Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa...
Khi mất đi, Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969, trái tim nhân ái bao la, vĩ đại của Người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam ngừng đập. “Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!… Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết!”, những lời Điếu văn được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Quảng trường Ba Đình đã thể hiện niềm đau xót của cả dân tộc. Trong giờ khắc đau thương đó, khắp nơi trên mảnh đất quê hương hình chữ S, từ Thủ đô Hà Nội - nơi người con vĩ đại của dân tộc yên nghỉ cho đến thành phố lớn Sài Gòn - Gia Định đang chịu sự kìm kẹp của kẻ thù, từ nơi địa đầu Tổ quốc Cao Bằng cho đến tận cùng Đất mũi Cà Mau, từ các thành thị, nông thôn miền Bắc, các vùng căn cứ kháng chiến, các vùng bị địch tạm chiếm miền Nam, trong các nhà tù Chí Hòa, Côn Đảo… các chiến sĩ cách mạng và nhân dân, bằng nhiều hình thức khác nhau, đã làm lễ truy điệu và để tang Bác Hồ với lòng kính yêu vô hạn.
 |
Ngày 9-9-1969, Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh: Tư liệu |
Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh 7 ngày trong cả nước (từ ngày 4 đến ngày 10-9-1969) và tổ chức lễ tang theo nghi thức cao nhất của Nhà nước. Đúng 6 giờ sáng ngày 6-9-1969, lễ viếng chính thức được bắt đầu và kéo dài đến hết ngày 8-9-1969. Trong những ngày này, từng đoàn người từ khắp muôn nơi với nét mặt đau thương vô hạn xếp hàng ngày đêm tiến vào Hội trường Ba Đình kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sáng ngày 9-9-1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Hơn 20.000 đồng bào thủ đô và các địa phương trong cả nước cùng hơn 40 đoàn đại biểu quốc tế đã về Ba Đình tham dự lễ truy điệu người con ưu tú nhất của dân tộc. Đúng 7 giờ 30 phút, nghi lễ bắt đầu. Trong không khí đau buồn, thương tiếc và trang nghiêm, đồng chí Lê Duẩn đọc Điếu văn bày tỏ lòng thương tiếc vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp đến là bản Di chúc của Người. Mọi người xúc động, im lặng lắng nghe từng lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Kết thúc buổi lễ là 21 loạt đại bác và đội hình máy bay gồm 12 chiếc thuộc Trung đoàn Sao đỏ bay qua Quảng trường nghiêng cánh vĩnh biệt Người.
 |
Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, 6-9-1969. Ảnh tư liệu |
Cùng với Hà Nội, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể trên nhiều địa phương trên cả nước. Những câu chuyện được kể lại, những hồi ức được viết ra đã thể hiện nỗi đau của cả dân tộc trong những ngày tháng Chín năm ấy.
Tại Cao Bằng, căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước, tin Bác Hồ muôn vàn kính yêu không còn nữa được truyền đi nhanh chóng. Lúc sinh thời, Bác coi Cao Bằng như quê hương thân thuộc của mình. Những ngày đầu xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Bác trở về Tổ quốc, lựa chọn Pác Bó - Cao Bằng làm nơi nhen ngọn lửa đoàn kết toàn dân, phát động thời kỳ mới của sự nghiệp giải phóng dân tộc, đưa đồng bào thoát khỏi cảnh đời nô lệ, khổ cực, nghèo đói, thất học.
Ngày 6-9-1969, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tỉnh tổ chức trọng thể tại đầu nguồn Pác Bó, xã Trường Hà (huyện Hà Quảng) - nơi Người đã sống và làm việc những ngày đầu về nước. Nhân dân Pác Bó để tang Bác theo đúng tục lệ địa phương, hàng nghìn người áo trắng khăn tang đứng bên dòng suối Lê-nin thả hoa trắng trôi theo dòng nước, tiễn đưa Người về cõi vĩnh hằng. Đồng bào ai cũng tuôn trào nước mắt đau thương vĩnh biệt Người.
Ngày Bác đi xa, miền Nam thành đồng Tổ quốc đang trong thời điểm khó khăn gian khổ nhất, nhưng niềm tin của Người gửi lại “cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn” đã trở thành mệnh lệnh hành động cho toàn thể quân và dân miền Nam. Với lòng tiếc thương vô hạn, nhân dân miền Nam bất chấp sự theo dõi, kìm kẹp của Mỹ - ngụy đã tổ chức truy điệu cho Người.
