“Ngọc Chiến khác xưa lắm, khác từ chỗ Đảng bộ, chính quyền và đồng bào đã có nhiều tiến bộ trong thay đổi tư duy, một lòng theo Đảng, tích cực học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp thu những cái hay, cái tiến bộ, mang quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu để xây dựng đời sống mới…”, đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, tỉnh Sơn La phấn khởi nói.

Xa ngái Ngọc Chiến

Ngọc Chiến là xã vùng cao cách trung tâm huyện Mường La gần 40km. Toàn xã có 15 bản gồm 4 dân tộc: Thái, Mông, La Ha, Kinh chung sống. Năm 2019 trong chuyến công tác ở Sơn La chúng tôi đã từng có dịp ghé thăm và đều có chung dấu ấn kỷ niệm về Ngọc Chiến là ngoài khung cảnh non nước hữu tình thì đời sống của đồng bào ở hầu hết các thôn, bản còn nhiều gian khổ trong những mái nhà lụp xụp, bám sát các con đường đất nhỏ hẹp, ngoằn nghèo. Cái đói, cái nghèo đeo bám quanh năm, như những viên đá, viên sỏi lổn nhổn bám chặt trên ruộng vườn…

 Quân đội giúp đồng bào xã Ngọc Chiến thu hoạch lúa.

Khi nghe chúng tôi kể những ấn tượng ngày đầu về Ngọc Chiến, anh Thuận vui vẻ chia sẻ: Sự phát triển về kinh tế, xã hội cho Ngọc Chiến là những trăn trở băn khoăn của Huyện ủy, UBND huyện nói riêng và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La nói chung. Bởi tuy Ngọc Chiến là xã cách xa trung tâm nhưng xét về mặt bằng chung Ngọc Chiến có nhiều tiềm năng, lợi thế để xây dựng thành một trong những đầu tàu kinh tế của huyện và tỉnh, như: Thứ nhất, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Tỉnh Sơn La nằm ở độ cao 1.800m so với mặt nước biển; có dòng suối Chiến hiền hòa, trong xanh, hai bên được bao bọc bởi hai cánh rừng chạy dọc xã; diện tích rừng toàn xã là 18.462ha, độ che phủ đạt 87%. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ với nhiệt độ trung bình khoảng 23 độ C… Thứ hai, Ngọc Chiến nằm ở vị trí của vành đai du lịch nối liền Sơn La với các huyện du lịch nổi tiếng của tỉnh Yên Bái như: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ; Thứ ba, Ngọc Chiến có phong cảnh tự nhiên rất đẹp với rừng cây Sơn Tra, cây Đỗ Quyên cả nghìn ha; suối nước nóng… và bản sắc văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc, cùng với nhiều đặc sản tự nhiên.

 Đồng bào các dân tộc ở Ngọc Chiến đoàn kết xây dựng đường giao thông.

Với quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc ở Ngọc Chiến, Huyện ủy, UBND huyện Mường La đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Đảng ủy, UBND xã Ngọc Chiến nghiên cứu xây dựng các chiến lược, chủ trương để biến khó khăn thành lợi thế; đánh thức các tiềm năng của Ngọc Chiến. Ngày 7-10-2019, Ban Thường vụ Huyện ủy ra thông báo số 1456/TB/HU về việc tập trung lãnh đạo phát triển du lịch trên địa bàn huyện đến Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI trong đó xác định: Đối với xã Ngọc Chiến, các cấp, các ngành cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển kinh tế du lịch và phát triển du lịch bền vững, từ đó giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thay đổi tư duy, có hành động cụ thể để xây dựng hình ảnh con người Ngọc Chiến thân thiện, mến khách; xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc (trang phục, tiếng nói, lễ nghi, phong tục tập quán tốt đẹp); tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ; bảo tồn, giữ gìn những nét riêng biệt và khác biệt của du lịch Ngọc Chiến (nét đặc sắc, riêng có của Ngọc Chiến), đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn hướng tới mục tiêu xây dựng xã trọng điểm về du lịch của huyện. Trước mắt, đưa vào quy ước, hương ước để tổ chức triển khai thực hiện. Vận động, tuyên truyền nhân dân tiếp tục hiến đất, góp đất để mở rộng các tuyến đường khu vực bản Mường Chiến, khu vực bản Lướt, Nà Tâu, khu vực trung tâm xã; đồng thời vận động nhân dân xây dựng những tuyến đường hoa kiểu mẫu.

 Cán bộ Quân đội cùng trẻ em trên bản Nậm Nghẹp.

Song song đó, tập trung kêu gọi, thu hút nguồn lực để đầu tư tuyến đường lên xã Ngọc Chiến; sửa chữa, tôn tạo khu di tích lịch sử đồn Mường Chiến; xây dựng đền thờ khu vực cây Sa mu của bản Nà Tâu. Huy động xã hội hóa để đầu tư khai thác, mở cửa vào hang động đã phát hiện để khai thác du lịch. Tiếp tục củng cố các cơ sở du lịch hiện có, từng bước vận động các hộ gia đình nâng cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ du khách (ăn, nghỉ, tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm). Vận động nhân dân từng bước phát triển thêm các cơ sở homestay đảm bảo chất lượng.

Quản lý tốt quy hoạch đất đai, tài nguyên rừng và nguồn khoáng nóng; hành lang an toàn giao thông, xây dựng (vận động nhân dân hoặc đưa vào quy ước việc xây dựng các công trình nhà ở đều được thiết kế, xây dựng theo hướng nhà sàn, không xây nhà lô, nhà ống, nhà cao tầng, tiếp tục giữ những ngôi nhà sàn pơ-mu cổ; thay thế tường bao bê tông bằng tường rào là hệ thống cây xanh tạo không gian thông, thoáng, thân thiện); các điểm vui chơi, du lịch, trải nghiệm của du khách...

