Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27-10-2023 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong hoạt động tố tụng, thi hành án là rất kịp thời, cần thiết và mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực, nhận diện, phát hiện và đấu tranh PCTNTC trong lĩnh vực này rất khó khăn, phức tạp.

Theo các quy định của Đảng và pháp luật hiện hành, một trong những cơ chế kiểm soát quyền lực trong các hoạt động tố tụng và thi hành án là cơ chế giám sát từ các cơ quan dân cử (Quốc hội, HĐND các cấp), MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân. Tuy nhiên, theo phản ánh ở nhiều địa phương, hiện trong các văn bản của Đảng và pháp luật Nhà nước còn thiếu những quy định cụ thể về nội dung, hình thức, quy trình, thủ tục, điều kiện bảo đảm cho các cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tiến hành giám sát đối với hoạt động tố tụng, thi hành án. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn 

Đồng chí Đặng Bá Cường, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng nêu thực tế: Các hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân được quy định khá cụ thể tại Luật MTTQ Việt Nam, như tổ chức đoàn giám sát, tham gia giám sát với các cơ quan có thẩm quyền... Bên cạnh đó, có 5 phương pháp giám sát được quy định trong Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Tuy nhiên, các hình thức, phương pháp giám sát này vẫn chưa có tính khả thi để bảo đảm hiệu lực giám sát các hoạt động tố tụng và thi hành án. Hiện chưa có các quy định cụ thể về quy trình, thủ tục để người có thẩm quyền trưng cầu giám định khi cần thiết trong quá trình giám sát; chưa có quy định về hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân từ chối tham gia giám sát theo yêu cầu của cơ quan dân cử; chưa có quy định về xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan trong cung cấp thông tin, tài liệu cho các chủ thể giám sát theo yêu cầu. 

Để thực hiện tốt Quy định số 132-QĐ/TW, đồng chí Đặng Bá Cường cho rằng, hoạt động tố tụng, thi hành án là hoạt động rất đặc thù nên kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong lĩnh vực này cần có những cơ chế rất đặc thù. Theo đó, cần sớm ban hành những quy định cụ thể về nội dung, hình thức, quy trình thủ tục, điều kiện bảo đảm cho cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân giám sát hiệu quả. Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm tra, giám sát, khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm thì cơ quan kiểm tra, giám sát có thẩm quyền yêu cầu thay đổi người tố tụng, thay đổi cơ quan tiến hành tố tụng và nếu phát hiện xâm phạm hoạt động tư pháp thì kiến nghị cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xử lý. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra, giám sát có thẩm quyền có thể trưng dụng cán bộ tư pháp thuộc cơ quan tố tụng khác để tiến hành tố tụng trong vụ án có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực hoặc dấu hiệu oan sai...

TRẦN MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.