Các ý kiến đều khẳng định tính đúng đắn, sâu sắc của chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng; đánh giá cao kết quả đạt được của Quân đội ta trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế; đồng thời bày tỏ tin tưởng quá trình đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp quân đội sẽ giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội ta.
* Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn:
Biểu hiện của sự kết hợp sức mạnh quân - dân
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã quyết định kế hoạch xây dựng đất nước, huy động một số lực lượng bộ đội, trong đó có Bộ đội Trường Sơn chuyển sang sản xuất, xây dựng kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh. Tất cả các đơn vị của Bộ đội Trường Sơn đều chuyển sang làm kinh tế.
Bộ đội Trường Sơn thực chất là binh đoàn tổng hợp để đáp ứng điều kiện chiến đấu trên chiến trường tổng hợp với lực lượng gồm cả bộ binh, công binh, phòng không, thông tin và chủ lực là bộ đội lái xe. Bộ đội Trường Sơn thực hiện nhiệm vụ chiến lược là vận tải sức người, sức của từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
Những người lính từ chiến trường chuyển sang lao động trên đồng ruộng, hầm mỏ, làm đường, làm cầu, khai hoang, cùng nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh. Trải qua hai cuộc chiến tranh, đất nước ta bị tàn phá nặng nề. Bộ đội là lực lượng tập trung, có kỷ cương, kỷ luật đã cùng với nhân dân cần cù, hăng say lao động để bước vào mặt trận mới, xây dựng đất nước sau chiến tranh, với tinh thần, khí thế mới. Chính điều đó đã giúp hậu quả chiến tranh được khắc phục nhanh chóng. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước dựa trên nền tảng là mối đoàn kết quân-dân, khi chuyển sang giai đoạn khôi phục, xây dựng đất nước cũng là dựa trên cơ sở đó.
Quân đội làm kinh tế chính là biểu hiện của kết hợp sức mạnh quân-dân, là tiếp nối thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân. Quân đội kết hợp với nhân dân, quân với dân một lòng thì sức mạnh được nhân lên gấp bội. Tôi luôn trân trọng, ghi nhớ những bài học quý giá khi bộ đội cùng với nhân dân lao động trên đồng ruộng, xây dựng nhà cửa, trường, trại để đất nước ngày nay không chỉ khắc phục được hậu quả của chiến tranh mà ngày càng phát triển nhanh hơn.
Mặt trận sản xuất và xây dựng kinh tế, dù không có tiếng súng nhưng cũng đầy gian nan, thử thách. Dù trong hoàn cảnh nào, các đơn vị quân đội, trong đó có Bộ đội Trường Sơn, hiện nay là Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống anh hùng, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đưa đơn vị có bước phát triển toàn diện, vững chắc. Từ khi hòa bình lập lại đến nay, các đơn vị quân đội chuyển sang làm kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng ngày càng cao, đảm đương những công việc quan trọng trên nhiều lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng đến ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tôi tin tưởng, Quân đội ta sẽ giành được nhiều thành công hơn nữa trên mặt trận sản xuất và xây dựng kinh tế, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. (HƯNG MINH ghi)
* Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng):
Cần hiểu đúng về hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội ta
Ở vị trí địa chính trị như nước ta thì việc quân đội sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế là không thể tránh khỏi và tồn tại ở những dạng thức khác nhau suốt quá trình lịch sử: Thời Lý-Trần là chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi quân vào nông), trong đó, quân nhân và đinh tráng luân phiên phục vụ trong quân đội và cày cấy để kinh tế phát triển, nhưng vẫn có một đội quân dự bị hùng hậu. Triều Nguyễn, quân đội tham gia khai khẩn đất hoang, mở rộng kinh tế trên những vùng đất mới, nhiều địa danh từ đồn binh đã biến thành điền trang.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng).
Từ trước đến nay, khi đề cập đến nhiệm vụ kinh tế của Quân đội ta, cụm từ đầy đủ phải là “quân đội sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế”. Nhiệm vụ này bắt nguồn từ một câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Quân đội ta là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Nội dung nhiệm vụ sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế của quân đội bao gồm: (a). Sản xuất vũ khí, trang bị và các dịch vụ mang tính đặc thù phục vụ quân đội… (b). Các đoàn kinh tế-quốc phòng đứng chân trên những địa bàn chiến lược khó khăn gian khổ, thưa dân ở biên giới, hải đảo để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, đưa văn hóa về thôn bản, bố trí lại dân cư, xây dựng thế trận lòng dân, từ đó thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới; các đơn vị tham gia kinh tế biển, làm chỗ dựa cho ngư dân bảo vệ biển của Tổ quốc. (c). Bộ đội thường trực tranh thủ thời gian ngoài giờ huấn luyện tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Các đơn vị sự nghiệp quốc phòng như nhà trường, bệnh viện... trong thời bình không dùng hết công suất phục vụ quốc phòng thì dùng công suất còn lại tham gia vào các hoạt động phục vụ kinh tế-xã hội để giữ tay nghề cho chuyên gia, người lao động và cải thiện đời sống. (d). Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bổ sung nguồn thu cho quân đội và đóng góp vào ngân sách Nhà nước.
Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi thành lập, nhiệm vụ sản xuất, tham gia xây dựng kinh tế vẫn luôn song hành với nhiệm vụ chiến đấu. Quân đội tham gia lao động sản xuất xây dựng kinh tế là một giải pháp chiến lược. Mức độ và quy mô của nhiệm vụ này tùy thuộc vào tình hình chính trị trong khu vực, tình hình kinh tế đất nước và chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với quân đội. Các đơn vị kinh tế quân đội luôn là đội quân dự bị có thể động viên nhanh nhất ra mặt trận. Từ những nông, lâm trường hình thành sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết trở lại miền Nam chiến đấu. Từ những nông, lâm trường thành lập sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều trung đoàn, sư đoàn hành quân thẳng ra mặt trận chiến đấu bảo vệ biên giới. Lực lượng quân đội xây dựng kinh tế là những người khai sơn phá thạch, tạo nên những vùng kinh tế trù phú ngày nay trên địa bàn Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và ven biển Ninh Bình…
Từ năm 1989 đến nay, thời gian hòa bình của đất nước đủ dài để Đảng, Nhà nước sắp xếp lại lực lượng quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, hướng tới chỉ còn các đơn vị trực tiếp phục vụ quốc phòng. Nếu năm 1989, toàn quân có 305 doanh nghiệp các loại thì đến nay, qua quá trình sáp nhập, giải thể, cổ phần hóa, thoái toàn bộ vốn Nhà nước ở một số doanh nghiệp, quân đội chỉ còn 88 doanh nghiệp và tới đây sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ.
Việc điều chỉnh, thu hẹp quy mô tham gia xây dựng kinh tế đến mức thích hợp đang được khẩn trương thực hiện, mà trước hết là cổ phần hóa các doanh nghiệp sản xuất thuần kinh tế và lưỡng dụng như sản xuất quân trang, quân nhu, xây dựng... Đây là một chủ trương quyết liệt của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nói chung luôn gặp rất nhiều vướng mắc. Với quân đội còn phát sinh thêm một số vấn đề đặc thù như xác định các chức năng liên quan đến quốc phòng và an ninh, đến sức mạnh của quân đội; đất quốc phòng mà doanh nghiệp đang quản lý; chính sách, chế độ đối với quân nhân… Số lượng và quy mô doanh nghiệp quân đội sẽ tiến tới tối ưu phù hợp với việc xây dựng quân đội trong tình hình mới. Các hình thức sản xuất tham gia kinh tế của quân đội đều là những giải pháp tăng cường sức mạnh quân đội và bảo vệ Tổ quốc. Đó là một trong những giải pháp kết hợp kinh tế với quốc phòng. Kết hợp kinh tế với quốc phòng là giải pháp chiến lược của mọi quốc gia, mọi thời đại chứ không phải chỉ ở nước ta. (QUANG PHƯƠNG ghi)
* Ông Trần Đình Hoan, Giám đốc Công ty Cổ phần XD&DLTM Đại Việt:
Doanh nghiệp quân đội đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế đất nước
Lịch sử của dân tộc ta là dựng nước đi đôi với giữ nước. Sự kết hợp giữa xây dựng phát triển kinh tế gắn với quốc phòng hiện nay chính là sự tiếp nối truyền thống đó. Theo tôi cần xác định rằng, quân đội phải vừa là lực lượng bảo vệ đất nước, bảo vệ các thành quả kinh tế-xã hội của đất nước, vừa là lực lượng xây dựng kinh tế; kết hợp kinh tế với quốc phòng trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ.
Ông Trần Đình Hoan, Giám đốc Công ty Cổ phần XD&DLTM Đại Việt.
Tôi thấy, những năm qua, quân đội đã sử dụng hợp lý các tiềm năng của các đơn vị quân đội để sản xuất và xây dựng kinh tế, những thành tựu trong xây dựng kinh tế được dùng để củng cố quốc phòng, xây dựng sức mạnh quân sự. Trong thời bình, chức năng “đội quân sản xuất” của Quân đội ta càng được phát huy mạnh mẽ. Quân đội luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt xây dựng hệ thống các khu kinh tế-quốc phòng ở những vị trí chiến lược nơi biên giới, hải đảo; là lực lượng nòng cốt trong xóa đói, giảm nghèo, tổ chức lại dân cư, củng cố và tăng cường quốc phòng và an ninh trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm.
Hiện nay, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp quân đội đang thể hiện vai trò của mình, khi vừa phát triển sản xuất và cung cấp nhiều sản phẩm cho xã hội, đầu tư rất lớn, tạo điều kiện để vùng sâu, vùng xa phát triển; đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Chính sự ổn định và lớn mạnh của các doanh nghiệp quân đội tham gia hoạt động kinh tế ở các lĩnh vực: Bưu chính-Viễn thông (Viettel); bay dịch vụ (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam); dịch vụ ngân hàng (MB); dịch vụ cảng biển (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn)... đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi phát triển. (TÙNG LÂM ghi)
* Ông Trần Nhương, quận 3, TP Hồ Chí Minh:
Đất nước cần quân đội tiếp tục là "đội quân sản xuất"
Thời gian qua, quân đội tham gia vào công tác sản xuất, xây dựng kinh tế đã góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế-xã hội của đất nước, tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của nhân dân trên những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa. Nhiều doanh nghiệp quân đội với các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao đã đứng vững trong cơ chế thị trường.
Ông Trần Nhương, quận 3, TP Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, có những doanh nghiệp quân đội đã khẳng định được vị thế của mình không chỉ trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Nhiều doanh nghiệp quân đội sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế-xã hội đất nước, đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Những doanh nghiệp quân đội đó đang góp phần làm giàu cho đất nước, chúng ta phải khuyến khích họ tiếp tục cống hiến.
Nhìn lại những năm trước, khi đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ quân đội rất thiếu thốn. Nhờ có tinh thần tự lực, tự cường, tích cực tham gia sản xuất và xây dựng kinh tế, các đơn vị quân đội đã tự lo được rất nhiều nhu cầu của mình, doanh trại khang trang, sạch đẹp, đời sống của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện. Điều đó cũng thể hiện bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ, vừa làm kinh tế giỏi, vừa làm tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong thời bình. Đặc biệt là những địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, không ít các doanh nghiệp quân đội đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh chính trị trên địa bàn đóng quân. (MINH NGUYỄN ghi)