sáng tạo, năng động. Suốt những năm qua, người Viettel luôn thể hiện được bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng. Nhiều trọng trách, nhiều việc khó, việc mới Nhà nước và quân đội chưa biết giao cho ai thì Viettel đã chủ động lãnh trách nhiệm.
Giai đoạn 2015-2020, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra hết sức mau lẹ, xu hướng chuyển đổi số tác động đến mọi nền kinh tế, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức mới cho các công ty công nghệ, trong đó có Viettel. Thị trường viễn thông bão hòa rất nhanh, khiến cho những công ty không kịp thay đổi sẽ chết rất nhanh. Khó ai có thể hình dung các tên tuổi lừng lẫy trong giới công nghệ, tưởng như bất khả xâm phạm như Compaq, Vertu, Palm... bỗng biến mất trên thị trường do không thể cạnh tranh, thua lỗ, phá sản, bị sáp nhập.
 |
Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Viettel thực hiện nghi thức thể hiện mục tiêu kiến tạo xã hội số của Viettel. Ảnh: HẢI LINH |
Thực tế đó buộc Viettel phải luôn tìm cho mình hướng đi mới, tìm nguồn sống mới dồi dào hơn cho giai đoạn phát triển tiếp theo. 5 năm qua, tập đoàn đã mở rộng tổ chức, quy mô với nhiều nhiệm vụ mới cả lĩnh vực viễn thông và phát triển công nghiệp quốc phòng. Thành tựu 5 năm của Viettel trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã thể hiện rõ năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ, của tập đoàn kinh tế vững mạnh hàng đầu đất nước.
Còn nhớ thời điểm năm 2014, Đảng bộ tập đoàn đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ một cách đầy ấn tượng. Theo đó, doanh thu Viettel đạt 197 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng hơn 20%, lợi nhuận trước thuế đạt 42 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 15%. Với kết quả này, Viettel củng cố vững chắc vị trí doanh nghiệp viễn thông dẫn đầu và tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu khi chiếm 12% doanh thu và 23% lợi nhuận của toàn bộ gần 1.000 doanh nghiệp nhà nước. Trong lúc phát triển mạnh như vậy, nhưng Viettel đã không ngủ quên trên chiến thắng, mà luôn tìm cách khởi tạo việc mới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số đã đặt ra cho Viettel một câu hỏi lớn: Chuyển đổi hay là chết?
Viettel đã không chần chừ mà bắt tay ngay vào công cuộc chuyển đổi số từ rất sớm. Để tới nay, Viettel bắt đầu gặt hái những thành quả đầu tiên của cuộc cách mạng đó: Viettel là doanh nghiệp dẫn đầu chuyển đổi số tại Việt Nam, giá trị thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông đứng số 1 Đông Nam Á và 28 trên thế giới. Viettel là một nguồn lực mạnh để hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới là Chính phủ số, để có một hệ thống hành chính nhà nước đơn giản hóa, thông minh hóa, hiệu quả cao.
Kết quả năm 2019, Viettel đạt tổng doanh thu hơn 251.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,5% so với năm 2018, chiếm 50% doanh thu toàn ngành viễn thông, luôn nằm trong nhóm doanh nghiệp hàng đầu của ngành, bảo đảm tốt việc làm và thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel có hiệu quả, là cầu nối tăng cường mối quan hệ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và con người Việt Nam với nhiều nước trên thế giới. Hoạt động nghiên cứu sản xuất vũ khí trang bị kỹ thuật công nghệ cao đã có những thành tựu quan trọng. Viettel cũng tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn, chung tay xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, góp phần đẩy mạnh tin học hóa, số hóa, hiện đại hóa các lĩnh vực của đời sống để người dân được thụ hưởng. Viettel là điểm sáng trong thực hiện chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế, văn hóa, xã hội và kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng.
