Cảm hứng từ ngàn xưa
QĐND - Sân bay quốc tế mang tên của một phi công Pê-ru là Jorges Chavez nằm ở thành phố nhỏ Can-lao, cách trung tâm thủ đô Li-ma của Pê-ru chừng 10 cây số. Mặc dù chỉ là một sân bay nhỏ nhưng đây gần như là trung tâm của cả khu vực, nơi các chuyến bay quốc tế tấp nập đến và đi trên toàn vùng Nam Mỹ. Trong những ngày này, sân bay Jorges Chavez càng trở nên bận rộn một cách khác thường bởi đón tiếp các đoàn khách quốc tế đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) cùng một số tổ chức quốc tế tới Li-ma họp Hội nghị Cấp cao APEC 2016 tại Pê-ru.
Pê-ru từng là nơi phát xuất của những nền văn minh rực rỡ mà nổi bật nhất là đế chế của người In-ca tồn tại trong gần trăm năm hồi thế kỷ 15. Những cuộc chinh phục của người Tây Ban Nha đã xóa sổ nền văn minh của người In-ca, nay chỉ còn lại dấu tích hoang tàn nơi thánh địa Ma-chu Pi-chu nằm ở phía bắc Pê-ru, trong thung lũng U-ru-bam-ba. Những đỉnh núi mây mù của dãy Andes chạy dài theo đất nước Pê-ru, song song với Thái Bình Dương, là nơi phát xuất của các dòng chi lưu để hợp thành con sông Amazon kỳ vĩ đổ ra Đại Tây Dương. Như vậy, nằm ven bờ Thái Bình Dương, Pê-ru có núi cao, sông dài, biển rộng, là cái nôi của những nền văn hóa cổ xưa nhất ở châu Mỹ La-tinh.
Nằm ở Nam bán cầu, trong khi Hà Nội bắt đầu mùa đông thì Li-ma đang vào đầu hè. Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Phran-xít-xcô Pi-gia-rô (Francisco Pizarro) đã dẫn đầu một đạo quân chinh phục đế chế In-ca và sáng lập nên Li-ma vào ngày 18-1-1535, đặt tên là Ciudad de ló Reyes, nghĩa là “Thành phố của các Hoàng đế”. Thủ đô của Pê-ru là sự hòa trộn đầy quyến rũ giữa những yếu tố của một đời sống hiện đại với hương vị cổ xưa còn đọng lại nơi những kiến trúc cung điện hay nhà thờ, quảng trường. Ở khu phố cổ Li-ma, trên quảng trường Mayor hay quanh nhà thờ thánh Xan Phran-xít-xcô nườm nượp khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về để tận hưởng hương vị xưa cũ từ hàng trăm năm trước cũng như những món ăn nhiều màu sắc của thành phố được mệnh danh là “thủ phủ ẩm thực” của châu Mỹ.
Dĩ nhiên, cái hương vị xưa cũ ấy cũng phả vào trong các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC mà Pê-ru là nước chủ nhà. Logo của Hội nghị Cấp cao APEC lần này là những hình kỷ hà học xếp theo ba lớp vòng tròn đồng tâm, lấy cảm hứng từ cấu trúc nền văn minh cổ xưa, biểu hiện cụ thể qua thành phố cổ Ca-ran của Pê-ru. Phát triển trong khoảng thời gian từ năm 3000 đến 1800 trước Công nguyên, người Pê-ru cổ đại đã có những hiểu biết sớm đến kinh ngạc về nông nghiệp, khí hậu, năng lượng, y học cũng như các ngành khoa học cổ khác. Đây được coi như nền văn minh cổ nhất của châu Mỹ La-tinh. Hội tụ của nền văn minh đó nằm ở thành phố cổ Ca-ran trong thung lũng Supr của Pê-ru, chỉ cách Thái Bình Dương chừng 20 cây số. Năm 2009, thành phố cổ này đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Pê-ru muốn mang âm hưởng văn hóa cổ xưa của mình vào một diễn đàn quy tụ cả 21 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Một người thổ dân In-ca trong Trung tâm báo chí Hội nghị Cấp cao APEC.
Bộ đội Cụ Hồ phục vụ APEC!
Tham dự Tuần lễ APEC tại thủ đô Li-ma, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng tham gia các hoạt động thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tới thăm các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động đầu tư tại Pê-ru.
Một trong số đó là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel.
Tháng 10-2014, Viettel chính thức kinh doanh dịch vụ tại Pê-ru dưới tên gọi Bitel. Trước khi Bitel đi vào hoạt động, tại Pê-ru đã có ba nhà mạng di động khác là Mivistar của Tây Ban Nha (đứng thứ tám trên thế giới với 325 triệu thuê bao và đứng thứ hai trong số các công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài); Claro (của tỷ phú người Mê-hi-cô, Ca-lốt Xlim (Carlos Slim), đứng thứ chín trên thế giới với 289 triệu thuê bao, đứng thứ ba trong số các công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài); Entel (của tập đoàn tài chính Chi-lê). Movistar và Claro cũng là hai mạng dẫn đầu khu vực Mỹ La-tinh.
Chỉ cần kể tên những “đối thủ” như vậy đã đủ để thấy, Bitel vào Pê-ru với tuổi đời non trẻ, đã phải chịu sức ép cạnh tranh ghê gớm như thế nào!
Vậy bằng cách nào Bitel đã vượt qua được những khó khăn trong quá trình cạnh tranh ấy?
