* Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam:
Năm lý do để khẳng định Quân đội ta cần tiếp tục tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế
Việc quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thực hiện một trong ba chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước giao, theo lời dạy của Bác Hồ: Quân đội ta là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”.
Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời ngày 22-12-1944 từ trước khi Cách mạng Tháng Tám thành công khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nghĩa là từ trước khi lập nước, lúc chưa có Nhà nước. Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, Quân đội ta đã phải mang tinh thần tự lực, tự cường, lấy sức mình để lao động sản xuất, tự nuôi mình, từ đó vận động nhân dân làm cách mạng, chiến đấu để giành độc lập, giải phóng đất nước. Tinh thần tự lực, tự cường ấy của Quân đội ta thể hiện suốt qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.
Đồng chí Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Khi hòa bình lập lại, thì quân đội lại là lực lượng quan trọng được huy động để xây dựng kinh tế đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh. Trải qua quá trình đổi mới và cho tới ngày nay, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế vẫn đang được Quân đội ta thực hiện tốt. Trong điều kiện hiện nay, vai trò của Quân đội ta trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế vẫn hết sức quan trọng. Đó là bởi: Thứ nhất, các đơn vị kinh tế của quân đội vẫn đang đóng góp hiệu quả cho kinh tế-xã hội đất nước thể hiện qua: Nộp ngân sách nhà nước (có doanh nghiệp quân đội đứng đầu danh sách nộp ngân sách nhà nước), xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao tiềm lực của nền kinh tế, bảo đảm các nhu cầu xã hội (viễn thông-công nghệ thông tin, cảng biển, ngân hàng, khám, chữa bệnh...), giải quyết công ăn việc làm. Việc đầu tư ra nước ngoài rất thành công của nhiều doanh nghiệp quân đội tạo ra niềm tin, niềm tự hào và cảm hứng vươn lên rất lớn cho con người Việt Nam. Thứ hai, các doanh nghiệp quân đội có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật cao, năng suất lao động tốt, rất phù hợp với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thứ ba, các đơn vị kinh tế của quân đội đang là một trong những lực lượng chủ lực để nâng cao nền tảng khoa học-công nghệ của quốc gia. Những dự án nghiên cứu, sản xuất công nghiệp quốc phòng rất lớn đang được Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện, có tính chiến lược, trọng yếu về quốc phòng-an ninh (QPAN), có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc. Tôi cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khó có một doanh nghiệp nào ngoài quân đội có thể đảm đương được những nhiệm vụ như vậy. Thứ tư, việc tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là nhằm tiếp tục nuôi dưỡng và nâng cao sức mạnh, năng lực sẵn sàng chiến đấu của toàn quân, bảo đảm thế trận QPAN của quốc gia. Thứ năm, dù kinh tế đất nước có phát triển đến đâu thì vẫn có những vùng có tính đặc thù là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo kinh tế chậm phát triển, nhạy cảm về QPAN nên cần có sự xuất hiện của các đơn vị kinh tế-quốc phòng của quân đội để vừa phát triển kinh tế, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, là phên giậu để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Quân đội ta tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là để đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gần 30 năm làm báo trong quân đội, tôi đã được tiếp xúc với những người lính trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế. Đó là những con người đang cống hiến cho đất nước. Những bạn bè quốc tế mà tôi đã được gặp cũng đều bày tỏ sự ngưỡng mộ với những thành tích “khai sơn phá thạch” của các đơn vị kinh tế quân đội trong xây dựng những công trình lớn cho đất nước, trong việc biến những vùng đất cằn cỗi thành những cánh đồng, những vườn cây ăn trái... Họ cho rằng, Quân đội ta anh hùng cả trong chiến đấu và anh hùng cả trong lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế đất nước. Hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ là một hình ảnh cao quý, thể hiện giá trị thiêng liêng của tinh thần dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ. Với tình cảm và trách nhiệm của mình, giới báo chí Việt Nam sẽ tiếp tục có những tác phẩm tốt để làm rõ được chức năng nhiệm vụ của quân đội trong thời kỳ mới, trong đó có nhiệm vụ tham gia sản xuất và xây dựng kinh tế. (MINH HÀ ghi)
* Đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:
Nên tiếp tục thực hiện hiệu quả kết hợp kinh tế với quốc phòng
Tôi tán thành với nội dung trong loạt bài về kết hợp kinh tế với quốc phòng đăng trên Báo Quân đội nhân dân vừa qua. Đây cũng là vấn đề mà tôi đã trao đổi rất nhiều với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại nhiều hội nghị về những đóng góp rất xứng đáng của quân đội trong việc phát triển kinh tế, xây dựng thế trận quốc phòng nhân dân tại vùng biên giới, hải đảo. Thế trận của nhân dân nhưng quân đội đã đóng vai trò nòng cốt.
