Cây có cội, sông có nguồn
Những cuộc gặp gỡ, đối thoại với người Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Hoa Kỳ là một trong những dấu ấn của chuyến đi. Các cuộc gặp gỡ ấy trở thành những cuộc trao đổi, tâm tình giữa những người trong cùng một gia đình, qua đó thấy được người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu cũng hướng về quê cha đất tổ, với tình nghĩa đồng bào.
Trong cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với đồng bào Việt Nam tại Washington DC do Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức, bà con đến từ rất sớm. Giáo sư Giang Đạo, Đại học Minnesota là người dân tộc Mông gốc ở tỉnh Hà Giang, sang Hoa Kỳ hơn 40 năm nay. Ông là người dân tộc Mông đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ ngành Khoa học xã hội tại Hoa Kỳ. Ông cùng vợ và vợ chồng em gái đến dự cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong trang phục quần áo thổ cẩm, vòng bạc đặc trưng của dân tộc Mông. Ông cho biết, hiện nay số người Mông ở Hoa Kỳ khoảng 350.000 người, sống rải rác tại nhiều tiểu bang, trong đó 950 người đã nhận bằng tiến sĩ, 30.000 người nhận bằng cử nhân của Hoa Kỳ; nhiều người là nghị sĩ, thẩm phán ở các địa phương của Hoa Kỳ, là giám đốc điều hành, bác sĩ, luật sư, công chức nhà nước. Theo Giáo sư Giang Đạo, cộng đồng người Mông ở Hoa Kỳ luôn mong muốn được góp phần xây đắp mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, thắt chặt tình cảm với toàn thể đồng bào trong nước để góp phần dựng xây tương lai tốt đẹp hơn.
Mỗi người Việt Nam ở xa quê hương đến với cuộc gặp đều mang theo một câu chuyện, một nguyện vọng thể hiện tấm lòng hướng về Tổ quốc. Chị Sunny Đặng, nguyên Giám đốc điều hành của Quỹ giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, cần nhiều chất xám, không chỉ trong lĩnh vực khoa học-công nghệ mà còn liên quan tới tài chính, ngân hàng, khởi nghiệp. Do đó, nguồn lực chất xám của người Việt Nam tại Hoa Kỳ cần được tận dụng. Theo chị, có rất nhiều giáo sư người Việt Nam tại Hoa Kỳ muốn đem kiến thức, kinh nghiệm của mình để đóng góp vào việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam. Hiện nay, rất nhiều học sinh Việt Nam có nhu cầu du học tại Hoa Kỳ. Do đó chị cho rằng, các nhà quản lý giáo dục trong nước nên mời gọi để xây dựng chi nhánh các trường đại học uy tín của Hoa Kỳ tại Việt Nam như Đại học Harvard, Đại học Columbia.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ. Ảnh: QUANG PHƯƠNG
|
Những bạn trẻ người Việt Nam tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tạo được niềm tin về một thế hệ thanh niên Việt Nam năng động, tự tin, tài năng, trách nhiệm và giàu lòng yêu nước. Trong khoảng một giờ rưỡi của cuộc đối thoại, rất nhiều câu hỏi thú vị được đặt ra. Em Đỗ Triệu Hải, Trường Chính sách công và Các vấn đề quốc tế, Đại học Columbia chia sẻ rất muốn về Việt Nam thi công chức để từ đó tham gia vào việc hoàn thiện thể chế, một khía cạnh mà đất nước đang rất cần huy động trí tuệ, chất xám. Theo Hải, những thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài nếu có phẩm chất chính trị tốt, năng lực tốt thì nên được trao cơ hội bổ sung vào đội ngũ công chức, tham gia vào việc thiết kế chính sách công. Em Diệp Anh, làm việc trong lĩnh vực truyền thông cho biết, bản thân luôn tự hào mình là người Việt Nam, tự hào về Tổ quốc mình. Em luôn ý thức rằng, việc người Việt ở Hoa Kỳ gây thiện cảm, tạo hình ảnh đẹp với người bản địa là rất quan trọng.