 |
Lễ truy điệu Bác Hồ do Khu ủy 5 tổ chức ngày 9-9-1969 tại Sông Thanh, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh tư liệu: Baoquangnam.vn |
Sáng ngày 6-9-1969, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tổ chức truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ kháng chiến ở miền Nam. Cùng với đó là những buổi lễ giản đơn nhưng trang nghiêm và đầy lòng thành kính được âm thầm diễn ra ngay trong lòng thành phố Sài Gòn - Gia Định. Thanh niên, sinh viên thuộc đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn kính cẩn mặc niệm Người trong tiếng hát trang nghiêm của bài "Hồn tử sĩ". Công nhân xe buýt dành cả ngày và đêm 9-9 làm lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều gia đình trong thành phố thắp nhang trên bàn thờ làm lễ tang Bác, đón nghe các buổi phát thanh về Bác trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Thủ đô Hà Nội. Quân dân ngoại thành làm lễ truy điệu Bác ở nhà, ngoài căn cứ, dưới địa đạo, dưới những căn hầm bí mật. Đặc biệt, Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chùa Khánh Hưng, do nhà tu hành yêu nước - Hòa thượng Thích Pháp Lan (khi đó là Thượng tọa trụ trì) làm chủ lễ là nơi duy nhất ở Sài Gòn - Gia Định công khai tổ chức truy điệu Người mặc dù bị địch theo dõi, khủng bố gắt gao.
Đúng 2 giờ chiều ngày 9-9-1969, chỉ vài tiếng đồng hồ sau lễ truy điệu Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình, lễ truy điệu tại đây bắt đầu. Nhiều trí thức có tên tuổi ở Sài Gòn như bà luật sư Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng... cùng hơn 200 thanh niên, học sinh, bà con Phật tử yêu nước đã tề tựu dự lễ. Hòa thượng Thích Pháp Lan dáng vẻ uy nghiêm, đĩnh đạc chủ lễ, giọng trầm ấm truyền cảm đọc bài điếu văn tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong không khí trang nghiêm, thành kính: “Nhớ đến Bác càng thương càng khóc/Thấy bọn giặc thêm hận thêm thù/Khóc là khóc đấng thiên tài lỗi lạc, đuổi xâm lăng đòi độc lập - tự do, trọn đời mải lo âu cho dân tộc”.
Ở Cà Mau, trong những khu căn cứ rừng tràm, từ những chiếc radio cũ kỹ, phát đi bản tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Bản tin đã gây nên sự bàng hoàng, đau đớn tột cùng trong lòng mọi người. Còn nhớ, trên chuyến tàu biển chở cán bộ, chiến sĩ từ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơnevơ, bà mẹ liệt sĩ Lê Thị Sảnh (còn gọi là mẹ Tư Tố) ở Ranh Hạt thuộc ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình, đã gửi theo cây vú sữa cao 2 tấc được ươm trồng trong một chiếc bình tích bằng sành để tặng Bác Hồ. Cây vú sữa được Bác cho trồng trong vườn Phủ Chủ tịch, cạnh ngôi nhà Bác ở, được Bác vun trồng, chăm sóc dần lớn lên. Trong hoàn cảnh đất nước chia cắt, cây vú sữa gửi từ vùng cực nam của Tổ quốc đã trở thành hình ảnh miền Nam xa xôi mà thân thương luôn thường trực như nỗi nhớ nhà trong lòng vị Cha già dân tộc. Và ngược lại, đối với cán bộ, chiến sĩ và người dân Cà Mau, hình ảnh Bác Hồ luôn là biểu tượng thiêng liêng, là sức mạnh, niềm tin giúp vượt qua bão đạn mưa bom, chiến thắng giặc thù. Khi nghe tin Bác qua đời, vượt lên tình hình khó khăn hiểm nguy khi bầu trời Cà Mau cả ngày lẫn đêm không lúc nào vắng các loại máy bay quần đảo, bắn phá, đổ quân càn quét; các cụm pháo địch ở các chi khu, kể cả pháo bầy của hạm đội 7 của Mỹ ngoài biển bắn vào; máy bay trực thăng thả lính Mỹ nhảy dù khắp nơi…, lễ truy điệu Bác Hồ của tỉnh đã được cử hành trọng thể, trang nghiêm và an toàn tại ấp Tân Đức, huyện Tư Kháng (Ngọc Hiển - bây giờ là Đầm Dơi). Không chỉ có lực lượng quân - dân - chính - đảng mà nhân dân nghe tin tang lễ Bác đã tự họp nhau đi xuồng đến điểm lễ; các cháu thanh niên, thiếu nhi thì lội bộ, băng đồng qua kinh rạch, bất chấp đường xa tới điểm lễ. Số người đến dự tang lễ Bác hôm đó lên gần 10 nghìn, khiến sân lễ không còn một chỗ trống, một số đông nhân dân phải ken xuồng lại để đứng. Sau chào cờ, mặc niệm, Đoàn Chủ tịch và đại diện các phái đoàn đến dâng hương tưởng niệm Bác Hồ. Lúc này, toàn dân bật khóc nghẹn ngào, nức nở. Trong khí thế “biến đau thương thành hành động cách mạng”, tiếng gọi “Bác Hồ ơi!”, “Bác Hồ ơi!”, “Bác Hồ ơi!” âm vang.
