Lắp ráp MEMS tại Sonion Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh
Phân bố công nghiệp hợp lý hơn trên toàn lãnh thổ; nâng cao hiệu quả các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; sớm đưa một số khu công nghệ cao vào hoạt động”. Đây cũng là mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu mà Đại hội X Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Đột phá về tăng trưởng và năng lực cạnh tranh
Đại hội X Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ 2015-2020 là: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á”. Theo đó, 7 chương trình đột phá được xác định, trong đó có 3 chương trình liên quan trực tiếp đến phát triển Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (SHTP) là: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách hành chính; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, SHTP là khu kinh tế-kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao (CNC), có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và CNC, hình thành lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất, kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển CNC và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp CNC.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh, năm 2016 là năm thành công tiếp theo của SHTP trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hàng loạt công ty lớn trên thế giới đã đến SHTP, mà tiêu biểu nhất là dự án Samsung, kéo theo “làn sóng” tìm hiểu, đầu tư đến từ các công ty cung ứng hàng phụ trợ. Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, trong năm vừa qua, SHTP thu hút đầu tư vượt 2,5 lần so với kế hoạch năm, với tổng vốn đầu tư đạt 650 triệu USD. Nhằm đưa nhanh Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ TP Hồ Chí Minh vào cuộc sống, 6 tháng đầu năm nay, SHTP đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án với tổng số vốn đầu tư 134,74 triệu USD; lũy kế đến nay có 123 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đạt hơn 6,230 tỷ USD. Giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 4,948 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 4,604 tỷ USD, tăng 79,66% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước 117,64 triệu USD. Riêng giá trị xuất khẩu năm 2016 của SHTP đạt 7 tỷ USD.
Tại SHTP, Công ty Cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon đang xây dựng dự án Saigon Silicon City Center. Đây là một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của dự án Saigon Silicon City. Mục tiêu xây dựng dự án Saigon Silicon City Center nhằm nghiên cứu, phát triển công nghệ, kết nối cộng đồng CNC, công nghiệp phụ trợ CNC của người Việt Nam ở nước ngoài, các tập đoàn quốc tế về hợp tác, nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ. Sau khi hoàn thành, Saigon Silicon City sẽ trở thành một đô thị thông minh đẳng cấp quốc tế theo mô hình “thung lũng Silicon” ở Mỹ.
Để thu hút các nhà đầu tư vào SHTP, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách ưu đãi như: Miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm CNC là 0%; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án.
Chú trọng xúc tiến đầu tư công nghệ
Nhằm thực hiện các nghị quyết của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban quản lý SHTP quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, khu CNC sẽ trở thành một đô thị khoa học-công nghệ, có vai trò thúc đẩy mạnh mẽ nền tảng kinh tế, công nghệ tri thức của TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế động lực phía Nam. Trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, Đại hội X Đảng bộ TP Hồ Chí Minh xác định việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 7 chương trình đột phá. Đảng bộ Cơ quan Ban quản lý SHTP đã thành lập các tổ công tác để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, trong đó chú trọng: Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển hoạt động khoa học-công nghệ, phát triển mạnh khoa học-công nghệ tại doanh nghiệp, đơn vị; thu hút nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cả trong kỹ thuật và quản lý. Theo đó, SHTP đặc biệt chú trọng đến R&D. Hàng loạt doanh nghiệp dành tỷ lệ phần trăm cao từ doanh thu để đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Số lượng công nghệ mới được phát triển hoặc chuyển giao trong năm qua cũng tăng gần gấp đôi. Hoạt động R&D tại SHTP phổ biến ở hai hình thức: Mua công nghệ và làm chủ công nghệ.
Là lĩnh vực đòi hỏi phải đầu tư, sản xuất CNC, thời gian qua, Ban quản lý SHTP đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu triển khai, đào tạo và vườn ươm. Năm qua, các hội đồng đã đồng ý triển khai thực hiện 27 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó 21 đề tài cấp trung tâm; 3 đề tài cấp bộ. Hợp tác với Trường Đại học Anger của Pháp trong triển khai các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ vật liệu nano và sinh học. Ký kết với Quỹ Nagano Nhật Bản thúc đẩy hợp tác công nghệ nano và công nghệ cơ khí chính xác. Nghiên cứu và xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh.
Từ nay đến năm 2020, Đảng bộ Cơ quan Ban quản lý SHTP đã xác định các chỉ tiêu cần đạt được: Phấn đấu đến đầu năm 2018, Công viên Khoa học-công nghệ thành phố chính thức đi vào hoạt động. Đến năm 2020, hỗ trợ thúc đẩy thành lập và đưa vào hoạt động 10 trung tâm R&D về CNC của các doanh nghiệp, trường đại học, các viện nghiên cứu; đạt ít nhất 20 bằng sáng chế, giải pháp công nghiệp được công nhận trong nước và quốc tế. Đến năm 2020, thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích dành cho sản xuất CNC, thu hút đầu tư lấp đầy ít nhất 70% diện tích các phân khu chức năng khác. Tổng số lũy kế thu hút đạt hơn 100 dự án CNC, trong đó có 12 tập đoàn CNC tên tuổi lớn của thế giới.
HUY VÕ