Thiếu nữ đồng bào dân tộc xã Ngọc Chiến vui trong ngày hội ở địa phương. 

Đi liền với công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch; phát huy các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương như lúa nếp tan Ngọc Chiến, Sơn Tra Nậm Nghẹp, sản phẩm mây tre đan, các loại sản phẩm nông nghiệp sạch khác để phục vụ nhu cầu ẩm thực, thưởng thức của du khách. Đồng thời quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từng bước tạo thương hiệu cho sản phẩm, phát triển cá nước lạnh. Từng bước khai thác du lịch khu vực lòng hồ thủy điện Nậm Chiến, phát triển và khai thác du lịch rừng trúc, xây dựng du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến theo chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP)…

 Thu hoạch lúa ở Ngọc Chiến.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong thực hiện thông báo số 1456/TB/HU, như: Giao UBND huyện nghiên cứu, tham mưu giúp Ban chấp hành Đảng bộ huyện xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch tại xã Ngọc Chiến giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030 (bao gồm xin ý kiến các ngành; tổ chức hội thảo để xin ý kiến các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu về du lịch để nghị quyết ban hành đảm bảo tính khả thi). Thường xuyên báo cáo kết quả triển khai, đề xuất kiến nghị về Ban Thường vụ Huyện ủy... Ngay như đồng chí Bí thư Huyện ủy Vũ Đức Thuận, anh cũng thường xuyên sắp xếp công việc để dành thời gian về Ngọc Chiến. Đợt này, vì có việc nên anh vào Ngọc Chiến cùng chúng tôi và cũng là lần thứ 5 trong tuần, anh đến đó để trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và sẻ chia khó khăn với Ngọc Chiến. Đây chính là những nền tảng quan trọng để Ngọc Chiến thực hiện trỗi dậy sau những ngày dài “ngủ quên” bên dòng suối Chiến, xây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân.

Vùng đất mới

Đúng như lời anh Thuận nói, chúng tôi đã cảm nhận được sự đổi thay của Ngọc Chiến khi xe vừa vượt qua dãy núi Sam Síp vào địa bàn xã. Ví như, tuyến đường tỉnh 109 – tuyến đường chính của xã từ đỉnh Sam Síp đến xã Nặm Khắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, ngày trước bề rộng khoảng 5m gập ghềnh ổ trâu, ổ gà đan xen, giờ đã được mở to rất nhiều từ 7-12m, mềm như dải lụa vắt qua các sườn núi, đồi và còn có hơn 2.100 cột đèn năng lượng mặt trời dọc tuyến để soi đường cho nhân dân đi lại an toàn trong đêm tối.

Khu chong chóng khổng lồ của xã Ngọc Chiến thu hút nhiều du khách ghé thăm.

Hay, những bản làng ngày trước xác xơ, giờ đã thay da, đổi thịt níu bước chân chúng tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên. Điển hình là bản Kẻ (Ngọc Chiến), trước kia là điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường, nay trở thành một trong những điểm sáng về không gian sống xanh-sạch-đẹp với nhiều ngôi nhà mới khang trang được làm, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân thay đổi. Không những thế, ở bản Kẻ còn có khu Chum Đá Lẩu Xá, lôi cuốn du khách đến chiêm ngưỡng sự độc đáo của các chiếc chum to, nhỏ khác nhau được đồng bào La Ha gắn kết từ các viên đá cuội xếp đều dọc theo lối đi vào nhà sàn cộng đồng; các chum đá cuội, cũng là biểu tượng sản phẩm rượu cần truyền thống nổi tiếng thơm, ngon của dân tộc La Ha giới thiệu tới du khách…

 Khung cảnh yên bình ở Ngọc Chiến đẹp như bức tranh.

Càng đi, chúng tôi càng bị cuốn hút bởi nét rất riêng của Ngọc Chiến qua những công trình đá hòa quyện với kiến trúc “xanh”. Nổi bật là, mốc giới đá (là những cột đá được đặt ở vị trí, khoảng cách tại các điểm đầu và cuối mỗi bản, đảm bảo không vi phạm giao thông, không ảnh hưởng đến mĩ quan và không ảnh hưởng đến các công trình xung quanh; tổ chức thực hiện bằng xã hội hóa, mời các họa sĩ Hà Nội lên phối hợp thực hiện; hình vẽ trên các cột đá vẽ các hình ảnh đặc trưng văn hóa của từng bản); những ngôi nhà truyền thống mái lợp pơ-mu, những chiếc cổng chào độc lạ, bức tường nhà kết bằng đá... hòa quện với cỏ cây, hoa lá và dòng suối Chiến trong xanh tạo nên một cảm giác bình yên, thư thái. Trước mỗi công trình bằng đá, Trung tá Trịnh Phú Sơn, phóng viên Ban ảnh Báo Quân đội nhân dân thành viên trong đoàn công tác, say mê chụp hình, ghi lại với mong muốn sáng tác một bộ sưu tập hình ảnh mà anh dự tính đặt tên là “Hoa đá” gắn với phong cảnh non nước hữu tình của Ngọc Chiến.

Hòa vào niềm vui, hứng khởi của chúng tôi về sự đổi mới trên quê hương “Ngọc Chiến”, anh Thuận vui vẻ: Ngày xưa cha ông ta thường dạy: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ngày nay ở Ngọc Chiến, dưới sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đã biến sỏi đá thành các công trình đẹp như hoa, để mang ấm no cho dân bản.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ – DUY ĐÔNG – PHÚ SƠN

(còn nữa)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.