Biến đau thương thành hành động cách mạng
Bên trong những vùng địch tạm chiếm như Quảng Trị, nhân dân chịu sự kìm kẹp rất gay gắt của kẻ thù nên không có điều kiện để tổ chức lễ truy điệu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng mỗi người lại dùng cách của riêng mình để bày tỏ niềm thương tiếc, kính trọng và biết ơn đối với Bác. Những dòng khẩu hiệu đơn giản “Vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” được treo phía trên bàn thờ thay cho tấm ảnh Bác, mọi người đều trang nghiêm đứng cúi đầu tưởng nhớ đến Người. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ chỉ có thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong tổ chức được lễ truy điệu Bác Hồ. Thời khắc lịch sử năm ấy được ghi lại cụ thể là ngày 25-9-1969, tại ngõ nhà ông Phan Tường, dưới vỏ bọc tổ chức lễ cầu an rằm tháng 8 để lồng ghép thực hiện lễ truy điệu Bác. Để đảm bảo tính bí mật, Chi bộ Đảng đã đến từng nhà vận động, thông báo cho người dân được biết và lên phương án chủ động tránh địch phát hiện. Dưới sự tổ chức chặt chẽ, đoàn kết một lòng của nhân dân, buổi lễ truy điệu diễn ra thành công như mong muốn của Chi bộ và nhân dân thôn Hà Xá.
 |
Trong 7 ngày để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nhân mỏ Hà Lầm (Quảng Ninh) trước và sau giờ làm việc hằng ngày luôn dành một phút mặc niệm Người và quyết tâm đẩy mạnh sản xuất để đền đáp công ơn Bác. Ảnh: Tư liệu TTXVN
|
Với những chiến sĩ cách mạng đang bị giam giữ trong các nhà tù của Mỹ-ngụy ở khắp miền Nam, việc tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ vô cùng khó khăn và nguy hiểm đến tính mạng. Song với lòng kính yêu và tiếc thương Bác vô hạn, những người tù yêu nước đã vượt qua hiểm nguy để tổ chức buổi lễ truy điệu Bác, để tang Bác bằng nhiều hình thức như: Ở nhà lao Xóm Mới (nhà lao Hội An), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ nhà lao, đúng 5 giờ sáng ngày 6-9-1969, lễ truy điệu và để tang Bác Hồ được bí mật tổ chức tại các phòng nam tù nhân và nữ tù nhân. Các tù nhân với khăn trắng, đứng xếp hàng, hát Quốc ca và dành ba phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương vô vàn đối với Bác. Tại nhà lao Chí Hòa (Sài Gòn), anh chị em tù chính trị để tang Bác 7 ngày, với các nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, hát bài “Hồn tử sĩ”, đọc điếu văn và sau đó kể các câu chuyện mà mọi người biết được về Bác Hồ. Các anh nam giới gắn một miếng vải đen lên ngực trái còn chị em nữ tù thì chít khăn trắng như để tang cho cha mẹ mình. Tại nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa), trong suốt ba ngày để tang Bác, anh em tù chính trị đều quàng trên cổ chiếc khăn rằn Nam Bộ, giữ thái độ yên lặng, không đánh cờ, không cười đùa, tập trung từng nhóm 15 - 20 người mạn đàm công ơn Bác Hồ và đọc "Kinh nhật tụng": "Sống nguyện sống gian nan cùng bạn. Chết nếu cần hoạn nạn có nhau…". Trong nhà tù Côn Đảo, khi biết tin Bác Hồ mất, những người tử tù đã lấy tấm bìa các-tông rồi lấy lá cây chà lên tạo nền để vẽ cho ra hình lá cờ Tổ quốc. Dùng lá cờ ấy đặt lên trên tấm phản để làm thành bàn thờ. Mỗi người xé một miếng vải đen, khâu vào áo tù để để tang cho Bác. Khi truy điệu, tất cả mọi người quay mặt về hướng bắc.
Có thể thấy rằng, trong giờ phút đau thương lớn của toàn thể dân tộc, dù ở chiến trường đạn bom ác liệt, ở các chiến khu, các vùng tự do hay trong các vùng địch tạm chiếm, trong các ngục tù đầy chết chóc, tăm tối, bàn thờ Bác vẫn được thành kính lập ra, các buổi lễ truy điệu Bác vẫn được tiến hành trang nghiêm, trọng thể và an toàn. Vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã biến nước mắt thành quyết tâm, biến đau thương thành hành động cách mạng, xiết chặt hàng ngũ xung quanh Ban chấp hành Trung ương Đảng, “mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đại thắng đã đưa cả nước bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người về độc lập, tự do và thống nhất đất nước cùng khát vọng của toàn dân tộc đã trở thành hiện thực sinh động trên mảnh đất Việt Nam anh hùng.
VŨ THỊ KIM YẾN