Đối với Trung Quốc, Việt Nam được coi là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách ngoại giao láng giềng, là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trong sự phát triển lâu dài của quan hệ Trung-Việt, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Một trong những thành tựu đáng chú ý của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước đó chính là vượt khuôn khổ song phương, hai nước đẩy mạnh điều phối, hợp tác trong các cơ chế đa phương ở khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, cùng với các nước tích cực tham gia đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Trong Diễn tập thực địa cuối chu kỳ Nhóm chuyên gia gìn giữ hòa bình (GGHB) chu kỳ 4 (2021-2023) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) do Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì tổ chức, dự kiến khai mạc ngày 13-9 tới đây, việc Trung Quốc cử đoàn chuyên gia và học viên tham gia với số lượng đông đảo đã cho thấy sự ủng hộ của Trung Quốc đối với vai trò nước chủ nhà của Việt Nam trong các sự kiện đa phương quốc tế nói chung và hoạt động tham gia GGHB Liên hợp quốc (LHQ) của Việt Nam nói riêng.
Đối với Việt Nam và Trung Quốc, hợp tác trong hoạt động GGHB LHQ là một lĩnh vực hợp tác mới và đang mở ra những triển vọng tích cực. Tại các địa bàn phái bộ GGHB, các lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ của hai nước đang cùng nhau nỗ lực đóng góp cho sứ mệnh chung. Trong thư gửi tới chỉ huy Đội Công binh số 1 Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Phái bộ An ninh lâm thời LHQ ở Abyei về nước, chỉ huy của đơn vị Trung Quốc tại phái bộ đã bày tỏ rằng “với tư cách là những người hàng xóm, bạn bè, đồng chí và đối tác tốt” mong muốn được tăng cường mối quan hệ hợp tác với đơn vị công binh Việt Nam, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các hoạt động GGHB, để “cùng nhau đưa Abyei trở thành một nơi tốt đẹp hơn”. Chỉ huy đơn vị Trung Quốc ở Abyei cũng nhắc tới mối quan hệ láng giềng như tình anh em mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc và câu ngạn ngữ của Trung Quốc rằng: “Khi anh em đồng tâm nhất trí, họ có sức mạnh để cắt cả kim loại”.
Những hoạt động hợp tác đi vào thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước sẽ góp phần làm sâu sắc hơn nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. Có thể khẳng định, chính quyết tâm chính trị cao của các nhà lãnh đạo hai nước đã tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì lợi ích của mỗi quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực cũng như thế giới. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước tăng cường phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị hợp tác Á-Âu lần thứ nhất (ASEM), Mekong-Lan Thương... Hai bên đã phối hợp, hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế và diễn đàn đa phương này, góp phần thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới, chung tay ứng phó với những thách thức đang nổi lên đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.
Việt Nam là một trong những nước thành viên tích cực, chủ động và sẵn sàng ủng hộ cũng như thúc đẩy quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh, trên nền tảng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác truyền thống tốt đẹp với Trung Quốc, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực góp phần vun đắp cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc phát triển đúng tầm mức đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, đóng góp quan trọng củng cố, tăng cường hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng dành cho Việt Nam những sự ủng hộ trong ASEAN cũng như trên các diễn đàn đa phương ở khu vực. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp, ủng hộ tích cực của Trung Quốc, nhất là trong nhiệm kỳ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ, hợp tác tích cực của Trung Quốc trong thời gian Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Có thể nói, Việt Nam đã đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và việc Trung Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện đầu tiên của ASEAN vào cuối năm 2021, đã phần nào phản ánh hiệu quả thiết thực và giá trị của sự ủng hộ lẫn nhau giữa hai quốc gia láng giềng tại diễn đàn ASEAN, cũng như các diễn đàn hợp tác ở khu vực.
Với nỗ lực của các bên, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc tiếp tục phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực, đưa quan hệ ASEAN-Trung Quốc trở thành trụ cột quan trọng cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của khu vực. Trung Quốc từng nhiều lần truyền đi thông điệp sẵn sàng là nước đầu tiên ký Nghị định thư của Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) để hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN nhằm giữ cho Đông Nam Á trở thành một khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Hiện chưa có nước nào trong số 5 cường quốc hạt nhân thế giới gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc ký Nghị định thư của hiệp ước này.
Trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Trung Quốc, có thể khẳng định quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung đang trên đà phát triển tốt đẹp và rộng mở những cơ hội mới, đóng vai trò bổ sung thực chất và hiệu quả, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác ở khu vực cũng như trên thế giới.
HẠNH NGUYÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.