Những băn khoăn từ cơ sở
Trong một cuộc họp triển khai nhiệm vụ, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã tự nhận hạ một bậc thi đua của mình vì lý do giải ngân vốn đầu tư công của thành phố giai đoạn đó thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Đây là lĩnh vực đồng chí phụ trách. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng, nêu gương để cấp dưới có thêm động lực phấn đấu thi đua một cách lành mạnh, thực chất. Từ câu chuyện trên, chúng ta càng thêm trăn trở bởi thời gian qua, có nhiều tập thể, cá nhân phải thu hồi khen thưởng vì vướng vào vòng lao lý với những vi phạm rất nghiêm trọng. Lại có những tập thể, cá nhân mặc dù chất lượng công việc không cao, mức độ hoàn thành nhiệm vụ chưa tương xứng, chưa tiêu biểu nhưng khi bình xét, bằng cách này, cách khác luôn xếp bậc thi đua ở mức cao.
Không thể phủ nhận, những năm gần đây, công tác tổ chức thi đua ở các cấp, nhất là ở cơ sở đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện công tác TĐKT cũng gặp không ít tồn tại, vướng mắc. Cách đây chưa lâu, chúng tôi có dịp về một đơn vị được giới thiệu là tiêu biểu trong phong trào thi đua, nhưng thực tế thì hạt nhân được nhiều người ví như “gà nòi”, khó tìm được thành tích nổi trội, thậm chí phong cách làm việc có phần trầm, uể oải. Tìm hiểu mới biết, mấy năm nay, đơn vị thực hiện tuần tự thay nhau nhận khen thưởng nên năm nào không nằm trong kế hoạch thì nhiều cán bộ, chiến sĩ chỉ làm việc kiểu cầm chừng, ở mức hoàn thành nhiệm vụ.
|
|
Ảnh minh họa/giaoduc.net.vn |
Lại có đơn vị vì sợ tập thể mất danh hiệu, hạ bậc thi đua nên một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động vi phạm kỷ luật nhưng cấp ủy, chỉ huy không báo cáo hoặc tìm cách nói giảm, nói tránh để đủ điều kiện được biểu dương, khen thưởng. Cũng vì thế mà thành tích thì tô hồng, có một thì nói lên mười. Cơ quan, đơn vị, địa phương công việc diễn ra bình bình, không có gì nổi trội nhưng thành tích trong báo cáo lại có nhiều điểm “nổi bật”, có khi được thổi phồng lên một cách không ngờ, chỉ tới khi vi phạm đến mức phải xử lý thì "cháy nhà mới ra mặt chuột".
Một số cơ quan, đơn vị, công tác TĐKT lại nặng về phần hội, lúc phát động thì “trống giong cờ mở”, tốn kém về kinh phí, nhưng sau “phát” lại không thấy “động”, không quan tâm tổ chức thi đua, không phát hiện, nhân rộng điển hình. Vì vậy, sức lan tỏa của điển hình tiên tiến trong cộng đồng, xã hội chưa cao.
Thi đua phải gắn liền với khen thưởng. Song công tác khen thưởng ở một số nơi chưa bám sát các phong trào thi đua, chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ, cơ sở để khen thưởng. Minh chứng là cá biệt vẫn có những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu; có trường hợp khen thưởng thiếu chính xác, khen do nể nang, cào bằng nên chưa phát huy được tác dụng giáo dục, nêu gương và lan tỏa.
Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song cơ bản do nhận thức về vai trò, tác dụng của công tác TĐKT ở một số cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, chưa thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo. Một số nơi còn coi nhẹ vai trò, tác dụng của công tác thi đua hoặc giao khoán cho cơ quan chuyên trách làm công tác TĐKT thực hiện nên chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mặt công tác này. Công tác thi đua ở một số đơn vị cấp cơ sở chưa liên tục, nội dung chưa phong phú, chưa gắn với giải quyết các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tố điển hình trong phong trào thi đua chưa được quan tâm đúng mức. Hệ quả của việc thi đua thiếu thực chất, mắc bệnh hình thức khiến cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức đoàn thể lầm tưởng cái gì cấp dưới của mình thực hiện cũng hay, cũng tốt dẫn đến đánh giá, nhận định sai.
Để thi đua là “đòn bẩy” cho sự phát triển
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ”. Để công tác TĐKT thực sự là “đòn bẩy”, trở thành động lực kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, phát huy hết tài năng của mình trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị, trước hết phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể với công tác TĐKT. Theo đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác TĐKT. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc việc thi đua chứ không phải ganh đua; tránh mọi biểu hiện háo danh, thành tích ảo; thậm chí dùng mọi thủ đoạn để tranh giành, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau.
Để công tác thi đua hiệu quả, thực chất, cần nhất quán hướng về cơ sở và được tổ chức phát động với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có tiêu chí thi đua cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình, chức năng của từng cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt được càng cao. Vì vậy, cần có phương pháp, định hướng thiết thực, rõ ràng, kiên quyết chống bệnh hình thức, nói cho hay, cho nhiều chứ không làm hoặc làm không có kết quả. Mặt khác, hướng phong trào thi đua vào việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những mặt còn hạn chế, yếu kém, những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác TĐKT, đặc biệt là quy định về các tiêu chí TĐKT; quy chế hoạt động của hội đồng TĐKT theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành của Nhà nước và thực tiễn của cơ quan. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát các phong trào thi đua và công tác khen thưởng theo đúng quy định pháp luật.
Để tạo được bước chuyển biến cơ bản, công tác thi đua phải xây dựng được những điển hình tiên tiến. Đây là khâu quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm của công tác TĐKT. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, trong đó chú trọng khâu bồi dưỡng và nhân rộng điển hình bằng các hình thức, như: Tổ chức giao lưu, tọa đàm giới thiệu điển hình; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Thi đua gắn liền với khen thưởng. Việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và kịp thời. Khắc phục tình trạng cả nể, bệnh thành tích trong khen thưởng; thực hiện xét, đề nghị khen thưởng từ cấp cơ sở, bảo đảm chính xác, kịp thời, công bằng, dân chủ, công khai. Việc khen thưởng cần kịp thời, đúng người, đúng việc sẽ lan tỏa rộng rãi những điều tốt đẹp ra toàn xã hội. Thời gian qua, việc cơ quan có thẩm quyền ngay lập tức thăng cấp và khen thưởng đột xuất hành động quả cảm của những “anh hùng giữa đời thường” cũng như khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi bật được nhân dân cả nước đồng tình, tạo sức lan tỏa, khuyến khích, thôi thúc những tập thể, cá nhân khác tự nguyện tham gia phong trào thi đua, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
PHẠM QUANG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.