Nhất quán “trên trước, dưới sau”

Nêu gương là một phương thức và thuộc tính của lãnh đạo. Người lãnh đạo là người dẫn đường, truyền cảm hứng, động viên, tổ chức quần chúng nhằm đạt đến mục tiêu, tầm nhìn nhất định. Mục tiêu, tầm nhìn của người lãnh đạo thông thường phải xa hơn quần chúng. Người lãnh đạo là đi tiên phong thực hiện tầm nhìn ấy, phải chấp nhận tất cả những khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro, hy sinh trên con đường mới. Muốn thu hút, lôi kéo quần chúng, người lãnh đạo không chỉ đi tiên phong mà còn là người thực hành nêu gương cho nhiều người đi theo. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: TTXVN 

Nêu gương phải thường xuyên, liên tục vì gương sáng luôn biến đổi theo sự biến đổi xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh tỉnh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Ở nước ta, những người phải có trách nhiệm nêu gương cho nhân dân, trước hết phải là cán bộ, đảng viên (CBĐV) của Đảng. Người giữ cương vị càng cao, chức vụ càng quan trọng thì trách nhiệm nêu gương càng lớn. Chính vì vậy mà khi nói về trách nhiệm nêu gương của CBĐV, các quy định của Đảng đều nhấn mạnh “nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, chỉ rõ yêu cầu: Trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương.

Với tinh thần đó, việc thực hành nêu gương của CBĐV ở tất cả các cấp được Trung ương chỉ rõ: Phải nhất quán theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “nói đi đôi với làm”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức, người lao động. Từ việc nêu gương của mỗi CBĐV hướng tới việc xây dựng tập thể nêu gương, tổ chức đảng nêu gương, toàn Đảng nêu gương.

Để triển khai hiệu quả phương châm ấy, người đứng đầu mỗi cấp phải biết mình đang ở đâu trong quá trình thực hành nêu gương. Người đứng đầu có trách nhiệm khởi tạo phong trào nêu gương trong CBĐV; chịu trách nhiệm về kết quả thực hành nêu gương của mình và ngành, lĩnh vực, cơ quan, địa phương mình quản lý. Trong đó, thực hành nêu gương của bản thân và tổ chức phong trào nêu gương là hai mặt của một vấn đề, đòi hỏi những người đứng đầu phải phân biệt rõ và xử lý hài hòa để tạo xung lực cho việc lãnh đạo bằng nêu gương, cũng như đổi mới phương thức lãnh đạo bằng nêu gương.

Cùng với đó, người đứng đầu cần coi trọng việc đấu tranh chống mọi biểu hiện thiếu lành mạnh, thiếu thực chất trong thực hành nêu gương. Chủ động ngăn chặn, khắc phục triệt để lối nghĩ áp đặt, xơ cứng về nêu gương với những yêu cầu quá đáng, phi thực tế; xóa bỏ tâm lý mặc định cho rằng việc nêu gương là của cán bộ cấp cao, cán bộ cấp trên chứ không thuộc trách nhiệm của mình.

Nói như vậy để thấy, việc nêu gương không đơn thuần vận hành độc đạo xuôi chiều, mà phương châm “trên trước, dưới sau” là xu hướng chủ lưu của quá trình tổ chức thực hành nêu gương. Cán bộ tất cả các cấp, dù ở cương vị nào, vị trí công tác nhỏ nhất đều có thể nêu gương sáng. Chính vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ CBĐV và quần chúng nhân dân, trước hết là sự thay đổi về nhận thức, tư duy theo hướng mở, tránh áp đặt, xuôi chiều. Theo đó, nêu gương dù nhất quán phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, nhưng đồng thời cũng vận hành theo các chiều hướng, phương thức phong phú, đa dạng khác, như: Nêu gương lẫn nhau; nêu gương từ dưới lên, từ cơ sở đến Trung ương; từ chính quyền, đoàn thể đến tổ chức đảng; từ người dân lan vào trong Đảng... Không cứ cán bộ cấp dưới là chỉ biết học tập, noi gương, làm theo cấp trên, mà đôi khi cấp dưới phải nêu gương đối với cấp trên. Trong khi đó, cấp trên cũng rất cần khiêm tốn, cầu tiến học tập, làm theo tấm gương của cán bộ cấp dưới và quần chúng... Cho nên trước khi đặt ra yêu cầu rất cao về hiệu quả thực hành nêu gương của cán bộ cấp cao, cán bộ cấp trên, thì bản thân cán bộ cấp dưới và quần chúng cũng cần nhận thức rõ về mình, đánh giá đúng bản thân trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm để hiện thực hóa và nâng cao chất lượng của phương thức lãnh đạo bằng nêu gương.

Dẫn dắt, tầm soát nêu gương

Mấy năm trước, câu chuyện của Trịnh Xuân Thanh, khi đương chức Chủ tịch Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) được tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác... khiến dư luận xã hội lúc bấy giờ đánh giá cán bộ này là điển hình tiêu biểu, tấm gương sáng trong công tác, cống hiến, dấn thân. Thế nhưng, mãi đến khi quan chức này bị nhúng chàm, bị xử lý kỷ luật thì mới có “chiếu lệnh” hủy bỏ các quyết định khen thưởng, và rồi “tấm gương Trịnh Xuân Thanh” bỗng chốc vỡ vụn trong ánh nhìn của quần chúng. Nhắc lại câu chuyện cũ để thấy một thực tế đau lòng, là dù Trịnh Xuân Thanh chẳng hề nêu gương, thậm chí là bêu gương, nhưng tại sao vẫn có thể vụt sáng thành một tấm gương mẫu mực. Tại sao điều phi lý ấy lại tồn tại và phải chăng hiệu quả tầm soát, đánh giá hiệu quả thực hành nêu gương của cán bộ chưa được quan tâm đúng mức, hay chưa được triển khai?