Trong các cuộc gặp đồng bào Việt Nam tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; luôn tạo điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước. Thủ tướng cho rằng, các bạn trẻ Việt Nam ở Hoa Kỳ nếu luôn hướng về Tổ quốc, có những việc làm có ích cho Tổ quốc, là đại sứ, là cầu nối để xây dựng mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam-Hoa Kỳ cũng chính là thể hiện lòng yêu nước. “Gia đình-Tổ quốc gắn bó mật thiết với nhau. Mình không có quyền lựa chọn bố mẹ, quê hương, mỗi người chỉ có một”, Thủ tướng nói.
Vươn tới màu xanh
Tiếp nối phát biểu chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc tọa đàm tại Đại học Harvard về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế; phát biểu tại tọa đàm tại Sàn giao dịch chứng khoán New York khiến giới làm chính sách, các học giả, các doanh nhân Hoa Kỳ và quốc tế hiểu hơn về tư duy của Việt Nam, cách nhìn, cách nghĩ của Việt Nam về các vấn đề. Đó là một cách tiếp cận chân thành, đề cao lòng tin và trách nhiệm trong quan hệ quốc tế, là cách tiếp cận “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” trong làm ăn kinh tế, là luôn đề cao công bằng, công lý và pháp lý quốc tế.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó tổng thư ký LHQ Amina Mohammed đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam trong quan hệ quốc tế hiện nay. Bà cho rằng, tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều khủng hoảng và khác biệt. Bởi, Việt Nam luôn có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương, hòa bình và cải cách LHQ.
Những ngày qua, Thủ tướng đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư lớn trên thế giới đang có mặt tại thị trường Hoa Kỳ. Họ đều thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam. Nhiều hợp đồng kinh tế lớn đã được công bố như trao giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ của Tổng công ty Khí Việt Nam-Công ty Cổ phần (PV GAS) và Tập đoàn AES (Hoa Kỳ); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam-Công ty Cổ phần (PV Power) và Tập đoàn General Electric (GE) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về phát triển giải pháp nâng cao hiệu quả Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 và hợp tác dài hạn về bảo trì Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3&4...
Dư luận nhìn chung đều đánh giá rất cao hoạt động của đoàn đại biểu Việt Nam trong những ngày qua. Chị Thủy Nguyễn-giáo viên tại một trường trung học ở bang Virginia, cho rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng tốt đẹp mang lại lợi ích không chỉ cho đồng bào trong nước mà còn cho chính đồng bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hoa Kỳ. “Qua hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn những ngày qua, người Mỹ ngày càng nhìn người Việt Nam với con mắt thiện cảm. Điều đó mở ra rất nhiều cơ hội cho người Việt Nam ở Mỹ”, chị Thủy Nguyễn nói.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hy vọng thời gian tới, dệt may Việt Nam sẽ tận dụng được thêm cơ hội từ quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa hai nước để tăng thị phần, tạo thêm việc làm cho người lao động Việt Nam.
Tại thành phố San Francisco chiều 17-5, theo giờ địa phương, sẽ diễn ra chương trình Hội thảo xúc tiến du lịch lớn do Vietnam Airlines và Saigontourist đồng tổ chức. Đây là hoạt động nhằm quảng bá du lịch Việt Nam, thu hút du khách Hoa Kỳ và quốc tế đến với Việt Nam khi mà đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát.
Cuộc sống như một cây đời nhiều nhánh, nhiều cành. Những nhánh, những cành ấy biểu tượng cho nhiều con đường khác nhau, sự lựa chọn khác nhau, nhưng đều hướng tới màu xanh, vươn tới màu xanh. Việt Nam và Hoa Kỳ có những khác biệt, nhưng có điểm chung là đều muốn hướng đất nước mình tới phồn vinh, người dân mình tới hạnh phúc. Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam trên đất Hoa Kỳ trong những ngày qua đã tăng cường thêm hiểu biết song phương và đa phương, mở thêm nhiều cơ hội hợp tác cùng phát triển bền vững.
HỒ QUANG PHƯƠNG (Ghi chép từ Hoa Kỳ)