Câu trả lời tôi đã tìm thấy hôm đi cùng đoàn Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới thăm Văn phòng của Bitel ở thủ đô Li-ma. Ngay ở lối vào văn phòng, trên bức tường có treo một tấm biển ghi lại câu ngạn ngữ của châu Phi: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau!”. Cái triết lý ấy đã giúp Bitel trụ vững được trước sức ép cạnh tranh từ phía những “ông lớn” của viễn thông thế giới. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel giải thích: “Đội ngũ nhân sự của Bitel hiện chỉ có khoảng 10% là nhân viên người Việt, còn lại là nhân viên người Pê-ru, người Cô-lôm-bi-a, người Ấn Độ… Nếu không đoàn kết cùng nhau thì khó có thể vượt qua được sức ép ngày càng gay gắt”.
Có lẽ nhờ có triết lý “đi cùng nhau” ấy mà chỉ trong một thời gian ngắn, Bitel đã có được những bước tiến vượt bậc. Chỉ sau đúng 2 năm kinh doanh, Bitel đã có lợi nhuận dương, trong khi các công ty nước ngoài phải sau 4 đến 5 năm kinh doanh mới có được kết quả đó. Bitel hiện cũng có mạng cáp quang lớn nhất Pê-ru với 25.000km, có vùng phủ sóng lớn thứ hai ở Pê-ru với 3.500 trạm phát sóng. Bitel là nhà mạng duy nhất tại Pê-ru bỏ qua công nghệ 2G, cung cấp dịch vụ di động thế hệ 3G và chuẩn bị cung cấp 4G tại Pê-ru. Chỉ ít ngày trước khi khai mạc Hội nghị Cấp cao APEC, toàn Li-ma đã được phủ sóng 4G tốc độ cao của Bitel, góp phần phục vụ APEC và đoàn công tác của Chủ tịch nước dự Tuần lễ Cấp cao APEC chính là những khách hàng đầu tiên!
Đến thăm Văn phòng của Bitel ở Pê-ru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đánh giá cao các hoạt động của Viettel ở Pê-ru. Chủ tịch nói: “Các đồng chí đã mang tính xung kích của người lính Bộ đội Cụ Hồ để đi đầu trong sự nghiệp làm kinh tế, đầu tư ra nước ngoài. Tôi đánh giá cao các hoạt động của Viettel không chỉ vì đã mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước, mà còn vì đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của nước bạn, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Pê-ru”.
“Trọng tâm tuyệt đối” là thương mại quốc tế
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng với Tổng thống Phi-líp-pin R.Đu-téc-tê (Rodrigo Duterte) và Tổng thống nước chủ nhà Pê-đrô Páp-lô Kúc-xin-xki (Pedro Pablo Kucczynski) là ba nhà lãnh đạo quốc gia lần đầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Đây cũng là lần cuối cùng Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma (Barack Obama) tham dự Hội nghị Cấp cao APEC trên cương vị Tổng thống trước khi bàn giao công việc lại cho ông Đô-nan Trăm (Donald Trump), người mới đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 20-1-2017. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống LB Nga V.Pu-tin, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê… cũng đều có mặt tham dự hội nghị.
Tổng thống Cô-lôm-bi-a Hoan Ma-nu-en Xan-tốt (Juan Manuel Santos) và Tổng thống Ác-hen-ti-na Mau-ri-xi-ô Mác-ri (Mauricio Macri) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC lần này với tư cách khách mời.
Trước khi Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra khoảng hai tuần, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế, Tổng thống nước chủ nhà Pê-ru, ông P.P.Kúc-xin-xki (Pedro Pablo Kuczynski), cũng là một nhà kinh tế học, khẳng định rằng, “đề tài trọng tâm tuyệt đối” của thượng đỉnh lần này là thương mại quốc tế! Sở dĩ hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo thành viên APEC phải hướng trọng tâm vào vấn đề này bởi vì trong hai năm qua, thương mại quốc tế, vốn từng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đã lâm vào tình trạng trì trệ.
Cụ thể hơn, Hội nghị cấp cao lần này ở Li-ma hướng trọng tâm thảo luận vào bốn lĩnh vực chính: Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; Thị trường lương thực khu vực; Quốc tế hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự tất cả các hoạt động lớn của Tuần lễ Cấp cao APEC, tiếp xúc rộng rãi với các đối tác quan trọng trong APEC, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác và thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp APEC tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Trong các hoạt động, các bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chủ động đóng góp vào các quan tâm chung về thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng, tái cơ cấu kinh tế, an ninh lương thực, danh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đào tạo nhân lực, ứng phó với thiên tai…
Đặc biệt, với việc Việt Nam chuẩn bị đảm nhận vai trò chủ nhà năm APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã truyền đi thông điệp với thế giới về chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng thế giới, vì hòa bình, ổn định và phát triển. Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì các nghị trình cơ bản của APEC hướng tới hội nhập khu vực, làm sâu sắc hơn các sáng kiến đầu tư và tự do thương mại, cải tổ cấu trúc và tham gia tích cực vào hội nhập kinh tế khu vực.
Tổ chức Tuần lễ cấp cao tại nơi từng tồn tại “đế chế của người In-ca”, APEC 21 thành viên thực chất cũng là một “đế chế kinh tế” với số dân 2,7 tỷ người, chiếm 57% tổng sản phẩm GDP và 47% thương mại thế giới. Ở Hội nghị cấp cao lần này, với sự đóng góp tích cực của Việt Nam, APEC tiếp tục quá trình hội nhập như tinh thần câu ngạn ngữ châu Phi, “Cùng nhau, chúng ta có thể đi xa!”.
Bài và ảnh: VĂN YÊN (từ Li-ma, Pê-ru)