Đồng chí Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội:
Tại những nơi này, các đoàn kinh tế-quốc phòng quân đội không chỉ tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng địa phương, mà còn hướng dẫn khoa học kỹ thuật để người dân thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Đây chính là thể hiện tinh thần quân dân một nhà, từ đó góp phần xây dựng thế trận lòng dân một cách vững chắc để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Thời gian qua, quân đội đã chịu trách nhiệm xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới giúp cho nhiều vùng biên cương có cơ hội phát triển, đồng thời góp phần bảo đảm QPAN.
Quân đội đã thực hiện rất hiệu quả trong việc kết hợp kinh tế với quốc phòng. Như chúng ta đều thấy, có nhiều doanh nghiệp của quân đội đã xây dựng thành công nhiều công trình lớn của Đảng và Nhà nước giao bảo đảm được an toàn, an ninh rất tốt. Đồng thời, lực lượng này còn kết hợp với các đơn vị dân sự tham gia xây dựng các công trình dân sinh góp phần thay đổi diện mạo của nhiều vùng quê.
Hiện nay, năng lực sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội là rất lớn, ví dụ như trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, thông tin liên lạc… Bên cạnh đó, một số nhà máy quốc phòng không chỉ sản xuất trang thiết bị phục vụ quốc phòng mà còn tận dụng trang thiết bị đó sản xuất các mặt hàng dân sinh như: Xe đạp, máy móc nông nghiệp… góp phần đóng góp cho ngân sách và tránh lãng phí. Đây chính là việc tận dụng được năng lực sản xuất của quân đội mà lại phục vụ được cho dân sinh. Tôi thấy rằng nên tiếp tục kết hợp giữa nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế với nhiệm vụ quốc phòng, trong đó có vai trò quan trọng của quân đội. (NGUYỄN CƯỜNG ghi)
* Tiến sĩ Trần Bách Hiểu, Phó trưởng bộ môn Chính trị Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Gắn xây dựng kinh tế với nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội
Đối với quân đội các nước trên thế giới, việc nghiên cứu và ứng dụng các chương trình khoa học kỹ thuật vào để hiện đại hóa quân đội vẫn luôn được thực hiện, sau đó, sử dụng các kết quả nghiên cứu đó để làm ra các sản phẩm dân sự, rồi bán các loại vũ khí... nhằm tạo nguồn thu cho quân sự.
Tiến sĩ Trần Bách Hiểu, Phó trưởng bộ môn Chính trị Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Muốn nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội thì quân đội phải tập trung có trọng điểm phát triển kinh tế ở các ngành trọng điểm mang tầm vĩ mô như: Nghiên cứu khoa học-công nghệ, công nghệ thông tin, xây dựng… Việc xây dựng nền quốc phòng vững mạnh gắn với phát triển kinh tế là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, tôi đã có nhiều chuyến đi đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà chỉ nhờ các đoàn kinh tế-quốc phòng, hay Bộ đội Biên phòng hỗ trợ, giúp đỡ thì đồng bào mới có cuộc sống đầy đủ và ấm no. Mỗi một mô hình phát triển kinh tế của bộ đội luôn gắn liền với công tác bàn giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi để đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Những nơi ấy rất cần Bộ đội Cụ Hồ tiên phong, xung kích làm điểm tựa cho đồng bào cải thiện kinh tế, bảo vệ QPAN.