Những kết quả trên đã tạo niềm tin sâu sắc đối với Đảng và Nhà nước. Trong lễ kỷ niệm 10 năm Viettel đầu tư ra nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Viettel đã đi đầu và phải là nòng cốt trong bước chuyển về sức cạnh tranh và hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta rất cần và mong muốn có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn như Viettel”. Để làm được điều đó, chúng ta cần những đảng viên của Viettel, những người Viettel không ngừng nỗ lực mỗi ngày.
Thời cơ, thách thức đòi hỏi một chiến lược mới
Thiếu tướng Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội cho biết, nhiệm kỳ 2015-2020 đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc cũng như thành công lớn của Viettel trên mọi lĩnh vực.
Nằm trong số 9 tập đoàn kinh tế nhà nước đang hoạt động ở các lĩnh vực trọng yếu, Viettel đã vươn lên trở thành một hình mẫu về sự phát triển bền vững. Điều này có thể nhận thấy dễ dàng qua các biểu hiện toàn diện: Doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; đầu tư nước ngoài có nhiều khởi sắc; thương hiệu giá trị nhất Việt Nam; là doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất; là một trong 10 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; trở thành một trong 500 thương hiệu lớn nhất toàn cầu.
Để có được thành tựu trên, Thiếu tướng Hoàng Sơn cho biết, Đảng ủy tập đoàn đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Từ đó, tập đoàn đã mở rộng tổ chức, quy mô với nhiều nhiệm vụ mới cả lĩnh vực viễn thông và phát triển công nghiệp quốc phòng, tiếp tục thực hiện tái cấu trúc tổ chức đáp ứng chiến lược phát triển trong giai đoạn mới. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Thường vụ Đảng ủy tập đoàn đã có nhiều nghị quyết, trong đó phải kể đến: Nghị quyết về đầu tư quốc tế, nghị quyết về chiến lược nhân lực, nghị quyết về tái cơ cấu… đều là những minh chứng cho sức mạnh của sự đồng thuận.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025 là đại hội đầu tiên trong lịch sử các kỳ đại hội của tập đoàn được chọn làm trước trong Đảng bộ Quân đội. Đại tá Dương Văn Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Viettel cho biết, đối với cấp tập đoàn, mặc dù dự kiến tháng 7-2020 mới tổ chức đại hội, song từ tháng 10-2019, Viettel đã khởi động chuẩn bị cho văn kiện đại hội. Thường vụ Đảng ủy tập đoàn và các cơ quan chủ chốt đã phải trao đi đổi lại nhiều lần, lấy ý kiến, bổ sung, chỉnh sửa để tìm ra một chiến lược hội tụ được trí tuệ, khoa học và có tính khả thi. Đó cũng sẽ là những phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng xuyên suốt để tập đoàn phát triển trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.
Viettel đang ở một giai đoạn mới, đòi hỏi một chiến lược mới với rất nhiều thách thức mới, thời cơ, vận hội mới. Viettel chịu tác động ảnh hưởng nhiều bởi những thay đổi của xu thế chung, do đó cần phải chọn ra một đội ngũ lãnh đạo hạt nhân thực hiện chiến lược mới trong thời kỳ mới. “Các đồng chí lãnh đạo trong Đảng ủy tập đoàn cùng bàn, cùng làm với các đơn vị phụ trách để tìm ra những mục tiêu, hướng đi mới, những lĩnh vực mới, ngành nghề mới và giải pháp mới”, Đại tá Dương Văn Toàn cho biết.
Trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, 2045. Trong đó, có đưa ra phương án nước ta đến năm 2025 cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên các nước có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao. Mục tiêu đó đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên trên cương vị của mình phải nỗ lực vượt bậc, đóng góp công sức, trí tuệ của mình để tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. Trong đó, những đơn vị như Viettel phải thể hiện rõ vai trò trụ cột về kinh tế, công nghệ của mình, góp phần hiện đại hóa quân đội và đất nước, vì sự phát triển bền vững của đất nước, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh quốc gia.
HỒ QUANG PHƯƠNG