Tuy nhiên, đây có lẽ là một mục tiêu đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả mới có thể đạt được mục tiêu cả nhiệm kỳ. Hai yếu tố khách quan tác động hết sức tiêu cực đến việc thực hiện thắng lợi mục tiêu này là đại dịch Covid-19 và sự suy giảm của kinh tế toàn cầu.

Đại dịch Covid-19 là một thảm họa thiên nhiên nằm ngoài dự tính của chúng ta. Mặc dù Việt Nam đã vượt qua đại dịch với những thành tích rất đáng được ghi nhận; chúng ta đã chiến thắng dịch bệnh với tổn thất thuộc vào loại thấp nhất thế giới; chúng ta đã khởi động lại nền kinh tế vào hạng sớm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hệ quả của đại dịch để lại cho nền kinh tế là vô cùng to lớn. Đại dịch đã làm cho các chuỗi cung ứng và sản xuất bị đứt gãy; hàng triệu lao động đã phải di tản về quê; những nguồn lực khổng lồ đã phải bỏ ra để phòng, chống dịch.

Kinh tế thế giới suy giảm cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta. Do nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao, chính vì vậy, tình hình kinh tế thế giới sẽ có tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam. Kinh tế thế giới đã suy giảm nghiêm trọng vì đại dịch và lạm phát. Hiện nay, kinh tế thế giới đang chuyển từ tình trạng lạm phát sang tình trạng trì-lạm (vừa có yếu tố trì trệ, vừa có yếu tố lạm phát). Trong bối cảnh như vậy, kinh tế Việt Nam trong những năm còn lại của nhiệm kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng và khó có được sự tăng trưởng cao hoặc đột biến như những năm trước đây.

Mặc dù kinh tế thế giới đang đối mặt với tình trạng trì-lạm, kinh tế Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng ở mức khá. Nhiều tổ chức quốc tế như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,0-6,5% vào cuối năm 2023, khoảng 6,5-6,8% trong năm 2024 và có thể cao hơn trong năm 2025. Đây là mức tăng trưởng cao của khu vực và thế giới, thế nhưng vẫn chỉ là mức tiếp cận với mục tiêu khoảng 7%/năm đã đề ra. Đó là chưa nói tới sự cần thiết phải tăng trưởng cao hơn để bù đắp cho những năm bị tăng trưởng thấp bởi dịch Covid-19.

leftcenterrightdel

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế được Đại hội XIII của Đảng đề ra cho nhiệm kỳ 2021-2026 là khoảng 6,5-7%/năm. Ảnh minh họa: TTXVN 

Để phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, chúng ta cần tập trung phát huy cao nhất những thế mạnh mà mình đang có.

Trước hết là cần đẩy mạnh hơn nữa và nâng cao hơn nữa hiệu quả của đầu tư công, đặc biệt là đầu tư để thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng cơ sở đã được Đại hội Đảng đề ra. Ngoài ra, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hình thức đối tác công tư (PPP) trong việc triển khai xây dựng các dự án về hạ tầng cơ sở như đường cao tốc, sân bay, cảng biển.

Thứ hai, cần có những phản ứng chính sách quyết liệt hơn và mạch lạc hơn để tháo gỡ những điểm nghẽn hấp thụ vốn của nền kinh tế; cố gắng phục hồi thị trường bất động sản; ổn định thị trường tài chính, xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp; kéo giảm lãi suất trên thị trường.

Thứ ba, tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để đón nhận quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng của thế giới. Quá trình này tuy có suy giảm nhưng vẫn đang phát huy tác dụng đối với Việt Nam.

Thứ tư, khai thác tốt hơn nữa thị trường nội địa. Với dân số 100 triệu người, thị trường nội địa là không hề nhỏ. Lòng yêu nước của người dân có thể góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ năm, phát huy lợi thế tương đối của Việt Nam so với các nước trong khu vực nhờ các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương đã được ký kết. Chúng ta đã ký kết được nhiều hiệp định thương mại tự do mà các nước trong khu vực chưa ký kết được. Đây phải được coi là một lợi thế cần được phát huy. Nhờ các hiệp định thương mại đã ký kết, nhiều hàng hóa của chúng ta đang có sức cạnh tranh lớn hơn không ít nước trong khu vực.

Thứ sáu, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị và môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện. Sự ổn định chính trị là một lợi thế rất lớn của đất nước ta. Có ổn định chính trị mới có thể yên tâm đầu tư. Môi trường đầu tư của Việt Nam cũng đã được cải thiện nhiều so với trước. Tuy nhiên, làm ăn ở Singapore và một số nước ASEAN vẫn đang dễ dàng hơn. Mục tiêu là phải so sánh với các nước trong khu vực để phấn đấu.

Cuối cùng, cần tận dụng tốt hơn nữa lợi thế của địa kinh tế. Việt Nam nằm sát với nền kinh tế đang vươn lên hết sức mạnh mẽ. Đó là nền kinh tế Trung Quốc. Chúng ta cần tận dụng tốt hơn nữa thị trường của nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này.

Bên cạnh việc phát huy các thế mạnh mà Việt Nam đang có, chúng ta cũng cần quan tâm xử lý những vấn đề đang được đặt ra.

Trước hết, đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của không ít cán bộ, công chức bộ máy chính quyền. Các quyết định bị kéo dài đang làm cho chi phí thời gian, chi phí cơ hội đều trở nên vô cùng đắt đỏ. Điều này chắc chắn ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng điều chỉnh đang tác động tiêu cực đến công cuộc làm ăn của người dân và doanh nghiệp. Quá nhiều văn bản pháp luật và sự chồng chéo, xung đột giữa các văn bản pháp luật đang làm cho chi phí thực thi và chi phí tuân thủ tăng lên rất cao; các tiềm năng của đất nước nhiều khi bị trói chặt. Việc cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm nhiều khi cũng do sự chồng chéo, xung đột của các văn bản pháp luật. Một chiến lược lập pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền tự do tài sản, quyền tự do kinh doanh..., đồng thời tạo ra không gian rộng lớn hơn cho sự đổi mới và sáng tạo là rất cần thiết để thúc đẩy kinh tế phát triển.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.