Một chiến lược đúng đắn trong kết hợp kinh tế với quốc phòng góp phần khẳng định bản lĩnh, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và xây dựng quân đội hùng mạnh đủ sức bảo vệ Tổ quốc. (VIỆT HÀ ghi)
* Đồng chí Trần Văn Kiệt, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ:
Một nhiệm vụ quan trọng của Quân đội ta
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao, trong đó có nhiệm vụ kết hợp giữa kinh tế với QPAN; giữa QPAN và kinh tế.
Đồng chí Trần Văn Kiệt, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ.
Đại hội XII của Đảng đã xác định 4 trụ cột của đất nước ta trong giai đoạn mới là: (i) Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; (ii) Xây dựng Đảng là then chốt; (iii) Phát triển văn hóa, con người là nền tảng của xã hội; (iv) Bảo đảm QPAN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Bốn trụ cột hay bốn nhiệm vụ trên có mối quan hệ chặt chẽ, tác động một cách biện chứng với nhau trong việc thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đại hội XII cũng xác định: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”. Quán triệt tư tưởng của Bác Hồ, quan điểm của Đảng, cho nên việc bộ đội thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ QPAN cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Quân đội ta.
Doanh nghiệp quân đội cũng như mọi doanh nghiệp đều phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và bình đẳng như nhau. Điểm khác so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước là doanh nghiệp quân đội chủ yếu hoạt động trong những ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu của nền kinh tế; ở những vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trên những lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư, đặc biệt là trên lĩnh vực QPAN. (THÚY AN ghi)
* Nhà báo Lê Thanh Lương, Trưởng ban điện tử Báo Ngày Nay Online:
Doanh nghiệp quân đội có triết lý kinh doanh vì xã hội
9 năm theo dõi chương trình "Trái tim cho em" do Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) sáng lập, tôi được chứng kiến hàng nghìn em nhỏ được cứu sống sau khi được phẫu thuật tim thành công, những nụ cười trong nước mắt hạnh phúc của gia đình các em.
Nhà báo Lê Thanh Lương, Trưởng ban điện tử Báo Ngày Nay Online:
Viettel đã làm chương trình này rất tốt, huy động được sự chung tay của cả cộng đồng để 3.500 em nhỏ dưới 16 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ mổ tim miễn phí, 34.000 trẻ nhỏ tại 30 địa phương khó khăn, vùng biên giới, hải đảo đã được khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh. Để có được kết quả này, không thể không ghi nhận tâm sức của hàng vạn cán bộ, nhân viên Viettel trên toàn quốc. Bên cạnh việc đảm đương nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh đã rất vất vả, họ còn trực tiếp tham gia quá trình tìm kiếm các gia đình khó khăn, hướng dẫn, giúp đỡ đưa bệnh nhi tới bệnh viện, tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn làm hồ sơ và xác minh gia cảnh trên hệ thống cửa hàng của Viettel tại địa phương.
Nhịp đập của những trái tim trẻ thơ khỏe mạnh trở lại nhờ chương trình "Trái tim cho em", là minh chứng sống động nhất cho thấy triết lý kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp quân đội. Họ nói thật, làm thật, họ day dứt với nỗi đau của xã hội và muốn sẻ chia để xoa dịu nỗi đau đó, chứ không phải hô lên cho có phong trào hay làm để PR hình ảnh. Có những chương trình xã hội rất lớn nếu không phải Viettel thì không thể làm thành công, như các chương trình “Trái tim cho em”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Vì em hiếu học”…
Có những doanh nghiệp như Viettel, chúng ta không chỉ có thương hiệu lớn, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ viễn thông thế giới mà chúng ta còn có doanh nghiệp phát triển vì cộng đồng, vì khát vọng giúp Việt Nam trỗi dậy và vươn lên mạnh mẽ, và trong sự phát triển ấy “không ai bị bỏ lại phía sau”. (QUỲNH DƯƠNG ghi)