Đây là quyền rất quan trọng của mỗi công dân Việt Nam và nếu mỗi người thực hiện quyền này với tinh thần trách nhiệm cao nhất, chúng ta sẽ có được những người đại biểu thực sự xứng đáng, thực sự vì nước, vì dân mà hành động.
Lãnh đạo về công tác bầu cử, ngay từ đầu năm 2016, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 51-CT/TW, trong đó nêu rõ: "Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng".
Nói chuyện với cử tri trong cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII trước khi cả nước bước vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ mong muốn cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn người đại biểu của mình. “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa tới sao cho thực chất, phải chọn người đủ tâm, đủ đức, đủ tài để lãnh đạo đất nước, không để lọt những người có động cơ không trong sáng vào bộ máy lãnh đạo là những điều ý Đảng, lòng dân mong muốn. Cho nên, mong các đồng chí sáng suốt trong lựa chọn các đại biểu Quốc hội, xử lý giữa chất lượng và cơ cấu, làm thật sự dân chủ, công tâm, khách quan, kỹ lưỡng để chọn đại biểu xứng đáng cho dân”, Tổng Bí thư nói.
Phát biểu với đồng bào, chiến sĩ cả nước trong buổi lễ công bố ngày bầu cử, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia tin tưởng rằng, cử tri sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để thông qua lá phiếu lựa chọn đại biểu của mình vào Quốc hội, HĐND các cấp, để các vị đại biểu nhân dân sẽ thay mặt toàn dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, mang trong mình sức mạnh của nhân dân khi quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.
Cũng từ đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị để đôn đốc các bộ, ngành vào cuộc, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để cử tri cả nước thực hiện quyền công dân. Thủ tướng nhắc lại quan điểm xuyên suốt, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần này được Đảng, Quốc hội, Chính phủ xác định là nhiệm vụ công tác trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong năm 2016; là đợt vận động và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân để lựa chọn, bầu được những đại biểu ưu tú, đại diện cho nhân dân cả nước tại Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất Quốc hội khóa XIV và các đại biểu đại diện cho nhân dân địa phương tại HĐND các cấp, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Từ năm 1946, ngay trước cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta để bầu ra Quốc hội đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á, Quốc hội đầu tiên ở các nước thuộc địa cũ được độc lập, tự do, Bác Hồ cũng đã nhắn nhủ với cử tri và nhân dân cả nước: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu”.
Trao đổi với chúng tôi, cử tri Nguyễn Thị Nhàn (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội) khẳng định, trong tất cả những cuộc bầu cử mà bà được tham gia, bà đều tự tay đi bỏ phiếu và nghiên cứu rất kỹ danh sách, hồ sơ của các ứng cử viên trước khi quyết định lựa chọn người để bầu. “Mình chọn đại biểu là phải “chọn mặt gửi vàng”. Nếu chọn đúng người đại diện cho mình thì quyền lợi của mình, của nhân dân mới được bảo đảm tốt nhất”, bà Nhàn bộc bạch.
Như vậy, từ những ngày đầu thành lập Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đến nay, ý Đảng và lòng dân luôn và đều mong muốn lựa chọn được những vị đại biểu nhân dân thực sự vì dân, vì nước; đủ tâm-tài-tầm lo gánh vác trọng trách mà nhân dân phó thác để quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, nói lên tiếng nói của nhân dân, của cử tri.
Câu nói “sáng suốt lựa chọn đại biểu đủ đức, đủ tài” đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, được coi như một lời kêu gọi rất quen thuộc mà lần bầu cử nào cũng được nhắc lại, nhưng ý nghĩa cảnh báo của nó chưa bao giờ cũ. Thực tế cho thấy, đã có một vài người tìm mọi cách để ứng cử và được bầu, cử tri cũng vì tin tưởng nên bầu họ làm đại biểu Quốc hội. Trở thành đại biểu Quốc hội rồi, họ không hành động như lời hứa với cử tri, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của cử tri và nhân dân. Bà Châu Thị Thu Nga, cựu đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, là một ví dụ điển hình. Bà Nga là người tự ứng cử và được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, trong thời gian làm đại biểu Quốc hội, bà Nga đã không đáp ứng được sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân, lạm dụng quyền đại biểu Quốc hội nên bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội và bị truy tố về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tất nhiên, để nhân dân lựa chọn được người đại biểu tốt nhất cho mình, công tác hiệp thương cần được thực hiện rất kỹ lưỡng, thực sự công tâm, khách quan. Như vậy mới không để lọt vào danh sách những người ứng cử không đủ tiêu chuẩn, bảo đảm để nhân dân có thể lựa chọn những người phù hợp nhất với công việc của người đại biểu nhân dân trong danh sách những ứng cử viên đã đáp ứng đủ tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân.
Mong rằng, trong ngày hội toàn dân ngày 22-5 sắp tới, mỗi cử tri sẽ tiếp tục phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình, nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan đến từng người trong danh sách ứng cử. Đó là cách tốt nhất để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, phát huy quyền làm chủ của mình trong xây dựng bộ máy cơ quan công quyền và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bởi những người được cử tri lựa chọn vào Quốc hội sẽ là những người quyết định bầu ra, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy cơ quan Nhà nước, quyết định nhiều vấn đề khác liên quan tới tổ chức bộ máy Nhà nước, hoạch định chính sách, pháp luật và quyết định tất cả những vấn đề hệ trọng của đất nước…
CHIẾN THẮNG