Đến bây giờ, nhiều người dân Hà Tĩnh vẫn chưa thể quên hai trận lũ lịch sử vào năm 2020 đã càn quét làm hơn 4.000 ngôi nhà dân bị hư hỏng, hơn 53.000 hộ dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, nhiều công trình hạ tầng kinh tế bị hư hỏng nặng; tổng thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, đồng thời tìm giải pháp lâu dài tránh lũ, ngày 18-11-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ký ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, với nhiệm vụ trung tâm là huy động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh bão, lũ và xây dựng nhà ở kiên cố cho nhân dân.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ xây dựng do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Nhờ có nghị quyết đúng, cấp ủy sâu sát, thời gian qua, toàn tỉnh đã huy động nguồn kinh phí xây dựng hơn 50 nhà văn hóa cộng đồng và hỗ trợ xây mới hơn 3.630 nhà ở cho người có công, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và hộ bị thiệt hại do thiên tai với tổng kinh phí gần 358 tỷ đồng. Đây là thành công nổi bật của Hà Tĩnh trong thực hiện CSXH cho người dân vừa qua.
Theo đồng chí Lê Ngọc Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, vốn là tỉnh nghèo nên từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về CSXH, tỉnh xác định đây là cơ hội để Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh vươn lên, phát triển. Với tinh thần đó, Hà Tĩnh đã ban hành kịp thời, đồng bộ hệ thống các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện CSXH trên địa bàn tỉnh. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành hai chương trình hành động về: Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 3 chỉ thị về lãnh đạo thực hiện các CSXH về: Công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Cùng với đó, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI đã đề ra, với 25 nhóm chính sách trên các lĩnh vực an sinh xã hội.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh giúp dân gặt lúa tránh bão. Ảnh: VĂN HÙNG
|
Bằng việc tổ chức lãnh đạo khoa học, kịp thời, tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách về giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế-xã hội, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Giai đoạn 2016-2021, tỉnh đã huy động hơn 13.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo. Cùng với các chính sách của Trung ương, Hà Tĩnh đã huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ 30.458 hộ thoát nghèo; 15.895 hộ thoát cận nghèo. Ngoài ra, tỉnh có chính sách riêng về hỗ trợ thu nhập cho người có công, người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hằng năm, có hơn 2.000 đối tượng được hỗ trợ, kinh phí thực hiện khoảng 20 tỷ đồng/năm. Các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, giải quyết việc làm đạt kết quả toàn diện... Với những nỗ lực ấy, đến nay, Hà Tĩnh không còn xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã đặc biệt khó khăn miền núi, thôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Hà Tĩnh giảm còn 3,79% (thấp nhất so với tỷ lệ hộ nghèo của các tỉnh Bắc Trung Bộ, miền Trung Tây Nguyên).
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác CSXH của tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn một số khó khăn, đó là: Kinh phí ngân sách địa phương còn hạn hẹp, việc đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội còn hạn chế; các chính sách an sinh xã hội từ nguồn lực của địa phương còn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về mức sống tối thiểu cho đối tượng yếu thế. Thực tế đây là những vấn đề tồn tại nhiều năm nay và trở thành rào cản công tác an sinh xã hội. Để giải quyết bài toán khó, ngoài sự nỗ lực của địa phương, cần phải có sự giúp sức, tạo nguồn lực từ các cấp. Theo đồng chí Lê Ngọc Châu, để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với Hà Tĩnh, cần các cơ quan chức năng cấp trên tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giáo dục-đào tạo, việc làm. Trong đó chú trọng tạo cơ chế thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội mạnh về nguồn lực, bao phủ toàn diện. Tiếp tục thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững. Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt, tăng hỗ trợ Nhà nước để mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện...
Được biết, năm 2025, Hà Tĩnh phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, vấn đề cấp bách hiện nay đó là đầu tư hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Giải quyết được bài toán khó ấy sẽ tạo động lực thúc đẩy Hà Tĩnh phát triển, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
PHẠM KIÊN