Đại hội XIII của Đảng xác định một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Trong đó ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã xây dựng và triển khai Chỉ thị số 12-CT/TU về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn tỉnh” (gọi tắt là Chỉ thị 12). Bước chuyển động đúng hướng và mạnh mẽ theo tinh thần Chỉ thị 12 đã góp phần tạo được “cú hích” cho Bạc Liêu những năm gần đây.

Xứng đáng với hình ảnh công bộc của dân

Với mục tiêu “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức: Chủ động, sáng tạo, trách nhiệm; nói đi đôi với làm; chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại”, Chỉ thị 12 nhận được sự đồng thuận cao và nhanh chóng có được sự phản hồi tích cực từ các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Tại thời điểm đó, đi đến đâu cũng nghe cán bộ, người dân bàn về Chỉ thị 12, nhất là những nội dung mới được đề cập như: Quy định về việc không sử dụng thời gian làm việc để làm việc riêng; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực...

Đồng chí Lê Văn Tần, Chủ tịch UBND huyện Phước Long chia sẻ: “Nhiều cán bộ, công chức, viên chức phấn khởi vì nhờ quy định gắt gao của Chỉ thị 12 mà họ có thể “danh chính ngôn thuận” nói không với bia, rượu vào buổi trưa, nhất là khi đi công tác. Như vậy vừa giúp cơ sở tiết kiệm chi phí tiếp khách mà bản thân cũng có thể minh mẫn làm việc cho đến hết buổi chiều”.

leftcenterrightdel

Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bạc Liêu giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp công dân. Ảnh: THÚY AN 

Chỉ thị 12 cũng giúp khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, xóa bỏ dần tư tưởng thụ động, không mạnh dạn tham mưu, đề xuất, tắc trách do không nhiệt huyết, đùn đẩy trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Trên tinh thần Chỉ thị 12, đội ngũ nhân lực “vừa hồng vừa chuyên” cũng góp phần vào việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được cấp ủy các cấp tuyên dương, giới thiệu và nhân rộng.

Minh chứng là trên địa bàn TP Bạc Liêu đang nhân rộng mô hình cải cách hành chính “3 trong 1” của đơn vị phường 3 là đăng ký khai sinh, nhập khẩu và làm bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Hay tại huyện Phước Long, người dân rất phấn khởi khi Huyện ủy, UBND huyện đã cụ thể hóa Chỉ thị 12, chỉ đạo thực hiện hàng loạt công trình, phần việc trong cải cách hành chính.

Đơn cử, trong lĩnh vực hành chính tư pháp, theo quy định trước đây thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn phải mất 3 ngày, nay giảm còn 4 giờ; đăng ký hộ kinh doanh cá thể dưới dạng cấp mới, cấp đổi phải mất từ 5 ngày, nay hoàn tất trong ngày. Ngoài ra, tất cả thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường cũng được rút ngắn 2/3 thời gian; thủ tục liên quan đến cấp phép xây dựng nhà ở rút ngắn 10-15 ngày xuống còn 1-3 ngày...

Ở thị xã Giá Rai, người dân nơi đây rất ấn tượng khi thấy nội dung được đặt công khai tại bộ phận một cửa với khẩu hiệu "3 xin": Xin chào khi người dân đến, xin hỏi người dân cần làm gì, xin cảm ơn khi người dân về. Ngoài ra, đơn vị này cũng đang thực hiện mô hình “Cán bộ, đảng viên viết sổ nhật ký công tác tuần” của cá nhân.

Đặc biệt, lấy hiệu quả giải quyết công việc là cơ sở để đánh giá cá nhân, tập thể. Đối với cán bộ, công chức, viên chức luôn có tư tưởng thụ động, chờ sự chỉ đạo của cấp trên, công việc trì trệ thì sẽ đưa vào đánh giá cuối năm, yếu tố để xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, thậm chí có thể điều chuyển, giáng chức nếu không có sự chuyển biến sau khi được rút kinh nghiệm.

Sự rèn luyện, tự trau dồi nghiêm túc cả về năng lực lẫn phẩm chất của cán bộ các cấp trong tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 12 thời gian qua được người dân trong tỉnh đánh giá rất cao. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng kỷ cương, trách nhiệm, đúng với sứ mệnh “công bộc của dân”.

Theo đó, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Hơn 5 năm qua, toàn tỉnh có hơn 21.690 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự nguyện hiến đất mở đường, xây dựng trường học; xây dựng nông thôn mới; ủng hộ hoạt động an sinh xã hội; chung tay phòng, chống dịch Covid-19... bằng tiền mặt, hiện vật quy thành tiền hơn 108,8 tỷ đồng.