Điều đáng nói là cả 7 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII vừa bị cách chức, thôi chức, hay bị khai trừ Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đều là do những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng từ những nhiệm kỳ trước. Mới đây, nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Thuận trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp bị kỷ luật có lẽ là một "kỷ lục" khó phá vỡ... Trong khi, những cán bộ liên quan đều hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng là những công bộc mẫu mực nêu gương. Vậy nên, câu hỏi khá bức xúc đặt ra là: Tổ chức đã ở đâu lại để cho những tấm gương bẩn đục kia vẫn có thể tỏa sáng?

Càng ngẫm càng giật mình bởi những điều vô lý và phi lý. Nhiều năm qua, việc thực hành nêu gương của cán bộ chủ trì, chủ chốt như thế nào, đạt được đến đâu gần như cấp ủy, tổ chức đảng đều có thể “cân, đo, đong, đếm” được. Cán bộ và quần chúng đều thấu rõ ai là cán bộ nêu gương, ai chưa nêu gương; ai rơi vào các biểu hiện suy thoái, biến chất; ai giàu lên bất thường; ai còn mệnh lệnh, độc đoán, xa rời quần chúng... Thế nhưng, chính vì sự phương phưởng hóa, thiếu định lượng, thậm chí chưa thể định tính trong việc tầm soát hiệu quả thực hành nêu gương nên gây khó cho công tác đánh giá cán bộ. Vì không thể lượng hóa nên việc đấu tranh, phê bình hoặc thể hiện chính kiến bảo vệ, xây dựng điển hình, lựa chọn cán bộ tốt, đủ tâm và tầm cho tổ chức ở cấp mình cũng đặt ra nhiều khó khăn, trăn trở.

Bởi thế chăng, mà hàng nghìn vụ án tiêu cực trong Đảng được đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật, hầu hết chưa có cấp ủy, chi bộ nào phát hiện CBĐV vi phạm kỷ luật, không nhận ra họ thiếu tu dưỡng rèn luyện, chưa đề cao trách nhiệm nêu gương. Hiếm thấy cấp trên trực tiếp phát hiện cấp dưới sai phạm để xử lý và càng hiếm có chuyện cấp dưới phát hiện cấp trên sai phạm, phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền về việc cán bộ cấp trên chưa nêu gương.

Thực trạng trên có nguyên nhân từ chính sự lũng đoạn quyền lực của người đứng đầu, của nhóm lợi ích, ngáng trở và thậm chí trù dập những người "thấp bé, nhẹ cân" dám đấu tranh với việc làm sai trái của họ. Thế nhưng, nguyên nhân quan trọng khác là bởi vai trò, hiệu quả giám sát của quần chúng, các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng còn quá nhiều yếu kém; không ít cán bộ có mắt mà như mù, có tai mà giả điếc, mặc kệ ai thích làm gì thì làm.

Nên nhớ rằng, một trong những nội dung quan trọng cần phải thực hành nêu gương của CBĐV được Đảng ta xác định chính là phải nêu gương tự phê bình và phê bình (TPB-PB). Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu CBĐV phải nêu gương nghiêm chỉnh TPB-PB, vì đó là “cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Bác khẳng định: “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như cần không khí”; đồng thời yêu cầu: “Cán bộ cao cấp phải xung phong gương mẫu trong TPB-PB”, bởi vì: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện TPB-PB, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”.

Từ những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng việc phát huy vai trò thực hành nêu gương TPB-PB trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Nghị  quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu 4 giải pháp cần tiến hành, trong đó nhóm giải pháp về TPB-PB, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên được đưa lên hàng đầu. Đến Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tiếp tục khẳng định giải pháp hàng đầu là về nêu gương TPB-PB của CBĐV, nhất là cán bộ cấp cao. Như vậy, TPB-PB được coi là “vũ khí”, “chìa khóa thành công”, là sự đột phá của khâu đột phá, là một trong những bước then chốt của công tác then chốt xây dựng Đảng. Cho nên CBĐV, nhất là cán bộ cấp cao, người đứng đầu cần phải gương mẫu trong TPB-PB, “tự soi, tự sửa” để cấp dưới và nhân dân học tập, noi theo; đó là phương thức lãnh đạo nhân văn của Đảng ta.

Vậy nên, chính việc không nêu gương TPB-PB là nguyên nhân cho những hư hỏng, yếu kém của một bộ phận cán bộ thời gian qua. Một hiện tượng khá phổ biến trong sinh hoạt đảng hiện nay là TPB-PB diễn ra thiếu nghiêm túc, qua loa, chiếu lệ; dễ người dễ ta, có biểu hiện thỏa hiệp, không tỏ thái độ đúng, sai; không phê bình ai để không ai phê bình mình. Phê bình người không mang tính xây dựng, có khi mang tính triệt hạ nhau hay phê bình nịnh bợ, tâng bốc nhau. Đánh giá về thực trạng này, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, chỉ rõ: Một số CBĐV thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Nhiều CBĐV, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cán bộ lãnh đạo chưa nghiêm túc nêu gương TPB-PB.

“... Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi CBĐV phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng”-Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

(còn nữa)

NGUYỄN TẤN TUÂN