Kiểm tra, giám sát để bảo vệ tâm và tài của cán bộ

Trong các hội nghị, đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu luôn nhấn mạnh: “Trong quá trình triển khai đường lối, chủ trương của Đảng mà không kiểm tra, giám sát thì cũng có nghĩa là chưa thật sự đạt hiệu quả trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên, công khai, minh bạch, đúng quy định không chỉ thể hiện sự kiên quyết của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống “giặc nội xâm” mà còn kịp thời ngăn chặn dấu hiệu nhen nhóm trong tư tưởng lệch lạc, suy nghĩ tiêu cực, thiếu trách nhiệm, phai nhạt lý tưởng.

Việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không chỉ tạo được niềm tin về sự vững bền của tổ chức đảng, về một hệ thống chính quyền liêm chính, phục vụ mà quan trọng hơn hết là bảo vệ được đội ngũ cán bộ “khỏe mạnh”, trong sạch trong tư tưởng lẫn hành động, tránh được những tiêu hao về quân số chỉ vì thiếu một trong hai điều kiện cần là tâm và tài.

Trong thực hiện Chỉ thị 12, để đạt được hiệu quả cao nhất, ngay khi đưa vào thực hiện, các cấp ủy, đơn vị cũng đồng thời triển khai giải pháp cực kỳ quan trọng: Tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 12, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tổ chức kiểm tra, giám sát gần 1.110 tổ chức đảng và hơn 820 đảng viên. Riêng ngành nội vụ cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất 85 cuộc tại các đơn vị từ cấp xã đến cấp tỉnh nhằm chấn chỉnh việc đi trễ, về sớm; tình trạng uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; vấn nạn tham nhũng vặt, ứng xử quan liêu với nhân dân, doanh nghiệp ở bộ phận một cửa, tiếp công dân... Qua đó, các trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, các cấp ủy, ngành chức năng đặc biệt chú trọng kiểm tra, chỉ đạo việc giải quyết những vấn đề, vụ việc bức xúc, nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị mà cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân quan tâm, khiếu kiện. Một số cấp ủy, ngành chức năng cho biết, trong số các đợt kiểm tra, giám sát, có không ít vụ việc do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin. Vì vậy, kết luận về những sai phạm, hình thức xử lý cũng được ngành chức năng phối hợp với cơ quan truyền thông công khai thông tin, nhân dân thêm tin tưởng, đồng thuận.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiểm tra nhiều vụ việc bức xúc, kéo dài liên quan đến công tác quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản, đất đai, tài chính, dự án. Và mục tiêu nhất quán vẫn là kiểm tra, giám sát “không có vùng cấm”, việc xử lý kỷ luật thì càng “không có ngoại lệ”. Qua kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 12, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 29 cán bộ, đảng viên (trong đó có 2 phó giám đốc sở); đối với kiểm tra, giám sát của Đảng, đã thi hành kỷ luật 3 tổ chức, kỷ luật 432 đảng viên vi phạm, trong đó áp dụng hình thức cách chức, khai trừ Đảng đối với 68 trường hợp.

Thậm chí, Thường trực Tỉnh ủy cũng rất quyết liệt khi chỉ đạo đưa ra xét xử 5 vụ án liên quan đến tham nhũng, tiêu cực ở huyện Đông Hải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh. Sau hai tháng Chỉ thị 12 ra đời, tại thị xã Giá Rai, người dân gọi điện thoại cho đường dây nóng Thị ủy, ngay tức khắc Tổ kiểm tra của thị xã được chỉ đạo đến hiện trường và lập biên bản 18 cán bộ, công chức tổ chức uống rượu, bia trong giờ làm việc (10 giờ sáng).

Sau đó, đơn vị cũng đã tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, cắt thi đua năm đối với những trường hợp vi phạm này. Đối với quy định về trách nhiệm, công vụ, ngay trong năm đầu triển khai Chỉ thị 12, Huyện ủy Phước Long đã có 1 trường hợp cán bộ xã xin từ chức vì không hoàn thành nhiệm vụ; Thị ủy Giá Rai kỷ luật 1 đảng viên vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trong đường hướng phát triển của tỉnh Bạc Liêu ở bất kỳ giai đoạn nào đều vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng đội ngũ và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng; nguồn nhân lực toàn diện “vừa hồng vừa chuyên” chính là tạo “bệ phóng” tốt nhất cho mục tiêu phát triển bền vững. 

Ngay khi Chỉ thị 12 đi vào đời sống đã tạo sự chuyển biến trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng liêm chính, trên tinh thần phục vụ; giúp Bạc Liêu xây dựng được nguồn nhân lực toàn diện từ tư tưởng đến hành động. Từ đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng vững chắc hơn.

TẠ TRUNG DŨNG, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu